Giấc mơ công nghiệp ô tô Việt Nam
Khi ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh tới 3 lần từ "great" (tuyệt vời) trong bài phát biểu của mình ngày 25/11 tại lễ xuất khẩu 999 chiếc VinFast đầu tiên sang thị trường Mỹ, ông đã đánh một dấu mốc đáng nhớ không chỉ cho hãng sản xuất xe Việt, cho quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ, mà cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Từ năm 1997, rất nhiều liên doanh sản xuất ô tô đã được cấp phép đi vào hoạt động, Việt Nam đã hy vọng xây dựng được một nền công nghiệp sản xuất ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao. Tuy nhiên do dung lượng thị trường bé, các chính sách lại chỉ dựa trên thuế mà không căn cứ vào công nghệ và vốn đầu tư đã làm chiến lược nội địa hóa ngành ô tô phá sản.
Mười năm sau, vào năm 2007, chúng tôi đi khảo sát toàn bộ các nhà sản xuất, cung cấp phụ tùng ô tô và xe máy Việt để phục vụ cho dự án sắp tới của mình. Số nhà cung cấp lúc đó rất thiếu và rất yếu. Đa số nhà cung cấp là các công ty của Đài Loan và Nhật Bản đi theo các nhà sản xuất xe Nhật Bản vào Việt Nam, cũng có một số công ty Hàn Quốc sản xuất lốp và vành xe nhưng rất ít. Nhà sản xuất xe duy nhất của Việt Nam mang thương hiệu Việt lúc bấy giờ là Vinaxuki của kỹ sư Bùi Ngọc Huyên.
Nhà máy của Vinaxuki đặt tại Mê Linh, Vĩnh Phúc, được trang bị đầy đủ phân xưởng khuôn, dập và cắt CNC (cắt kim loại theo đường cong bất kỳ dựa trên sự điều khiển của phần mềm máy tính), phân xưởng lắp ráp khung xe và cabin xe tải.
Tại thời điểm đó với một nhà sản xuất của Việt Nam thì cơ sở vật chất như vậy là tương đối tốt, nhưng nếu so với các nhà sản xuất Nhật Bản thì chả thấm tháp gì, họ quá hiện đại và đồng bộ. Kỹ sư Huyên đã không ít lần chia sẻ giấc mơ làm xe ô tô sản xuất tại Việt Nam rất tâm huyết. Rất tiếc, sau này thị trường thay đổi, thiếu vốn khiến việc đầu tư dây chuyền sản xuất không thể đồng bộ, khó khăn chồng chất. Sau đó Vinaxuki phải giải thể.
Sau Vinaxuki, các công ty Việt Nam không còn mặn mà gì với việc tự sản xuất xe tại Việt Nam nữa mà họ tìm cách liên doanh với các nhà sản xuất trên thế giới để lắp ráp xe mang thương hiệu ngoại tại Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, cách làm đó giúp hạn chế rủi ro, nhưng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thì lại dẫn đến sự trì trệ trong chiến lược phát triển.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, đến năm 2021 Việt Nam chỉ có 100 nhà cung cấp cấp 1 trong khi con số này ở Thái Lan là gần 700, Việt Nam chỉ có 150 nhà cung cấp cấp 2, 3 trong khi Thái Lan có 1.700. Các doanh nghiệp Việt chỉ tham gia vào chuỗi giá trị với tâm thế người gia công, làm thuê, cung cấp, không có doanh nghiệp nào làm chủ chuỗi giá trị cả.
Tỷ lệ nội địa hóa cho xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi ở Việt Nam chỉ đạt được trung bình từ 7-10%; Thaco 15-18%; Toyota 37% (số liệu từ doanh nghiệp). Chả thế mà người ta có câu cửa miệng "Việt Nam đến cái ốc vít còn không sản xuất ra".
Vinfast ra đời đã làm thay đổi căn bản cách nhìn nhận về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trên nhiều góc độ. Ít nhất bây giờ người ta có thể vững tin người Việt có thể làm chủ chuỗi giá trị, tập hợp những lực lượng lao động ưu tú tại Việt Nam và thế giới để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Nhà sản xuất xe Việt có thể làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại ngang ngửa các nhà sản xuất ngoại. Rằng các công ty ô tô Việt có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với liên doanh ô tô nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng có thêm lựa chọn với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu, chứ không phải là chiếc xe bản mang về Việt Nam và cắt bớt các thiết bị lắp trên xe để giảm giá bán. Tại sao mà người tiêu dùng Việt cứ phải ưa chuộng xe ô tô nhập khẩu bản xuất Mỹ?
Việc xuất khẩu những lô hàng đầu tiên sang thị trường Mỹ là bước chạy đà không thể thiếu cho việc hoàn thành và đi vào sản xuất của nhà máy VinFast tại Bắc Carolina, Hoa Kỳ, vào tháng 7/2024.
Bước chân vào thị trường xe điện Mỹ, một thị trường có dung lượng khoảng 28 tỷ USD (năm 2021) với nhiều chính sách khuyến khích theo quy định của nước sở tại, VinFast cũng không dễ khi phải đối đầu với các nhà sản xuất xe điện sừng sỏ trên thế giới như Tesla, Volkswagen, Ford, Daimler, Chevrolet, GM…
Lợi thế của nhà sản xuất xe Việt là giá cả, với giá của các sản phẩm khá mềm so với các đối thủ cạnh tranh, trong khi vì là công ty sản xuất xe thuần điện nên dải sản phẩm của hãng đã phủ đủ tất cả các phân khúc tiêu biểu của thị trường.
Hãng cũng tách riêng pin xe điện ra để khách hàng có thể lựa chọn thuê pin, qua đó giảm giá thành mua xe lúc ban đầu hay mua đứt. Mức độ tự động hóa của xe VinFast cấp độ 4 cũng là một ưu thế. Tuy nhiên với một thương hiệu quá mới, chỉ có 5 năm lịch sử, sẽ phải mất một thời gian để hãng có thể thâm nhập và đứng vững trên thị trường. Họ cần phải kiên trì.
Chúng ta có thể mua một đôi giày Nike tại Pháp, một chiếc điện thoại Samsung tại Singapore hay một chiếc máy in Canon tại Nhật Bản mà chúng đều sản xuất tại Việt Nam. Mặc dù sản xuất tại Việt Nam nhưng các thương hiệu đó của các nhà đầu tư nước ngoài và sản phẩm lưu hành khắp thế giới. Vậy nếu ta có một hãng xe sản xuất tại Việt Nam và Mỹ để lưu hành khắp thế giới thì người Việt nghĩ sao? Chắc chắn là phải tự hào.
Khi 3 ca sĩ Trọng Tấn, Việt Hoàn và Đăng Dương ca lên khúc hát "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay" trong lễ xuất khẩu xe VinFast sáng 25/11, những người đứng trong buổi lễ như chị Kim Hạnh, người khởi xướng chương trình "Hàng Việt Nam chất lượng cao", giáo sư Trần Văn Thọ, cựu thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, hay cả như kỹ sư Lê Văn Tạch, người kỹ sư thẳng tính nổi tiếng đã nhiều năm làm tại Toyota, đều đồng loạt vỗ tay.
Giấc mơ công nghiệp ô tô Việt đã có một cú hích mạnh mẽ, hãy cùng hy vọng và chờ đợi những bước tiến tiếp theo.
Tác giả: Ông Phạm Vũ Tùng là kỹ sư ô tô, giữ vị trí phụ trách phát triển kinh doanh và marketing của Piaggio tại Việt Nam từ năm 1996 - 2009. Ông Tùng cũng từng giữ cương vị phát triển kinh doanh tại Việt Nam cho các thương hiệu thời trang quốc tế; hiện ông là Giám đốc Marketing của tập đoàn CNG.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!