Tâm điểm
Hồ Đắc Nguyên Ngã

Từ con ốc vít đến AI

Trong chuyến làm việc tại Việt Nam lần này, cùng với việc ký thỏa thuận về hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu - phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) và Trung tâm dữ liệu AI, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia Jensen Huang còn cho biết tập đoàn đã mua lại VinBrain - công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup, chuyên phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.

VinBrain đã và đang triển khai các giải pháp AI tại hơn 182 bệnh viện ở Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Australia... giúp các chuyên gia y tế nâng cao hiệu quả làm việc.

Việc Nvidia mua lại VinBrain, có lẽ sẽ làm cho những người vẫn hay chê Việt Nam không làm được con ốc vít thất vọng.

Nvidia có thể chọn một con đường khác để đầu tư vào AI ở Việt Nam là mở một trung tâm nghiên cứu AI rồi tuyển những người giỏi AI vào làm việc. Nhưng tập đoàn này lại chọn mua một công ty AI của Việt Nam để phát triển, chứng tỏ họ đánh giá VinBrain có giá trị cao hơn là tập hợp những cá nhân làm AI ở Việt Nam.

Từ con ốc vít đến AI - 1

Vingroup bán VinBrain cho Nvidia (Ảnh minh họa: VinBrain).

Tôi vẫn hay nghe một số người bảo, tại sao Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhưng lại không tạo ra được một sản phẩm công nghệ cao nào. Tất nhiên là nhận định này sai ở nhiều chỗ:

Thứ nhất, Việt Nam thật ra không có nhiều tiến sĩ nếu so với dân số và so với nhiều nước trên thế giới. Số liệu năm 2021, quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam là khoảng 12.000 người. Tính tỷ lệ trên dân số, con số này chưa bằng 1/3 so với Malaysia và Thái Lan, bằng 1/2 so với Singapore và xấp xỉ 1/9 so với trung bình 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Thứ hai, Việt Nam có tạo ra được một số sản phẩm công nghệ cao.

Trong thực tế, để tạo ra được các sản phẩm công nghệ cao, Việt Nam cũng như các nước khác cần phải có nhiều thứ chứ không phải chỉ là các tiến sĩ. Để có khả năng phát triển công nghệ, một quốc gia cần ít nhất 4 thành phần: technoware, humanware, infoware, và orgaware. Trong đó, technoware là trang thiết bị từ phần cứng đến phần mềm. Chúng ta không thể tạo ra các sản phẩm công nghệ cao từ tay không được mà cần phải có trang thiết bị phù hợp. Humanware là năng lực con người về công nghệ. Infoware là các thông tin để sử dụng các công nghệ cho hiệu quả. Và orgaware là năng lực tổ chức nhân sự và công việc để quy trình tạo ra sản phẩm công nghệ cao được hiệu quả.

Giả sử Việt Nam có nhiều tiến sĩ giỏi thì cũng chỉ mới có humanware; nếu thiếu 3 thành tố còn lại thì cũng không có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao.

Việc Nvidia mua lại VinBrain chứng tỏ VinBrain đã xây dựng được cả 4 thành tố đó ở một mức độ mà theo đánh giá của Nvidia là có giá trị cao hơn việc hãng tuyển người vào xây dựng đội nhóm từ đầu. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho nền công nghệ cao của Việt Nam.

Thương vụ nêu trên chưa được công bố thông tin chi tiết nên chúng ta chưa biết vì sao Vingroup bán VinBrain cho Nvidia. Nhưng rõ ràng qua thương vụ này VinBrain sẽ được tăng cường technoware, humanware, infoware, và orgaware từ Nvidia - hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới, để phát triển nhanh hơn và mạnh hơn. Và một thứ nữa, đó là Nvidia có nhiều tiền, rất nhiều tiền.

Ngoài 4 yếu tố trên thì tiền là yếu tố thứ 5 rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm công nghệ cao.

Apple đã tiêu tốn tầm 15-20 tỷ USD cho dự án xe tự lái nhưng không thành công. Cuối cùng Apple đã dừng dự án này lại để tiêu tiền cho dự án AI, đến giờ vẫn chưa biết có thành công hay không. Phát triển công nghệ cao rất tốn tiền, hơn nữa, rủi ro trong lĩnh vực này rất cao. Bạn phải có đủ tiền để "đốt" cho nhiều dự án thất bại để may ra có một dự án thành công.

Vậy đó, làm công nghệ không đơn giản là có một nhóm tiến sĩ là tự nhiên làm được. Việt Nam chưa mạnh về mảng này thì không có nghĩa là các tiến sĩ, kỹ sư của Việt Nam không giỏi, mà nhiều khi là do thiếu technoware, infoware, orgaware, và nhất là thiếu… tiền.

Sự đầu tư của Vingroup vào công nghệ và "cú bắt tay" của Nvidia cho thấy người Việt có thể làm được, tham gia được vào chuỗi giá trị đang dẫn đầu làn sóng công nghệ hiện nay là trí tuệ nhân tạo. 

Tác giả: Tiến sĩ Hồ Đắc Nguyên Ngã hiện là Phó Giáo sư Marketing tại Đại học San Francisco State, Mỹ. Ông lấy bằng Tiến sĩ ngành Marketing tại Đại học Utah, Mỹ, Thạc sĩ ngành Kinh doanh Quốc tế tại Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan, và Kỹ sư ngành Xây dựng tại Đại học Bách Khoa TPHCM.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!