Tâm điểm
Ngô Di Lân

Tư duy chiến lược về công nghệ và "bình dân học AI"

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, như tên gọi với hai chữ "đột phá", cho thấy bước chuyển sâu sắc trong tư duy chiến lược về công nghệ của Việt Nam.

Nếu nhìn cả quá trình, từ Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2012 cho đến Kết luận 69-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2024 (về phát triển khoa học công nghệ) và mới nhất là Nghị quyết 57, chúng ta có thể thấy rõ những bước chuyển quyết sách mạnh mẽ, đặc biệt là tư duy chiến lược về vai trò then chốt của công nghệ trong việc định hình sức mạnh và vị thế quốc gia thời đại số.

Năm 2012, khi Nghị quyết 20 được ban hành, thế giới cơ bản vẫn đang trong làn sóng số hóa đầu tiên. Đó là thời kỳ của Internet và di động 3G, khi nhiều người dùng bắt đầu làm quen với việc có thể lướt web và đọc email trên điện thoại. Facebook mới bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, và khái niệm "chuyển đổi số" vẫn còn khá xa lạ với phần đông các doanh nghiệp. Nghị quyết 20 phản ánh rõ nét tư duy của giai đoạn này với mục tiêu đặt ra là đưa khoa học công nghệ trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của công nghiệp hóa - hiện đại hóa, với trọng tâm là tiếp nhận và làm chủ công nghệ tiên tiến từ bên ngoài. Đây là cách tiếp cận phù hợp với một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, khi khoảng cách về công nghệ với các nước phát triển còn khá lớn.

Tư duy chiến lược về công nghệ và bình dân học AI - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Chủ tịch và các vị lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn NVIDIA lần thứ hai đến thăm và làm việc tại Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Những năm sau đó chúng ta đã chứng kiến nhiều chuyển biến quan trọng trong nhận thức và thực tiễn. Làn sóng khởi nghiệp công nghệ bùng nổ từ 2016 đã cho thấy tiềm năng sáng tạo công nghệ của người Việt. Từ những dự án khởi nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech (công nghệ tài chính) đến những "kỳ lân" đầu tiên, các doanh nghiệp công nghệ Việt không chỉ ứng dụng đơn thuần mà đã bắt đầu phát triển những giải pháp công nghệ của riêng mình.

Cùng với đó là sự trưởng thành của hệ sinh thái công nghệ trong nước. Các quỹ đầu tư mạo hiểm bắt đầu đổ vốn vào Việt Nam, các chương trình ươm tạo dự án khởi nghiệp được đẩy mạnh, triển khai rộng khắp, và quan trọng hơn cả, một thế hệ kỹ sư công nghệ Việt Nam đã được đào tạo và trải nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Meta, v.v.

Khi đánh giá lại quãng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, Kết luận số 69 đầu năm 2024 đã ghi nhận những thành tựu này, nhưng đồng thời chỉ ra một điểm đáng lưu ý - dù đã có nhiều tiến bộ về hạ tầng và nguồn nhân lực, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự đóng vai trò là quốc sách hàng đầu, đột phá chiến lược, là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Bài toán này đặt ra một câu hỏi then chốt về cách tiếp cận của Việt Nam với khoa học công nghệ. Nhìn vào các quốc gia đi trước như Israel hay Singapore, có thể thấy thành công của họ không đến từ việc đơn thuần tích lũy công nghệ và nhân lực, mà từ khả năng xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo toàn diện, nơi nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa được liên kết chặt chẽ.

Bối cảnh toàn cầu những năm gần đây càng làm rõ tính cấp thiết của việc thay đổi tư duy này. Cuộc chạy đua công nghệ Mỹ - Trung ngày càng gia tăng rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, phân tách công nghệ, cho thấy công nghệ đã trở thành một trong những mặt trận cạnh tranh chiến lược then chốt.

Làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh (hệ thống AI có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh hoặc các phương tiện truyền thông) với ChatGPT là ngọn cờ đầu càng khẳng định rằng đột phá công nghệ là tất yếu và quốc gia nào có năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ mạnh hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Chính trong bối cảnh đó, Nghị quyết 57 đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong tư duy chiến lược của Việt Nam. Thay vì chỉ xem khoa học công nghệ như công cụ phục vụ hiện đại hóa, văn kiện này đặt phát triển công nghệ, đặc biệt là các công nghệ chiến lược, cốt lõi như AI, vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Mục tiêu không còn dừng lại ở việc ứng dụng hay làm chủ công nghệ, mà hướng tới việc xây dựng năng lực sáng tạo công nghệ đột phá.

Sự thay đổi này thể hiện qua những mục tiêu cụ thể, phản ánh tầm nhìn tham vọng. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đặc biệt, trong lĩnh vực AI, Việt Nam hướng tới việc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp số của khu vực.

Đáng chú ý hơn nữa là cam kết chuyển đổi toàn diện hoạt động của hệ thống chính trị lên môi trường số - bước đi táo bạo mà chỉ một số ít quốc gia dám theo đuổi. Việc chuyển đổi số hoạt động của bộ máy nhà nước không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là một cuộc cách mạng về phương thức quản trị. Điều này càng trở nên ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh an ninh quốc gia, Việt Nam đang chủ trương từng bước ứng dụng công nghệ số vào chỉ huy và điều hành tác chiến của lực lượng vũ trang, đồng thời làm chủ công nghệ cao trong lĩnh vực quốc phòng.

Để hiện thực hóa được những mục tiêu to lớn trên, cùng với các quyết sách chiến lược, thiết nghĩ cần một phong trào "bình dân học AI" rộng khắp, lấy cảm hứng từ phong trào bình dân học vụ trong quá khứ. Mục tiêu không phải là đào tạo mọi người thành chuyên gia công nghệ, mà là xây dựng một nhận thức mới về AI và công nghệ số như những người bạn đồng hành đắc lực trong công việc và cuộc sống.

Khi người dân thấy được công nghệ không phải là đối thủ cạnh tranh mà là công cụ tăng cường năng lực, giúp họ làm việc hiệu quả hơn, với hiệu suất cao hơn, đó sẽ là nền tảng vững chắc cho cuộc cách mạng số.

Mỗi Bộ, ngành, cơ quan nhà nước cần xác định và triển khai thí điểm những dự án số của riêng mình. Đây không phải là việc số hóa đơn thuần mà phải là những dự án tích hợp hàm lượng lớn công nghệ, dù quy mô có thể nhỏ nhưng phải thực sự tạo ra đột phá trong hiệu quả công việc chuyên môn. Tinh thần thi đua lành mạnh giữa các cơ quan trong việc đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng, miễn là các dự án này đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao năng lực phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cuối cùng là cần tiếp tục tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia. Cần thừa nhận rằng phần lớn đổi mới sáng tạo sẽ xuất phát từ khu vực tư nhân năng động, và điều này hoàn toàn tự nhiên, lành mạnh.

Vai trò của nhà nước là kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp công nghệ có thể đóng góp vào những lĩnh vực then chốt từ an ninh, đối ngoại, công nghiệp chiến lược cho tới y tế, giáo dục, biến sức mạnh đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân thành nền tảng bền vững của sức mạnh quốc gia.

Tác giả: Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Các mối quan tâm nghiên cứu chính của anh bao gồm: an ninh quốc tế, xung đột vũ trang, tác động của AI đối với quan hệ quốc tế và các ứng dụng của AI trong hoạch định chiến lược & chính sách an ninh quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!