Cải cách tiền lương và câu chuyện vị trí việc làm
Nếu không xảy ra đại dịch Covid thì lộ trình cải cách tiền lương được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 đã được thực hiện sớm hơn. Nhưng dù sao, giờ đây đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả nước có thể hy vọng vào mốc dự kiến áp dụng cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 27 cũng là chờ đợi của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, một trong những điểm cải cách quan trọng sắp tới là tiền lương phải thực sự bảo đảm đời sống. Tất cả chúng ta đều biết tiền lương hiện tại quá thấp, không thể đáp ứng yêu cầu này. Lương thấp như vậy thì sống đã khó, làm sao có thể tích lũy để làm những việc như mua nhà, lo cho con học hành ở môi trường tốt hơn. Chừng nào công chức, viên chức còn đáp ứng tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội là chừng đó về căn bản lương của họ chưa cải cách thật sự.
Lương thấp như vậy cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Ở thời điểm hiện tại, từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức chưa thể biết từ tháng 7 sang năm lương cụ thể của mình là bao nhiêu, nhưng có một điều chắc chắn là mức lương cải cách mà họ nhận được sẽ cao hơn mức lương hiện đang hưởng. Và điều quan trọng tiếp theo là cứ mỗi năm, mức lương này tăng thêm 5-7%.
Điểm cải cách được chờ đợi tiếp theo là mỗi cán bộ, công chức, viên chức không còn phải nhớ lương mình đang mấy phẩy để nhân với mức lương cơ sở nữa. Nói một cách cụ thể hơn, dự kiến từ tháng 7/2024, những người làm việc trong khu vực nhà nước sẽ biết lương cải cách hàng tháng của mình là một con số xác định.
Việc xây dựng hệ thống bảng lương mới sẽ bao gồm:
Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo. Việc xây dựng bảng lương này là khắc phục vấn đề của cải cách tiền lương năm 2003 đã xóa bỏ lương chức vụ, theo đó người được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo thì giữ nguyên hệ số lương hiện có và chỉ hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với số đông công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp có nhiều bậc lương.
Bảng lương đối với lực lượng vũ trang gồm: Bảng lương sỹ quan quân đội, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ công an; Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Cải cách tiền lương lần này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có các quy định phù hợp về chế độ phụ cấp, chế độ tiền thưởng, chế độ nâng bậc lương.
Ngoài các nội dung trên, một trong những điểm quan trọng của cải cách tiền lương được nêu rõ tại Nghị quyết số 27, là trả lương cho công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đây là một quan điểm đúng, nhưng để triển khai đạt hiệu quả tốt nhất thì đòi hỏi vị trí việc làm đang được xây dựng trong hệ thống công vụ nước ta phải chuẩn, sao cho tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương đúng với năng lực thực chất và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc thay vì chỉ phụ thuộc vào thâm niên, bằng cấp như lâu nay.
Vị trí việc làm là một vấn đề chúng ta tham khảo của nước ngoài và đưa vào hệ thống công vụ Việt Nam với quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008 và Luật Viên chức 2010.
Chỉ xét riêng công chức thì Nghị định số 36 và Thông tư 05 năm 2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn có 3 loại vị trí việc làm là: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Cả hai văn bản này đều không hướng dẫn cụ thể làm thế nào tính ra biên chế của một cơ quan hành chính cũng như cơ cấu ngạch công chức của cơ quan đó. 7 năm triển khai vị trí việc làm theo kiểu này chưa đạt kết quả mong muốn thì năm 2020, Nghị định số 62 xác định có thêm mấy vị trí việc làm mới, gồm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng…) và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Các vị trí việc làm này đã và đang được xây dựng "mẫu" từ trung ương, rồi các cơ quan hành chính, nhất là ở địa phương vận dụng theo. Đây là cách làm riêng có của chúng ta. Kinh nghiệm của các nước khi xây dựng vị trí việc làm cho thấy phải hết sức cụ thể, đi từ phân tích chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đến tính ra được khối lượng và thời gian cần có để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ, và cuối cùng tính ra được biên chế cũng như ngạch công chức của cơ quan đó. Như vậy, điều mà các cơ quan hành chính cần là có hướng dẫn cách làm, chứ không chỉ căn cứ vào các vị trí việc làm "mẫu" được xây dựng ra và áp vào cơ quan mình thực hiện.
Chúng ta biết rằng vị trí việc làm phải được chuẩn hóa thì lương mới với ngạch và bậc cụ thể được áp vào mới chuẩn theo, nói nôm na là đồng lương tương xứng với vị trí việc làm và tạo động lực mới cho người lao động.
Nếu không có cách triển khai vị trí việc làm khác đi thì về hình thức từ nay đến tháng 7/2024, công chức của các cơ quan hành chính ở trung ương và địa phương sẽ được chuyển tương ứng vào các vị trí việc làm mới được xây dựng ra theo các quy định hiện hành, trong đó có Nghị định 62, nghĩa là theo vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ…
Để cải cách tiền lương thực sự là "bình mới, rượu mới" thì cần sớm giải quyết được các hạn chế hiện nay để tạo sự thay đổi về chất với các vị trí việc làm được tạo ra, qua đó bảo đảm thực hiện cho được một trong các vấn đề cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm, tạo động lực mới cho đội ngũ công chức, viên chức.
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!