Tinh gọn bộ máy theo thông điệp của Tổng Bí thư: Những đề xuất
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, công cuộc tiếp tục đổi mới đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Một trong những trọng tâm của công cuộc đổi mới là cải cách để tinh gọn bộ máy.
Tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tinh gọn bộ máy thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giảm thiểu lãng phí và tạo ra một nền hành chính công năng động, phản ứng nhanh chóng với nhu cầu phát triển của xã hội. Việc tinh gọn bộ máy không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn phản ánh một sự chuyển đổi trong tư duy lãnh đạo, hướng đến mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, và thân thiện hơn với người dân và doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, những cải cách này còn giúp giảm thiểu tình trạng chồng chéo chức năng, giảm bớt thủ tục không cần thiết và tập trung vào các vấn đề trọng yếu. Việc tối ưu hóa cơ cấu tổ chức sẽ làm tăng khả năng phản ứng của hệ thống quản lý, thúc đẩy tính minh bạch và phòng, chống tham nhũng - tệ nạn vốn rất dễ phát sinh trong một bộ máy quá cồng kềnh.
Việc tinh gọn bộ máy còn tạo điều kiện để chuyển nguồn lực từ các cơ cấu kém hiệu quả sang lĩnh vực cần thiết hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và áp lực cạnh tranh ngày càng cao, một nền hành chính hiệu quả và gọn nhẹ là yếu tố cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để tinh gọn bộ máy, chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ nhiều cải cách. Dưới đây là một số đề xuất:
Thứ nhất là rà soát và loại bỏ các chức năng chồng chéo. Một số cơ quan hiện nay có chức năng trùng lặp hoặc chồng chéo, dẫn đến sự lãng phí về nguồn lực và cản trở quá trình ra quyết định. Việc rà soát lại nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan giúp xác định các phần việc cần điều chỉnh hoặc chuyển giao, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo tôi, việc rà soát và loại bỏ sự chồng chéo chức năng phải tiến hành tổng thể, bao gồm cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và đoàn thể nhằm tăng tính hiệu quả và minh bạch. Chồng chéo chức năng giữa các cơ quan không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn dẫn đến tình trạng lạm quyền và đùn đẩy trách nhiệm. Việc rà soát toàn diện giúp rõ ràng hóa chức năng, tiết kiệm ngân sách và tăng trách nhiệm giải trình. Đây là bước tiến cần thiết để tạo ra một bộ máy gọn nhẹ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu phát triển mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quy trình và thủ tục hành chính cần được cải cách theo hướng tinh gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện, giảm bớt các khâu trung gian, tránh tình trạng "hành chính hóa" gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi xây dựng một cơ chế minh bạch và chuẩn hóa thủ tục để đảm bảo tính nhất quán.
Trước đây, việc đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải đến nhiều cơ quan khác nhau (Sở Kế hoạch và Đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội…), cung cấp nhiều loại giấy tờ phức tạp. Khi thủ tục này được đơn giản hóa thông qua mô hình "một cửa" hoặc "một cửa liên thông", doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ một lần tại một điểm duy nhất, và các cơ quan sẽ tự phối hợp xử lý thông tin. Điều này không chỉ giảm bớt các bước trung gian, tăng tốc độ xử lý hồ sơ mà còn giảm số lượng nhân sự cần thiết tại các bộ phận tiếp nhận, tinh gọn đáng kể bộ máy hành chính.
Thứ ba là cắt giảm và tối ưu hóa biên chế. Việc tinh giản đội ngũ công chức, viên chức không hiệu quả là một bước quan trọng nhằm giảm thiểu lãng phí. Quá trình này cần đi kèm với các biện pháp đánh giá hiệu suất công việc công bằng, minh bạch và rõ ràng để giữ lại những công chức có năng lực và tâm huyết.
Tại một số cơ quan nhà nước, nhiều phòng ban có nhiệm vụ và chức năng trùng lặp hoặc tương đồng. Việc hợp nhất các phòng ban này và rút gọn biên chế giúp loại bỏ sự chồng chéo, giảm số lượng nhân viên không cần thiết. Ví dụ, thay vì có các bộ phận riêng lẻ cho quản lý nhân sự và phát triển nhân sự, có thể hợp nhất thành một phòng ban với biên chế ít hơn dành cho những công chức có năng lực, qua đó giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả.
Thứ tư là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý công có thể giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời cải thiện khả năng phản hồi và tính minh bạch của các cơ quan công quyền.
Ở Việt Nam, Cổng dịch vụ công Quốc gia giúp tập trung các thủ tục hành chính lên một nền tảng trực tuyến duy nhất, cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục mà không cần đến trực tiếp cơ quan nhà nước. Điều này không chỉ giảm thời gian và chi phí đi lại, mà còn giảm tải cho các cơ quan hành chính địa phương, giúp bộ máy nhà nước tinh gọn, tránh các bước xử lý phức tạp và dễ xảy ra sai sót khi làm thủ tục truyền thống.
Thứ năm là thay đổi cơ cấu tổ chức. Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, chẳng hạn như hợp nhất các đơn vị chức năng có nhiệm vụ tương tự hoặc giảm bớt các bộ phận trung gian, giúp bộ máy trở nên tinh gọn, hiệu quả và dễ quản lý hơn.
Ở nhiều quốc gia, các cơ quan có chức năng tương đồng được hợp nhất để giảm chồng chéo. Với các bộ ngành lớn, việc giảm bớt các cấp trung gian giúp rút ngắn thời gian xử lý và truyền đạt thông tin. Ví dụ, nếu hiện nay một quyết định phải qua nhiều cấp từ bộ trưởng đến cục, vụ, phòng, việc gộp các cấp nhỏ hơn có thể tăng tốc quy trình ra quyết định và giảm sự phức tạp.
Khi một đơn vị chức năng đã hoàn thành sứ mệnh hoặc không còn phù hợp, việc xóa bỏ đơn vị đó giúp giảm lãng phí nguồn lực. Chẳng hạn, nhiều nước đã xóa bỏ các cơ quan quản lý về viễn thông truyền thống sau khi các nhiệm vụ này được chuyển cho cơ quan quản lý truyền thông số để phù hợp với thời đại chuyển đổi số.
Thứ sáu là đào tạo và nâng cao chất lượng cán bộ công chức. Việc tinh giản bộ máy không thể tách rời với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cho cán bộ, công chức để đáp ứng nhu cầu của nền hành chính công hiện đại. Đây là cách đảm bảo rằng số lượng công chức giảm nhưng chất lượng phục vụ không bị ảnh hưởng.
Thứ bảy, quan trọng nhất là phân cấp, phân quyền hợp lý. Việc phân cấp, phân quyền theo hướng rõ ràng, hợp lý giữa trung ương và địa phương sẽ giúp tránh tình trạng "lạm quyền" và "tránh né trách nhiệm", đồng thời nâng cao hiệu quả trong quản lý và điều hành. Điều này còn tạo động lực cho các địa phương trong việc chủ động phát triển kinh tế - xã hội.
Lựa chọn mô hình để phân quyền cũng rất quan trọng để cắt giảm bộ máy. Trên thế giới có 4 mô hình phân quyền là song trùng trực thuộc, song trùng giám sát, phân quyền theo điều chỉnh và phân quyền theo bổ trợ. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xin nêu một ví dụ về Nhật Bản. Chính phủ Nhật chỉ có 12 bộ vì một số lý do, bao gồm việc nước Nhật phân quyền theo mô hình bổ trợ: Những việc gì địa phương làm được thì đều được phân quyền hết cho địa phương, chỉ có những việc gì địa phương không làm được mới chuyển lên cho trung ương. Theo cách như vậy, thì bộ máy của Trung ương sẽ rất tinh gọn.
Chúng ta đang thiết kế việc phân quyền theo mô hình song trùng trực thuộc - trên có gì, thì dưới cũng phải có nấy - dẫn đến sự cồng kềnh. Nên chăng chúng ta nghiên cứu để sớm phân quyền theo mô hình bổ trợ.
Để xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, điều quan trọng là không hành chính hóa cấp cộng đồng cơ sở mà nên áp dụng mô hình tự quản tương tự như ở làng xã trước đây. Mô hình tự quản tại các làng xã truyền thống cho thấy rằng khi cộng đồng tự điều hành và tự quyết định những vấn đề nội bộ, thì không chỉ tiết kiệm nguồn lực mà còn tăng cường tính đoàn kết và trách nhiệm tập thể.
Làng Đường Lâm (Hà Nội) từng tự quản trong nhiều vấn đề như bảo vệ trật tự, duy trì an ninh, phân chia tài nguyên, và tổ chức các hoạt động văn hóa. Điều này không chỉ giảm gánh nặng cho bộ máy nhà nước mà còn tạo ra sự gắn kết chặt chẽ trong cộng đồng. Cơ chế tự quản giúp cộng đồng giải quyết vấn đề nhanh chóng, bởi các quyết định đều được đưa ra dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về tình hình địa phương và sự đồng thuận của người dân.
Cuối cùng, để tinh giản bộ máy nhà nước, cần tránh hành chính hóa đời sống dân sự và phân chia hợp lý chức năng giữa công quyền và xã hội. Khi nhà nước quản lý quá nhiều hoạt động dân sự, sẽ tạo ra gánh nặng không cần thiết cho bộ máy hành chính, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả quản lý. Phân chia rõ ràng giúp nhà nước tập trung vào các chức năng cốt lõi như bảo đảm an ninh, pháp luật và quản lý vĩ mô, trong khi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân tự điều tiết các hoạt động dân sự, đáp ứng linh hoạt nhu cầu cộng đồng.
Việc giảm thiểu hành chính hóa giúp cộng đồng phát huy tính tự quản và tinh thần tự chủ, tạo ra một xã hội năng động và trách nhiệm hơn. Các tổ chức xã hội và doanh nghiệp thường có khả năng thích ứng nhanh chóng với nhu cầu thay đổi, tạo ra hiệu quả và sự linh hoạt mà bộ máy hành chính khó đạt được.
Ngoài ra, phân chia hợp lý giúp nhà nước tránh tình trạng quá tải, đồng thời tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng nhất, tạo ra một bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, và thân thiện hơn với người dân. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn thúc đẩy phát triển xã hội một cách hài hòa và bền vững.
Tóm lại, những cải cách nói trên không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy mà còn là nền tảng quan trọng cho một hệ thống hành chính công minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.
Tác giả: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!