Phòng làm việc của Tổng Bí thư

Bích Diệp

(Dân trí) - Căn phòng không hề bày biện cầu kỳ và cũng rất ít vật dụng, chỉ có bàn họp, tủ sách và báo chí...

Cuộc họp lãnh đạo chủ chốt do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vừa diễn ra vào chiều 10/3 tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Cuộc họp này có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Cùng dự có Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Trợ lý, Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư Đào Đức Toàn.

Đây là cuộc họp rất quan trọng nhằm đánh giá những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Bên cạnh nội dung của cuộc họp thì công chúng cũng quan tâm căn phòng làm việc của Tổng Bí thư: Rất giản dị, ấm cúng. Căn phòng không hề bày biện cầu kỳ và cũng rất ít vật dụng, chỉ có bàn họp, tủ sách và báo chí; tài liệu được bài trí, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Phòng làm việc của Tổng Bí thư - 1

Cuộc họp nhằm đánh giá những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngay sau khi những hình ảnh ghi lại về cuộc họp này được báo chí đăng tải thì trên mạng xã hội, tôi bắt gặp rất nhiều chia sẻ. Nhiều người ngạc nhiên nhưng cũng không ít người cho biết họ không cảm thấy bất ngờ. Dù đây là lần đầu tiên thấy phòng làm việc của Tổng Bí thư nhưng phong cách sống giản dị của ông ai cũng đều có thể cảm nhận được qua cách ăn mặc, lối chuyện trò...

Những mẩu chuyện về việc ông nhờ người chở xe máy trở về thăm Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khiêm nhường với tư cách học trò trước thầy, cô giáo cũ; hay chuyện ông ở nhà công vụ, dùng xe công vụ đời cũ, chỉ có tài sản tiết kiệm nhỏ… vẫn được nhiều đồng nghiệp của tôi kể lại.

Đại biểu Lê Thanh Vân - người từng có thời gian làm việc, tiếp xúc với ông khi ông còn làm Chủ tịch Quốc hội - có lần chia sẻ trên báo chí: "Ngoài những dịp thực hiện nghi lễ cần mặc vest, còn lại ông thường mặc những bộ quần áo giản dị, có những chiếc áo cũ đến sờn vai".

Ở ông là sự thống nhất, nhất quán trong tư tưởng, lối sống, hành động và lời nói. Còn nhớ, ông từng chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" rằng: Một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình.

Có nghĩa là, càng là người đức cao vọng trọng lại càng phải giữ mình, càng liêm chính.

Trong thực tế đã có không ít vị cán bộ khi nắm trong tay chức vụ, quyền lực thì đã không vượt qua nổi cám dỗ về tiền tài, danh lợi, để rồi đánh mất mình, đánh mất những phẩm chất đáng quý thuở ban đầu.

Từ căn phòng giản dị của Tổng Bí thư, ta lại chạnh lòng khi liên tưởng đến một bộ phận cán bộ sống xa hoa, hưởng thụ và lãng phí. Sau tất cả, nhiều người đã phải trả giá đắt cho sống lệch lạc và sai lầm ấy: Thân bại danh liệt, sự nghiệp tiêu tan, bị truy tố trước pháp luật.

Quá trình "tự diễn biến, tự chuyển hóa" có thể xảy ra với bất cứ ai nếu không đủ bản lĩnh, chỉ nói mà không làm. Có những người ngày hôm nay khẳng định không tham ô, tham nhũng thì ngày mai đã bị truy tố trước pháp luật; mới năm trước được khen thưởng thì năm sau có thể đã đứng trước vành móng ngựa…

Tất cả cũng bởi sự bất nhất trong hành động và lời nói, lý thuyết suông mà không áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Khi đã nói "thấm nhuần tư tưởng" thì cũng có nghĩa là sự liêm chính sẽ không chỉ tồn tại ở trên lời nói mà còn toát lên từ phong cách, lối sống hằng ngày. Nếu cán bộ, đảng viên nào cũng coi trọng "liêm - sỉ", hẳn là đất nước cũng sẽ không phải chứng kiến những vụ đại án rúng động, không còn những lời sau cuối đau lòng, nhức nhối thân nhân đến thế!