Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Cán bộ "ba không"

Tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 16/4 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra một sự thật đáng quan ngại: tính riêng trong năm 2022, thành phố đã có 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.

Thực tế mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phản ánh là một trong những minh chứng cho hiện tượng được nêu trong công điện mới đây của Thủ tướng về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.

Đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…

Tôi tạm gọi hiện tượng trên ở một số cán bộ, công chức là "lãn công trá hình", nghĩa là đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, an phận thủ thường, làm việc theo nguyên tắc ba không: "không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng".

Hệ quả là cả một bộ máy công quyền địa phương có thể rơi vào tình trạng trì trệ, công việc ách tắc.

Cán bộ ba không - 1

(Tranh minh họa: Ngọc Diệp)

Đến nay, chưa có một nghiên cứu quy mô nào chỉ ra những nguyên nhân chính xác của tình trạng nêu trên. Hiện tượng né tránh, đùn đẩy công việc có thể bắt nguồn từ những tính toán lợi ích cá nhân thiển cận, bất cập của chính sách, thể chế, cũng như áp lực từ tâm lý sợ sai. Tất cả hội tụ lại thể hiện qua câu nói vui: "làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm thì không sai".

Hệ quả dễ thấy nhất từ hiện tượng trên là tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm, điển hình tại một số địa phương như TPHCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Tại 9 tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, tính đến hết Quý I năm 2023, tỷ lệ giải ngân cũng đều chưa đạt mức bình quân chung của cả nước (10,35%).

Trong bối cảnh hiện nay, nhóm giải pháp đầu tiên được tính đến để giải quyết hiện tượng công quyền trì trệ là quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng và của Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị mà trước hết là người đứng đầu các cấp phải chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Một giải pháp quan trọng khác là khuyến khích cá nhân dám đột phá. Để góp phần thúc đẩy sự chuyển động của bộ máy công quyền, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ bản lĩnh, sáng tạo, dám đột phá. Trong công điện nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể nếu còn tiếp tục có những biểu hiện "lãn công trá hình".

Hiện tượng mà chúng ta đang chứng kiến chủ yếu diễn ra trong quá trình thực thi chính sách, chứ không phải ở cấp độ hoạch định và ban hành chính sách. Đặt trong bối cảnh từng đơn vị cụ thể, ý tưởng và hành động đột phá sẽ đối diện với nhiều rào cản. Trước hết, những ý tưởng đó có được ban lãnh đạo trực tiếp ủng hộ hay không. Thứ đến, tập thể các thành viên trong đơn vị có ủng hộ hay không. Nếu sức ỳ mang tính tập thể vẫn đang hiện diện trong đơn vị thì sẽ rất khó để xuất hiện các ý tưởng đột phá.

Rộng hơn nữa, về bản chất, những đột phá chính là tư duy và cách làm việc khác so với khuôn mẫu phổ biến, thậm chí không tuân theo các quy định hiện hành. Vì thế, nếu nhìn nhận khách quan thì cán bộ đột phá sẽ được ghi nhận và ban thưởng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguy cơ những khát khao đột phá có thể bị phán xét về quan điểm, thái độ, hành vi, bất chấp những kết quả tích cực được tạo ra. Đây chính là phần nào căn nguyên cho thái độ "an phận thủ thế" của một bộ phận cán bộ mà chúng ta đang chứng kiến.

Về lâu dài, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào đột phá cá nhân để cỗ máy công quyền vận hành linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng đúng mong đợi của người dân. Thay vào đó, chúng ta cần hướng đến một nền hành chính công vụ duy lý và hiện đại, vận hành theo pháp luật và được bảo vệ bởi pháp luật. Cũng có nghĩa, hệ thống thể chế phải bảo đảm không để ý chí cá nhân vì lợi ích không chính đáng, không đúng pháp luật can thiệp vào hoạt động của cỗ máy công quyền. Nhờ đó, những lợi ích hay quan điểm cá nhân vị kỷ hoặc nhóm thiển cận cũng không thể len lỏi vào quá trình thực thi chính sách. Những nỗ lực đột phá tích cực sẽ được ghi nhận khách quan và công tâm.

Một giải pháp cụ thể chúng ta có thể thực hiện là cần thúc đẩy tiến trình xã hội hóa những chức năng, nhiệm vụ công mà các chủ thể tư nhân có thể đảm nhiệm. Giải pháp này sẽ giúp thu hẹp phạm vi hoạt động của hệ thống công quyền, nhờ đó tập trung được nguồn lực để xây dựng cỗ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, phục vụ những chức năng, nhiệm vụ then chốt nhất.

Tiếp đó, cần đề cao việc áp dụng các nguyên tắc cạnh tranh thị trường và sử dụng công cụ "hợp đồng" trong việc phân bổ nguồn lực và cung cấp dịch vụ công. Giải pháp này sẽ dần hình thành các quan hệ mạng lưới và liên ngành, sự hợp tác mang tính đối tác giữa các chủ thể chính quyền và chủ thể ngoài chính quyền. Sự tham gia phục vụ các lợi ích công của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy tiến trình đổi mới của cỗ máy công quyền theo hướng linh hoạt đáp ứng các nhu cầu đa dạng của công dân.

Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh sự vận dụng các nguyên tắc và kỹ năng quản lý của khu vực tư nhân vào các đơn vị khu vực công. Mô hình quản lý doanh nghiệp, các nguyên tắc và quy trình kiểm soát nguồn lực đầu vào, kết quả đầu ra, và đánh giá hiệu quả cũng như tác động…vốn phổ biến trong khu vực tư nhân sẽ có thể gia tăng hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động quản lý công của chính quyền.

Trong lịch sử hiện đại, nước ta cũng đã trải qua những giai đoạn, thời điểm khó khăn bủa vây. Chính những thách thức nan giải đã làm xuất hiện những tấm gương cán bộ bản lĩnh, dám tư duy và hành động đột phá vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Điển hình cho lãnh đạo cấp tỉnh là Bí thư Kim Ngọc với những ý tưởng về khoán hộ; ở cấp Trung ương là Tổng bí thư Trường Chinh và xác quyết đổi mới trước thềm Đại hội Đảng lần thứ VI, hay Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tinh thần "những việc cần làm ngay", "xé rào"… những năm đầu đổi mới.

Hiện tượng "lãn công trá hình" ở cấp độ thực thi chính sách mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay gợi ra rằng chúng ta đang rất cần những đột phá ở cấp độ hoạch định và ban hành chủ trương, chính sách, cũng như thiết kế cấu trúc thể chế quản trị. Nhờ đó, cán bộ thực thi chính sách sẽ được làm việc trong một không gian chuyên nghiệp, minh bạch. Họ sẽ không còn phải loay hoay hay bị ám ảnh với suy nghĩ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn phải ra đứng trước vành móng ngựa".

Tác giảÔng Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!