Ứng phó với cơn bão khẩn cấp
Vào Biển Đông vào rạng sáng 26/9, Noru trở thành cơn bão số 4 trên Biển Đông trong mùa mưa bão năm nay.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Cơn bão này mạnh tương đương bão Xangsane hồi tháng 9/2006, bão Ketsana tháng 10/2009 và bão Molave tháng 10/2020 - những cơn bão đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Trong đó, bão Molave và hoàn lưu bão đã gây mưa lớn, úng ngập, sạt lở đất khiến 80 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cơ quan khí tượng cho hay, sau nhiều giờ vào Biển Đông, bão Noru vẫn duy trì cấp 12-13; dự báo sẽ đạt cường độ mạnh nhất trên biển lên tới cấp 14 khi vào gần quần đảo Hoàng Sa.
Rủi ro thiên tai được xác định ở cấp 4 với các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; cấp 3 với các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai.
Rủi ro thiên tai phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ, trong đó cấp 5 cao nhất là tình trạng khẩn cấp về thiên tai; còn cấp 4 rủi ro rất lớn; cấp 3 rủi ro lớn.
Trước diễn biến và cấp độ rủi ro của bão Noru như nêu trên, công tác ứng phó đã và đang được khẩn trương triển khai ở các tỉnh, thành trong vùng ảnh hưởng. Chính phủ lập Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban, đóng tại Đà Nẵng.
Vấn đề cần lưu ý lúc này là các cơ quan, đơn vị và người dân trong vùng ảnh hưởng của bão Noru tuyệt đối không chủ quan với cơn bão khẩn cấp. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra vào sáng 26/9. Theo đó, Thủ tướng cho biết ông vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh". Điều này có thể khiến nhiều người dân mất cảnh giác. Ông nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, đồng thời không để người dân chủ quan trước diễn biến của bão.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…
Theo một số chuyên gia, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12-13 (118-149km/giờ), khi bão vào đất liền, những nhà cấp 4 lợp tôn, lợp ngói ven biển và vùng thấp có thể sẽ không trụ vững với cơn bão này.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai, khuyến cáo nếu người dân đang ở vùng nông thôn ven biển, thành phố ven biển mà nhà cấp 4, tường yếu, mái tôn… thì "hãy sơ tán" trước 16h ngày 27/9 và thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Với những khu vực tạm được cho là an toàn, người dân cũng không nên chủ quan, vì sức mạnh của bão mà cơ quan dự báo đưa ra không thể chính xác tuyệt đối, có thể mạnh hơn hoặc yếu hơn. Do đó, người dân vẫn cần rà soát, đánh giá ngôi nhà của mình, gia cố lại cho chắc chắn.
Khi bão đổ bộ, nhiều tuyến đường có thể bị sạt lở, chia cắt, một số khu vực sẽ bị cô lập nhiều ngày và mất điện lưới, do đó, người dân cần chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống, thuốc men... để duy trì trong vòng 4-5 ngày; sạc đầy pin các thiết bị liên lạc, đèn pin.
Bà con nuôi trồng thủy sản ven bờ cần có phương án bảo vệ tài sản, tuyệt đối không ở lại chòi canh trên các lồng, bè khi bão đổ bộ. Theo lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những cơn bão trước đã từng xảy ra thiệt hại về người khi người dân cố ở lại trên các chòi canh để trông coi tài sản, vì vậy trong cơn bão lần này tuyệt đối không để xảy ra sự việc đáng tiếc tương tự.
Đối với tuyến biển, các chủ phương tiện tàu thuyền, gồm tàu khai thác thủy hải sản, tàu vận tải cần khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn hoặc tìm cách nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ngoài ra, khi đưa tàu, thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão, người dân cần có phương pháp chằng chống khoa học, đề phòng gió mạnh vẫn có thể làm các phương tiện va đập dẫn đến thiệt hại về tài sản. Người dân tuyệt đối không ở lại các phương tiện tại khu neo đậu khi bão đổ bộ.
Trên tuyến đất liền, tại các khu vực thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, người dân cần thực hiện nghiêm túc lệnh sơ tán của chính quyền địa phương để đến nơi tránh trú.
Các tài xế xe tải, những người có kế hoạch di chuyển bằng đường bộ qua khu vực có bão thì cân nhắc ở lại địa phương giáp ranh với tâm bão như phía Bắc là Quảng Trị và phía Nam là Ninh Thuận. Bởi tài xế đang di chuyển trên đường mà gặp bão đổ bộ sẽ khó tìm được cách xử lý tối ưu.
Thiên tai có những rủi ro bất khả kháng. Nhưng nhiều rủi ro hoàn toàn có thể tránh được nếu chúng ta không chủ quan và sớm đến nơi an toàn để trú ẩn, chờ bão đi qua.
Hãy hoàn thành công tác sơ tán trước 16h hôm nay, ngày 27/9.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!