Tâm điểm
Hữu Bình

Thể thao Việt Nam sẽ vượt qua "tư duy SEA Games"?

Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam diễn ra chiều 21/12, được báo giới ví như một "Hội nghị Diên Hồng" của thể thao nước nhà, căn cứ vào mục đích, ý nghĩa của sự kiện.

Chưa bao giờ, các giới chức hữu trách liên quan tới thể thao có dịp ngồi lại với nhau, trong một hội nghị nhằm tập trung phân tích thực trạng, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tạo nên thay đổi mang tính đột phá của lĩnh vực thể thao thành tích cao như vậy.

Vậy nên hội trường của Trung tâm Thể thao Ba Đình không còn một chỗ trống khi Hội nghị diễn ra. Cũng lâu lắm rồi, tôi mới có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều vị lãnh đạo, cán bộ trong ngành thể thao đến từ các địa phương bên lề hội nghị như thế.

Nhiều người hào hứng góp mặt với hy vọng có thể được tham gia một ý kiến từ góc nhìn thực tiễn của bản thân, đơn vị mình. Nhưng thật tiếc khi thời gian của hội nghị quá hạn hẹp, chỉ trong một buổi chiều, vừa đủ cho một vài tham luận và ý kiến trước khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) kết luận. Nên cảm giác chung là vẫn "thòm thèm", chưa… "đã", thậm chí có cảm giác mọi thứ chưa thật tương xứng với quy mô, mục đích, ý nghĩa của một hội nghị quan trọng, được cả ngành cũng như giới truyền thông chờ đợi.

Thể thao Việt Nam sẽ vượt qua tư duy SEA Games? - 1

Ngành TDTT sẽ không quá chú trọng, đặt nặng thành tích tại SEA Games nữa (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Những gì dư luận đặt ra trong một thời gian khá dài, đặc biệt là sau Đại hội thể thao châu Á (Asiad 19) vừa qua rất đáng suy nghĩ. Tại sao đoàn thể thao Việt Nam liên tiếp đứng đầu ở 2 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31 và 32) mà sau đó chỉ xếp thứ 6 trong số các nước thuộc khối ASEAN tại đấu trường cấp châu lục? Phải chăng, nguyên nhân bởi thể thao Việt Nam đã quá tập trung cả thời gian, công sức và kinh phí cho việc cạnh tranh thành tích tại một đấu trường khu vực mà chưa chú trọng tới thành tích cao tại các đấu trường lớn hơn của châu lục và thế giới?

Nhìn một cách đầy đủ, phải chăng điều kiện của thể thao Việt Nam hạn chế hơn so với các nước bạn trong đầu tư cho thể thao thành tích cao để thành công hơn tại Asiad? Hay thực ra, một phần nguyên nhân đến từ việc chúng ta vẫn còn lúng túng, chưa có những sự thay đổi quyết liệt trong khả năng của mình để có thể đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ?...

Khách quan mà nói, những báo cáo, tham luận chính được trình bày tại hội nghị như của PGS.TS Đặng Hà Việt (Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao - TDTT) về "Thực trạng thành tích thể thao, nguồn lực vận động viên; Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao 2024-2030 và định hướng lựa chọn các môn Thể thao trọng điểm"; GS.TS Lâm Quang Thành về "Đổi mới, sáng tạo trong phát triển Thể thao thành tích cao và các giải pháp ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao"; GS.TS Lê Quý Phượng về "Các giải pháp chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và hồi phục cho vận động viên thể thao thành tích cao"; hay nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh phân tích "sự cần thiết của thay đổi tư duy đầu tư cho thể thao thành tích cao" đều trên tinh thần nhìn thẳng và nói thật.

Các tham luận này không né tránh nêu lên những mặt còn tồn tại cần khắc phục. Trong đó một vấn đề chung được đề cập là kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho thể thao thành tích cao còn rất hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ đối với HLV, VĐV còn thấp; sự phối hợp trong định hướng phát triển thể thao thành tích cao giữa Trung ương với các địa phương còn thiếu đồng bộ. Và quan trọng hơn, vẫn còn tồn tại tư duy dành nhiều sự ưu tiên hơn cho đấu trường khu vực, chưa có những định hướng và giải pháp để tạo bước đột phá ở các đấu trường châu lục và xa hơn là Olympic.

Trong phần kết luận, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã thẳng thắn "phê bình" rằng trong một thời gian dài, ngành TDTT đã chưa tham mưu tốt và đưa ra các giải pháp một cách thích đáng, quyết liệt để thay đổi ngay từ tư duy đầu tư cho các môn thể thao, hướng tới các đấu trường quốc tế.

Từ đó, cũng theo Bộ trưởng, vẫn còn sự dàn trải trong đầu tư, chưa phát huy tối đa các nguồn lực, dẫn tới hiệu quả nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao tại đấu trường châu lục chưa như sự trông đợi.

Qua lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, cũng như trao đổi với nhiều đại biểu chưa có cơ hội được phát biểu, tôi thấy một nhận thức thống nhất là để đưa thể thao thành tích cao Việt Nam "vượt vũ môn" thì dứt khoát phải bắt đầu bằng sự thay đổi tư duy.

Ngành TDTT sẽ không quá chú trọng, đặt nặng thành tích tại SEA Games nữa (dù đây vẫn sẽ là đấu trường quan trọng cho nhiều môn thể thao trong định hướng liên thông với Asiad). Nhưng, cần lưu ý rằng dồn lực cho những mũi nhọn hướng tới đạt thành tích cao ở Asiad cũng mới chỉ là đầu tư cho phần "ngọn" mà thôi.

Các tiến bộ trong nghiên cứu khoa học thể thao cần được áp dụng cho vận động viên từ giai đoạn tuyển chọn năng khiếu, đào tạo trẻ, và từ các địa phương chứ không phải lên tới cấp đội tuyển quốc gia.

Những mặt hạn chế về cơ sở vật chất hay trang thiết bị tập luyện  ở các cấp, bao gồm cả cấp đội tuyển quốc gia cần được khắc phục. Chúng ta không thể chủ quan, duy ý chí cho rằng chỉ cần "nỗ lực vượt khó" là đủ trước thực tế cơ sở vật chất nhiều nơi xuống cấp như hiện nay.

Tất cả đều đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, trong một thời gian dài, từ trung ương tới địa phương, mới mong tạo nên những thay đổi đồng bộ. Nhìn từ góc độ này, Thể thao Việt Nam không thể so sánh với Thái Lan - nền thể thao dẫn đầu Đông Nam Á về thành tích tại các đấu trường châu lục và thế giới - về điều kiện đầu tư cho thể thao thành tích cao!

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, vai trò của các Liên đoàn - hiệp hội thể thao quốc gia có ý nghĩa quan trọng hơn. Nhưng thực tế cho thấy đa số liên đoàn vẫn hoạt động một cách cầm chừng và èo uột. Thậm chí vẫn còn sự "giẫm chân nhau" của cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các liên đoàn thể thao quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Ngành TDTT. Thật tiếc khi tại hội nghị nêu trên, do quỹ thời gian quá hạn hẹp, nên đại diện nhiều liên đoàn đã không thể nêu ý kiến từ thực tiễn hoạt động để giúp các đại biểu có góc nhìn toàn cảnh hơn.

Một vấn đề nữa là thể thao trong học đường của chúng ta còn rất hạn chế, từ quỹ đất, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động TDTT chưa tương xứng, cho tới sự hạn chế về nguồn nhân lực trong tuyển chọn tài năng thể thao. Tới đây cũng xin nói thêm: Thái Lan hơn hẳn chúng ta ở nhiều mặt, trong đó có thể thao trường học.

Rất nhiều vấn đề mà một hội nghị hay một bài viết không thể nêu lên đầy đủ. Mong rằng đây là bước khởi đầu cho một quá trình đi lên của thể thao thành tích cao Việt Nam, bằng những giải pháp và hành động quyết liệt.

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!