Tâm điểm
Nguyễn Văn Đỉnh

Sức sống từ những đạo luật mới

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, vừa qua đã tiến hành công tác nhân sự và xem xét, thông qua nhiều đạo luật, nghị quyết rất quan trọng, trong đó có các luật phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Là một người quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, tôi dành thời gian nghiên cứu các văn bản luật vừa được thông qua, cụ thể như Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Điểm dễ nhận thấy đầu tiên là các đạo luật mới này chứa đầy sức sống, các quy định được thiết kế nhằm đáp ứng mục tiêu quan trọng như nêu trên, đồng thời cách làm luật cũng có nhiều điểm mới.

Điểm mới nổi bật là các luật này đều ngắn gọn, có ít điều khoản hơn so với trước, điển hình là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) chỉ còn 72 điều, giảm hơn một nửa so với luật hiện hành (có tới 173 điều).

Các điều luật được thiết kế gọn hơn, thường chỉ đề ra nguyên tắc và giao cho Chính phủ, các cơ quan chấp hành của Quốc hội ban hành văn bản dưới luật để thực thi, hoặc sẽ thể chế trong các luật chuyên ngành, quy định thẩm quyền của từng cơ quan trong lĩnh vực cụ thể.

Sức sống từ những đạo luật mới - 1

Các đại biểu bấm nút thông qua một nghị quyết của Quốc hội tại phiên họp bất thường lần 9 (Ảnh: Hồng Phong).

Bên cạnh 3 đạo luật quy định về tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền địa phương) thì việc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cũng được xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần này là một động thái chứa nhiều ý nghĩa. Cần nhấn mạnh rằng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) ban đầu không nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (theo Nghị quyết số 129 ngày 8/6/2024 của Quốc hội).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thẩm quyền đã hai lần ban hành Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng: Lần thứ nhất, tại Nghị quyết số 59 ngày 11/12/2024 để bổ sung dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp; lần thứ hai, tại Nghị quyết số 65 ngày 15/1/2025 để điều chỉnh thời gian cho ý kiến và thông qua dự án Luật này ngay tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025.

Điều đó cho thấy bên cạnh công tác tổ chức bộ máy nhà nước thì công tác lập pháp cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, quy trình hiện nay dường như không còn đáp ứng được yêu cầu cấp bách của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khơi thông nguồn lực phát triển.

Chẳng hạn, Luật hiện hành quy định dự án luật phải được xem xét, thông qua theo quy trình 2 hoặc 3 kỳ họp Quốc hội, chỉ trừ trường hợp áp dụng quy trình rút gọn. Trong một số trường hợp, quy trình này dẫn đến chậm ban hành các văn bản pháp luật, dẫn đến không kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới. Một ví dụ điển hình là Luật Đất đai (sửa đổi) cần đến 4 kỳ họp mới được thông qua.

Nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại 1 kỳ họp, chỉ trừ trường hợp sau khi thảo luận mà dự thảo luật, nghị quyết chưa được thông qua thì sẽ được lùi tới kỳ họp tiếp theo. Như vậy, quy trình làm luật sẽ được rút ngắn ít nhất 6 tháng.

Để đảm bảo tính chặt chẽ và khắc phục nhược điểm khi xây dựng luật qua chỉ một kỳ họp, Luật mới đặt ra công cụ mới là định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội. Theo đó, ngay năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội, Quốc hội sẽ phê duyệt định hướng lập pháp cho nhiệm kỳ 5 năm, gồm danh mục các nhiệm vụ lập pháp, xem Quốc hội cần ban hành mới hay sửa đổi luật, nghị quyết nào, tương tự là các pháp lệnh, nghị quyết của Thường vụ Quốc hội.

"Bản kế hoạch" lập pháp nhằm phát huy tính chủ động, từ sớm, từ xa và trên cơ sở đó, Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện định hướng lập pháp. Luật cũng mở rộng thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội: Trên cơ sở định hướng lập pháp của nhiệm kỳ, Thường vụ Quốc hội chủ động quyết định chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội. Trường hợp phát sinh các nhiệm vụ lập pháp mới, Thường vụ Quốc hội cũng có thể chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch triển khai thực hiện.

Để nâng cao chất lượng lập pháp, Luật sử dụng công cụ mới là "tham vấn chính sách" nhằm giúp cơ quan soạn thảo nhận diện và giải quyết những vấn đề tiềm ẩn trước khi các chính sách được ban hành. Thông qua tham vấn chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… có thể chỉ ra những thiếu sót trong các dự thảo văn bản pháp luật mà cơ quan soạn thảo có thể chưa nhận thấy, từ đó sửa đổi, chỉnh lý kịp thời.

Như vậy, nhìn từ những đạo luật mới được thông qua, có thể hình dung rằng quy trình xây dựng pháp luật thời kỳ tới sẽ trở nên nhanh gọn mà vẫn đảm bảo chất lượng, giản lược các điều luật và trao thẩm quyền cho Chính phủ hoặc các Bộ quy định chi tiết thi hành.

Cách làm luật này nhằm giúp pháp luật kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, tạo sự linh hoạt trong tổ chức thực thi và tạo không gian cho đổi mới sáng tạo, khuyến khích cán bộ, công chức học hỏi, sáng tạo, không rập khuôn vào cách làm cũ, tư duy cũ. Các luật mới cũng làm rõ nguyên tắc phân định thẩm quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hướng quyền lực không chỉ tập trung về các cơ quan trung ương mà phân cấp, phân quyền triệt để cho cấp địa phương, cấp bộ ngành để đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đồng thời, các luật cũng mở rộng quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ giữ vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; thống nhất quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực; phân công phạm vi quản lý cho các Bộ. Luật cho phép khi cần huy động nguồn lực để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, nếu được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền (cơ quan Đảng) và Thường vụ Quốc hội, Chính phủ được phép thực hiện giải pháp khác với quy định của luật, sau đó báo cáo Quốc hội.

Để phát huy năng lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn quy định một hình thức văn bản quy phạm pháp luật mới là nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn, được áp dụng trong một thời gian nhất định và phạm vi cụ thể.

Với chế định Thủ tướng, luật cho phép trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, Thủ tướng được áp dụng các biện pháp cấp bách khác với quy định của pháp luật, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội.

Như vậy, chúng ta hình dung Luật mới đã thiết kế mô hình Chính phủ hiện đại hơn theo phương châm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", có sự đồng hành, sát cánh của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Có thể nói các đạo luật mới ban hành đã cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật như Chủ tịch Quốc hội từng đề cập. Đó là các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là luật sư, kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!