Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường

Xuân Hải

(Dân trí) - Tại phiên bế mạc, Quốc hội thông qua 2 nghị quyết. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự họp (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp

Phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, theo ông Mẫn, Quốc hội thông qua 6 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường - 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp (Ảnh: Quochoi.vn).

"Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về công tác nhân sự, ông Mẫn khẳng định đã được thực hiện chặt chẽ, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội đã bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội cũng đã bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm 4 bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, miễn nhiệm một số bộ trưởng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhận nhiệm vụ khác.

Trong điều kiện đặc biệt, chịu áp lực về thời gian, song theo ông Mẫn, các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ kỳ họp thứ 8. Việc này cũng khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường - 3

(Ảnh: Quochoi.vn).

Kết quả biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, có 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,98%). Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Về phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Về đối tượng áp dụng: Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường - 4

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy (Ảnh: Quochoi.vn).

Về thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. 

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Kết quả: 463/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,86%).

Như vậy, với đại đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

Về mục tiêu, chỉ tiêu, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát là củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường - 5

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (Ảnh: Quochoi.vn).

Về điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ đô la Mỹ (USD). GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 6,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ, trí tuệ, nghiêm túc và trách nhiệm cao, sáng nay, Quốc hội tiến hành bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Phiên bế mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình Quốc gia.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ tiến hành thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường - 6

(Ảnh: Quochoi.vn).

Theo chương trình nghị sự, sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Trong sáng nay, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Một số luật và nội dung quan trọng cũng được Quốc hội thông qua sáng nay gồm: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Sau đó, Quốc hội họp riêng để biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 2 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV được truyền hình, phát thanh trực tiếp lúc 10h cùng ngày. Tổng Thư ký Quốc hội tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp.