Số ca bệnh ung thư tăng nhanh: Vì sao?
Hôm rồi đi dự tiệc cuối năm ở một gia đình người bạn, tôi chuẩn bị ít trái cây đến làm quà. Nếu mua chuối cam trong nước thì thường quá, tôi đã cẩn thận lựa chọn táo và nho nhập khẩu.
Buổi tiệc diễn ra vui vẻ, nếu như không có chút sự cố lúc cuối buổi: Chị vợ mang quà của tôi ra gọt để mọi người ăn tráng miệng, mấy đứa trẻ thấy quả lạ nên sà vào ăn, anh chồng hốt hoảng quát con không được ăn vì sợ quả lạ không rõ nguồn gốc, có thể gây ung thư.
Anh lỡ miệng, làm không khí buổi tiệc chùng xuống, mất vui. Thế đấy, nỗi sợ ung thư ám ảnh tất cả mọi người, trong từng bữa ăn gia đình.
Dù không phải làm trong ngành y thì ai cũng thấy số người mắc ung thư đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Theo bản tin mới đây trên báo Dân trí, dẫn nguồn một bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, gánh nặng ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng. Số ca mắc mới và tử vong do ung thư tăng gấp hơn 3 lần trong 30 năm.
Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 99 trên 185 nước về tỷ suất mắc mới của ung thư, tuy nhiên, sau 2 năm, nước ta đã tăng lên ở vị trí thứ 91. Tương tự về tỷ suất tử vong do ung thư, sau 2 năm Việt Nam cũng từ vị trí thứ 56 trên 185 nước lên đứng ở vị trí thứ 50.
Không riêng Việt Nam, nhìn ra thế giới, theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn cầu cũng có xu hướng tăng.
Đó là số liệu thống kê chung. Còn bản thân tôi tính sơ sơ trong những người thân quen đã thấy nhiều người mắc ung thư. Giám đốc bệnh viện cũ của tôi mới về hưu được mấy tháng thì phát hiện ung thư phổi. Thầy hướng dẫn tôi khi đang là nghiên cứu sinh cũng bị ung thư.
Người thân của tôi thì bác bên đằng mẹ bị ung thư máu; bố tôi ung thư bàng quang; bác bên đằng vợ ung thư phổi; cậu em họ ung thư lưỡi. Gần nhất là bà mẹ vợ ung thư đại tràng. Nếu tính cả những người quen biết thì số bị mắc ung thư còn nhiều nữa.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trong nhóm tác nhân gây ung thư từ môi trường thì các tác nhân liên quan tới ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ví dụ ăn thực phẩm mốc (lạc mốc) có thể bị ung thư gan; hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi...
Các nhiễm vi sinh vật như virus viêm gan có thể chuyển thành ung thư gan, vi khuẩn HP gây viêm dạ dày có thể chuyển thành ung thư dạ dày, virus ung thư cổ tử cung…
Đời sống hiện đại và quá trình công nghiệp hóa khiến số tác nhân trên môi trường gây ung thư tăng lên nhiều lần. Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ở Việt Nam lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng trong sản xuất nông nghiệp là 45.000 tấn, giảm 6.900 tấn so với năm 2020. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật hóa học là 37.000 tấn, thuốc sinh học là 8.000 tấn. Các thuốc bảo vệ thực vật ngoài phun trên cây trồng, nhiều khi còn bị dùng để ngâm tẩm trực tiếp vào sản phẩm nhằm bảo quản, bất chấp nguy hại.
Ngoài ra, hóa chất, khói bụi, tia bức xạ, nước thải công nghiệp chứa hóa chất, kim loại nặng… cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người ở các mức độ khác nhau. Người ta đã ghi nhận tỷ lệ người dân bị ung thư cao ở một số nơi có hoạt động sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Có thể kể thêm các ảnh hưởng gián tiếp, như ô nhiễm nguồn nước tưới cho cây trồng gây gây ô nhiễm sản phẩm nông nghiệp, đến lượt nó khi các sản phẩm này lên bàn ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ô nhiễm không khí do khói bụi cũng góp phần làm tăng tỷ lệ ung thư. Các chất độc do đốt than đá, xăng dầu sinh ra các khí độc ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trước tiên là đến hệ hô hấp. Ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn với nhiều ngày ở mức nguy hiểm và cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên ra đường, nhưng do cuộc sống mưu sinh mà chúng ta vẫn phải bất chấp để ra đường…
Dư lượng thuốc kháng sinh, chất tăng trọng, chất tạo nạc… trong sản phẩm nông nghiệp nếu có, cũng có thể gây nên các rối loạn chuyển hóa trong người tiêu dùng, lâu dần sẽ dẫn đến ung thư. Thậm chí sản phẩm tẩy rửa, hương liệu, phụ gia… cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đứng trước các vấn đề trên thì mỗi cá nhân hầu như không thể thay đổi được gì, ví dụ như một mình ta không thể ngăn chặn được tình trạng bụi mịn hay quy trình sản xuất một sản phẩm công nghiệp đưa ra thị trường. Đó phải là nỗ lực của cả xã hội.
Chính vì vậy, nhiều người có một sự lo lắng thường trực là biết chọn sản phẩm sạch ở đâu, nước sạch ở đâu, bầu không khí trong sạch ở đâu? Không lẽ ta bỏ hết để về quê sinh sống, tự cung tự cấp?
Tâm trạng lo lắng đó là có thể hiểu được. Tôi không giận gì thái độ của anh bạn kể ở đầu bài viết, mà tôi chia sẻ nỗi lo lắng ấy.
Những thách thức đối với các vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng là hiện hữu. Chúng ta không nên và không thể né tránh. Tuy nhiên, theo tôi, số lượng ung thư mới phát hiện tăng nhanh trong thời gian qua có nhiều lý do, nên giải thích để người dân hiểu và tránh những phản ứng quá mức.
Trước hết số người mắc ung thư tăng cao liên quan đến sự già hóa dân số. Vì ung thư là những biến đổi tích lũy theo thời gian. Những viêm loét, ngộ độc… lặp đi lặp lại một thời gian dài mới biến đổi thành ác tính, nên phần lớn ung thư chỉ phát ra ở tuổi trung niên và cao tuổi.
Vì thế, phát hiện ung thư chủ yếu ở người lớn tuổi, nhiều nhất là độ tuổi 60 - 80. Số người già trong dân cư nhiều lên thì số người mắc ung thư cũng tăng lên. Năm 2022 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, nên số lượng người mắc ung thư phát hiện mới cũng tăng cao. Hay nói cách khác, trước đây tuổi thọ trung bình của người Việt thấp, rất nhiều người qua đời khi chưa đến hoặc chỉ vừa bước sang độ tuổi mắc ung thư phổ biến. Mặt khác quy mô dân số tăng thì tổng số người mắc ung thư cũng tăng lên.
Thứ hai, số phát hiện ung thư tăng nhiều là nhờ các biện pháp khám bệnh tiến bộ, giúp phát hiện các trường hợp ung thư mà trước kia bị bỏ sót.
So với cách đây vài chục năm thì hiện nay các phương tiện khám chẩn đoán bệnh tinh vi hơn rất nhiều. Nếu như trước kia chủ yếu bác sĩ khám bằng tay, có thêm phim chụp xquang là hết, nên nhiều khi bệnh nhân chết cũng không chắc chắn chết vì bệnh gì. Nay các phương tiện chẩn đoán hình ảnh rất phong phú, như chụp cắt lớp CT, MRI, nội soi tiêu hóa, nội soi tai mũi họng, siêu âm … có thể phát hiện các bất thường từ rất nhỏ; tỷ lệ bỏ sót bệnh giảm đi rất nhiều.
Hai yếu tố nêu trên làm tăng số lượng phát hiện bệnh nhân ung thư một cách tương đối, và số lượng ung thư tăng do các yếu tố này sẽ giảm dần.
Để phòng chống bệnh ung thư sẽ cần đến chiến lược ở tầm quốc gia và nỗ lực của mỗi người trong việc duy trì lối sống lành mạnh, khoa học, hợp lý.
Trong thực tế chúng ta cũng đã có chiến lược khá toàn diện, kiểm soát nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực…
Một vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là nhiều nghiên cứu cho thấy càng ngày số lượng mắc ung thư do nguyên nhân môi trường sống ngày càng tăng. Có nghiên cứu ước lượng ung thư do nguyên nhân môi trường chiếm từ 75 - 80% số ung thư (Nguồn: Chương trình Phòng chống ung thư Quốc gia). Các yếu tố môi trường tác động lên sự phân chia tế bào, gây nên sự đột biến trong vật liệu di truyền tế bào, sinh ra các tế bào bất thường. Các bất thường này tích lũy dần qua thời gian gây thành ung thư.
Một số tác nhân mội trường khác gây nên các tổn thương mạn tính, dần dần cũng tích lũy thành tế bào bất thường. Hai cơ chế này liên quan với nhau, kết hợp với nhau gây nên ung thư.
Nhìn từ góc độ này thì chiến lược phòng, chống ung thư của Việt Nam cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường sống của người dân. Mỗi người trong chúng ta cũng cần chú ý hơn đến giữ gìn môi trường sống vì sức khỏe của chính mình và gia đình mình.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!