Gánh nặng ung thư tại Việt Nam tăng nhanh

Nam Phương

(Dân trí) - Số ca mắc mới và tử vong do ung thư tại nước ta tăng gấp hơn 3 lần trong 30 năm. Điều đáng buồn là đa phần bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, tiên lượng bệnh nặng nề.

Ngày 20/12, Hội Đông Y Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư.

ThS.BS Lê Công Định, Phụ trách khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết, gánh nặng ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng. Số ca mắc mới và tử vong do ung thư tăng gấp hơn 3 lần trong 30 năm. 

Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 99 trên 185 nước về tỷ suất mắc mới của ung thư, tuy nhiên, sau 2 năm, nước ta đã tăng lên ở vị trí thứ 91. Tương tự về tỷ suất tử vong do ung thư, sau 2 năm Việt Nam cũng từ vị trí thứ 56 trên 185 nước lên đứng ở vị trí thứ 50. 

Gánh nặng ung thư tại Việt Nam tăng nhanh - 1

Vấn đề chăm sóc giảm nhẹ cần được tiếp cận ngay khi bệnh nhân nhận được chẩn đoán, trong quá trình điều trị cho đến khi qua đời (Ảnh minh họa: Adobe Stock).

Bên cạnh đó, đa phần bệnh nhân ung thư ở nước ta được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn muộn. Thống kê từ năm 2016 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm chỉ khoảng 20-30%, tỷ lệ tử vong sau 1 năm nhận chẩn đoán là 24%. 

Nghiên cứu gần đây trên bệnh nhân ung thư gan tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho thấy, gần 70% bệnh nhân nhận chẩn đoán ở giai đoạn không còn chỉ định phẫu thuật, tiên lượng rất xấu. Có hơn 38% bệnh nhân chọn tử vong ở nhà. 

Vì thế, vấn đề đặt ra là làm sao giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân khi ở nhà. Nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ tại nhà là rất lớn.

Mắc ung thư không còn là dấu chấm hết

Là người gắn bó lâu năm trong lĩnh vực y tế, TS.BS Nguyễn Duy Cương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng cho biết thêm, trước đây khi nói đến ung thư, nhiều người nghĩ mắc bệnh là chấm hết, nghĩ ung thư là rất đáng sợ.

Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại thì ngày nay bệnh ung thư không còn là dấu chấm hết. 

Gánh nặng ung thư tại Việt Nam tăng nhanh - 2

TS.BS Nguyễn Duy Cương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Ảnh: H.L).

"Chúng ta có thể coi ung thư giống như các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, bệnh tim mạch… để có cái nhìn khác, trong đó có vai trò của chăm sóc giảm nhẹ. Hiện nay số người mắc ung thư của Việt Nam rất nhiều, câu hỏi đặt ra là làm sao giảm nhẹ những hậu quả của bệnh.

Bên cạnh việc chẩn đoán, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, chúng ta cũng cần tăng cường giáo dục sức khỏe cho cộng đồng để dự phòng bệnh", TS Cương chia sẻ. 

Trong vấn đề chăm sóc giảm nhẹ, chúng ta có thể ứng dụng Đông y ngay từ khi bệnh nhân nhận được chẩn đoán, trong quá trình điều trị, thậm chí khi sắp tử vong. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân ung thư thường chịu đau đớn rất nhiều. 

Theo TS Cương, vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang có nhiều thách thức, một trong số đó là các bệnh không lây nhiễm (gồm cả ung thư), đang trở thành gánh nặng toàn cầu. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Gánh nặng ung thư tại Việt Nam tăng nhanh - 3

Lãnh đạo Hội Đông y trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và từ thiện năm 2023 (Ảnh: H.L)

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, cho biết, ung thư là một trong những thách thức lớn nhất của y học hiện đại. Đến nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng chúng ta vẫn đang tìm kiếm những phương pháp mới để giảm nhẹ tác động của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Đó là lý do tại sao sự kết hợp giữa Đông y và Tây y trở nên quan trọng. Đông y và Tây y có những ưu điểm riêng của mình.

"Đông y, với hơn 2.000 năm lịch sử, đã phát triển những phương pháp chữa trị tự nhiên, như dùng thảo dược, massage… Trong khi đó, Tây y đã đưa ra những phương pháp hiện đại, như hóa trị liệu, xạ trị, phẫu thuật để đối phó với ung thư", PGS Cảnh nhấn mạnh.

Theo ông, việc kết hợp hai phương pháp này có thể mang lại những lợi ích to lớn, không chỉ tạo ra một hệ thống chăm sóc toàn diện, mà còn mở ra những cơ hội mới để nghiên cứu và phát triển, tìm ra những phương pháp chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả hơn.