Tâm điểm
Lê Xuân Lục

Rời khỏi khu vực công ở tuổi "bánh mì kẹp"

Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy đang tạo ra những chuyển động mạnh mẽ và tích cực trong hệ thống chính trị. Qua báo chí và mạng xã hội, chúng ta có thể thấy rằng xã hội, người dân rất ủng hộ cuộc cách mạng này và đặt nhiều kỳ vọng vào việc cắt giảm chi ngân sách, cắt giảm khâu trung gian gây cồng kềnh, lãng phí, giúp bộ máy nhà nước trở nên tinh - gọn - mạnh - hiệu lực và hiệu quả hơn.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 100.000 nhân sự trong hệ thống chính trị sẽ chịu ảnh hưởng của quá trình tinh gọn bộ máy. Việc tinh giản biên chế là hết sức cần thiết, tuy nhiên đi kèm đó rất cần các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm mới và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhìn từ góc độ lao động, có thể thấy rằng những nhân sự chịu ảnh hưởng đều là trụ cột trong gia đình và nhiều người ở độ tuổi ngoài 40 hay ngoài 50. "Thế hệ bánh mì kẹp" (Sandwich Generation) là thuật ngữ do nhà xã hội học người Mỹ Dorothy Miller đặt ra. Khái niệm này dùng để chỉ nhóm người ở độ tuổi trung niên (40-50 tuổi) với đặc thù là thế hệ mà trên vai họ có tới hai trách nhiệm nặng nề: vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi dạy con cái. Vì vậy, áp lực về công việc và cuộc sống với "thế hệ bánh mì kẹp" là rất lớn.

Rời khỏi khu vực công ở tuổi bánh mì kẹp - 1

Thị trường lao động không mấy "mặn mà" với nhóm người cao tuổi (Ảnh minh họa: CV)

Một vấn đề khác, với các nhân sự tuổi trung niên, đã trải qua trên dưới 20 năm liên tục làm việc trong bộ máy nhà nước, việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ không dễ dàng. Thực tế thì thị trường lao động không mấy "mặn mà" với nhóm người ở độ tuổi ngoài 40. Nhất là những vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ lao động thấp hoặc vị trí công việc không cao, giới chủ thường có xu hướng ưu tiên tuyển dụng lao động dưới 30 tuổi, thậm chí mới ra trường để cắt giảm chi phí và tận dụng sức trẻ trong công việc.

Trước hết cần khẳng định rằng cơ chế, chính sách đối với nhóm lao động nói trên đã được ban hành kịp thời và đồng bộ, đơn cử như ngày 31/12/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy. Tuy nhiên, thiết nghĩ việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định tâm lý, cuộc sống của nhóm đối tượng lao động mất việc làm sau sắp xếp vẫn cần được quan tâm trên cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan và thực sự nhân văn.

Khi chính sách đi vào cuộc sống, một gói hỗ trợ cụ thể thực hiện theo quy định pháp luật cả trước mắt và lâu dài với một lao động cụ thể không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự đồng thuận, chia sẻ và hợp tác từ những người trực tiếp chịu tác động.

Nhìn ra thế giới, các nước khi tiến hành tinh gọn bộ máy và sa thải nhân sự cũng đều có các gói hỗ trợ kèm theo. Ví dụ nước Mỹ hiện nay đang thực hiện một số biện pháp nhằm làm gọn bộ máy liên bang, đồng thời cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực cho người lao động. Trong số các chính sách nổi bật mà Chính phủ Mỹ thực hiện, có việc triển khai chương trình thôi việc tự nguyện kèm gói hỗ trợ, trong đó người lao động có thể chọn nghỉ việc sớm với các gói trợ cấp, nhằm tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp và giảm bớt số lượng công chức theo cách tránh sa thải đột ngột.

Trở lại với Việt Nam, theo tôi có mấy vấn đề cần quan tâm như sau:

Một là, hỗ trợ tài chính kịp thời cho người lao động mất việc làm sau tinh gọn bộ máy để họ duy trì cuộc sống trước mắt, vượt qua giai đoạn chuyển đổi. Theo tính toán của cơ quan quản lý, nguồn kinh phí chi trả những người sẽ nghỉ thuộc diện sắp xếp còn thấp hơn phần phải trả cho họ nếu còn làm việc trong 5 năm. Như vậy, thời gian tới bộ máy tinh gọn hơn và chắc chắn là ngân sách cũng sẽ giảm được một khoản đáng kể về chi thường xuyên so với trước đây.

Hai là, đẩy mạnh việc đào tạo lại, nâng cao kỹ năng hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giúp lao động dôi dư có thêm cơ hội tham gia vào các lĩnh vực mới, chuyển sang làm việc trong khu vực tư nhân.

Cơ quan quản lý về lao động ở các địa phương cần tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới và hướng dẫn chuyển đổi lĩnh vực làm việc.

Ba là, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động không bị thiệt thòi trong quá trình tinh gọn bộ máy.

Thực hiện các vấn đề trên không chỉ thể hiện sự nhân văn trong chính sách mà còn khuyến khích tinh thần sẵn sàng hy sinh vì cái chung.  

Có như vậy, gánh nặng cuộc sống của người lao động bị mất việc làm sau tinh gọn bộ máy sẽ giảm bớt, đồng thời cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy sẽ thắng lợi toàn diện hơn, theo đúng tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" trong bất cứ một chính sách nào của quốc gia.

Tác giả: Ông Lê Xuân Lục là giảng viên Trường Đại học Kiểm sát thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, giảng dạy lĩnh vực pháp luật, quản trị nhà nước và là chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức hành nghề luật sư.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!