Phụ huynh cân não "chọn nghề" cho con từ lớp 10
Nửa đêm, chị Hạnh - một phụ huynh tôi từng biết khi còn làm ở trường học, nhắn tin than thở: "Em ơi, con chị cứ một mực đòi làm streamer - người thực hiện các chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội, chị phải làm sao bây giờ?"
Con chị mới học lớp 9, chuẩn bị bước vào trung học phổ thông. Gia đình có truyền thống làm nghề y, chị Hạnh muốn con trai theo con đường bác sĩ. Tuy nhiên, chị hiểu rằng rất khó để bố mẹ "đặt đâu con ngồi đấy" với thế hệ trẻ ngày nay. Con không làm bác sĩ cũng được, chị đành chấp nhận, nhưng khi con nói muốn làm streamer, chị bối rối.
"Chị định hướng cho con kiểu gì bây giờ cơ chứ?"
Câu hỏi của chị Hạnh cũng là trăn trở của rất nhiều phụ huynh, nhất là khi chương trình Giáo dục phổ thông mới đã thực hiện ở lớp 10 bậc trung học phổ thông, và học sinh sẽ phải chọn các tổ hợp chọn môn để học suốt bậc trung học phổ thông. Việc này rất quan trọng vì gần như học sinh đã chọn tổ hợp nào từ lớp 10 thì bắt buộc phải theo cả bậc trung học phổ thông và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trong khi đó, việc định hướng nghề nghiệp cho con trẻ không hề dễ dàng trong thế giới hiện nay.

Phụ huynh đưa con đi tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 điểm thi trường THPT Chu Văn An (Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), ngày 9/6 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)
Thứ nhất, thế giới VUCA (cụm từ viết tắt volatility, uncertainty, complexity, and ambiguity nhấn mạnh vào những đặc tính biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ của thế giới hiện đại) ngày càng khiến việc lựa chọn nghề nghiệp trở nên khó khăn.
Thứ hai, ngày càng có nhiều nghề mới xuất hiện, hoàn toàn xa lạ với phụ huynh của thế hệ trước. Việc định hướng nghề nghiệp đã vượt ngoài những công việc truyền thống như bác sĩ, giáo viên, kỹ sư… vốn được nhiều gia đình lựa chọn. Theo một báo cáo từ Institute For The Future (IFTF) và một nhóm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, rất nhiều công việc có thể xuất hiện trong năm 2030 thì cho đến trước khi bùng phát đại dịch (2018) vẫn chưa ra đời. Ngược lại, hàng loạt công việc từng tồn tại chỉ cách đây 10-20 năm giờ đã vắng bóng hoặc hoàn toàn biến mất.
Thứ ba, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, robot hay các sản phẩm công nghệ đang dần thay thế nhân lực trong nhiều ngành nghề. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động không chỉ giữa các ứng viên mà còn giữa con người với công nghệ. Khi ChatGPT mới ra đời, tôi và các đồng nghiệp trong nghề truyền thông không khỏi ngạc nhiên khi phần mềm này có thể soạn thảo nội dung, viết thông cáo báo chí, đề xuất ý tưởng…. một cách dễ dàng. Các công ty chỉ cần 1-2 nhân sự để tinh chỉnh lại những nội dung được ChatGPT sản xuất, và nhờ đó có thể cắt giảm nhân sự. Với nhiều người, thất nghiệp vì ChatGPT không còn là viễn cảnh xa xôi mà đã hiện diện ngay trước mắt.
Và cuối cùng, thế hệ trẻ ngày nay - như người ta vẫn gọi là Gen Z (sinh từ 1995 đến 2012), không dễ để định hướng một cách áp đặt, máy móc. Phụ huynh không thể ấn định một công việc phù hợp lên con cái khi Gen Z giờ đây có ý thức cao hơn về sự tự chủ và châm ngôn sống theo đuổi đam mê.
Với chị Hạnh, câu hỏi không chỉ đơn giản là "làm sao để chị hướng con theo nghề bác sĩ?" mà nên là "làm sao để chị có thể định hướng nghề nghiệp và tương lai cho con một cách hiệu quả?".
Từ góc độ một người trẻ, đã qua tuổi định hướng nghề nghiệp nhưng vẫn ở trong giai đoạn có thể lựa chọn công việc cho tương lai lâu dài, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên phụ huynh nên làm là bỏ bớt gánh nặng trên vai. Không phải buông bỏ hoàn toàn mà không nên tư duy rằng việc định hướng tương lai cho con là trách nhiệm của riêng gia đình. Các vị phụ huynh nên phối hợp với nhà trường, lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia trong lĩnh vực hướng nghiệp để đúc rút thông tin cần thiết và định hướng cho con em mình một cách phù hợp. Giới hạn của phụ huynh chỉ nên nằm ở mức "định hướng" thay vì ép buộc, vì ép buộc có thể dẫn đến phản tác dụng.
Trên thực tế, con đường từ nhà trường tới việc làm của mỗi học sinh không phải lúc nào cũng là một đường thẳng - bạn lựa chọn một ngành học phù hợp và sau đó bạn sẽ tiếp tục với công việc phù hợp với ngành học đấy. Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị du lịch, chuyển sang làm báo chí và học Thạc sĩ Truyền thông tại Mỹ. Đây không phải một điều quá mới mẻ ở bất cứ nền giáo dục nào. Theo tờ Washington Post số ra 20/05/2023, chỉ có khoảng 27% sinh viên Mỹ tốt nghiệp lựa chọn công việc liên quan tới ngành học ở bậc đại học.
Liệu đây có phải thất bại của việc hướng nghiệp? Khó có thể quy kết trách nhiệm cho ai khi xã hội hay thị trường lao động ngày càng biến động. Phụ huynh có thể cùng con nhìn vào một "bức tranh lớn", nhưng định hướng theo từng chặng để đảm bảo mọi sự thay đổi đều nằm trong tầm kiểm soát.
Một điều quan trọng được nhiều chuyên gia giáo dục nhấn mạnh là thay vì tập trung vào các công việc cụ thể, hướng nghiệp nên tập trung vào những nhóm kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21.
Hàng năm, nhiều tổ chức giáo dục lớn trên thế giới đều đưa ra báo cáo về những nhóm kỹ năng quan trọng cần thiết theo từng giai đoạn, trong đó có những nhóm kỹ năng gần như không thay đổi như: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng công nghệ, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học…. Công việc có thể thay đổi nhưng các kỹ năng nền tảng sẽ hỗ trợ đắc lực người trẻ trong nhiều môi trường khác nhau.
Đại dịch là một phép thử cho tầm quan trọng của việc định hướng kỹ năng cho người học. Nhiều người bạn trong ngành du lịch của tôi chuyển qua làm bảo hiểm, giáo viên tiếng Anh trong thời điểm Covid-19. Với khả năng giao tiếp, vốn tiếng Anh tốt rèn dũa trong nghề du lịch, nhiều người có thể chuyển công việc mà không gặp nhiều khó khăn. Thích nghi linh hoạt là một điều quan trọng với học sinh trong bối cảnh công việc như hiện tại.
Điều quan trọng nhất vẫn nằm ở chính học sinh khi cuối cùng, chính các em sẽ trở thành người học, người lao động và những tác động từ việc học, công việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống. Nói như vậy không có nghĩa các bậc phụ huynh "buông tay" con trong quá trình hướng nghiệp. Các con cũng mơ hồ về những công việc mới sẽ xuất hiện ở tuổi 30, vẫn còn phân vân giữa việc theo đuổi đam mê hay lựa chọn công việc "an toàn", hay vẫn chưa thể tự đánh giá năng lực của bản thân. Hơn lúc nào hết, việc hướng nghiệp cho con cái giờ đây trở thành một "cuộc chơi" nhiều bên, không chỉ của phụ huynh hay học sinh mà cần sự vào cuộc của nhà trường, xã hội, các chuyên gia, các doanh nghiệp….
Nếu như cách đây 20 năm, câu hỏi "lớn lên con muốn làm gì?" sẽ được đứa trẻ trả lời vanh vách với những công việc phổ biến như nhà báo, bác sĩ, luật sư. Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản ấy giờ đây không dễ có đáp án khi không ai biết 15 năm nữa, thế giới sẽ thay đổi như thế nào.
Sau hơn một giờ nói chuyện, chị Hạnh chấp nhận việc con mong muốn trở thành một streamer, nhưng chị biết cần làm gì để hỗ trợ hoặc định hướng con tốt hơn. Thằng bé sẽ không trở thành streamer ngay trong một vài tháng; quãng thời gian tới sẽ là lúc để chị Hạnh cho con hiểu hơn về nghề streamer, trò chuyện với những người trong nghề nếu có thể, cùng con đặt những câu hỏi về mức độ phù hợp nghề nghiệp, nhìn nhận đam mê của con trong một thời gian đủ dài….
Với tôi, đó là những điều cần làm để phụ huynh có thể hướng nghiệp con cái hiệu quả trong thế giới ngày nay.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!