Ngủ trước cổng trường tranh suất học cho con - rồi sao nữa?
Tìm suất vào lớp 10 cho con đang là câu chuyện nóng hơn bao giờ hết ở Hà Nội mấy ngày gần đây, khi hàng trăm phụ huynh phải thức xuyên đêm xếp hàng, thậm chí là ngủ trước cổng trường chờ sáng để nộp hồ sơ. Từ bao giờ mà việc học hành của con trẻ lại phải khổ sở như vậy!
Nhiều phụ huynh phải thất vọng ra về vì cánh cổng trường THPT Phan Huy Chú ở quận Đống Đa đã đóng lại chỉ sau nửa giờ mở cửa nhận hồ sơ. Bởi dù họ có đến sớm thì cũng không bằng những phụ huynh khác đã có mặt ở trường từ đêm trước.
Hàng trăm phụ huynh chen chúc đứng, ngồi đủ kiểu để chờ đợi, thậm chí là rải chiếu ngủ ngay trước cổng trường THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) hay xếp hàng xuyên đêm trước cổng trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa), chỉ để làm sao có thể là người sớm nhất mua được hồ sơ cho con mình có một suất học lớp 10 vào những trường này.
Đó là những hình ảnh đáng thương hơn đáng trách khi người làm cha mẹ, ai cũng có thể làm những gì tốt đẹp nhất cho con. Để rồi, những hình ảnh ấy khi lên mặt báo, lan truyền trên mạng xã hội, trở thành cảnh nhếch nhác liên quan đến môi trường giáo dục.
Trả lời chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô - ông Trần Thế Cương cho rằng: "Chỗ học ở Hà Nội không thiếu. Phụ huynh xếp hàng là muốn con vào trường tốt".
Ơ hay! Chả nhẽ muốn con vào trường tốt thì phụ huynh cứ phải xếp hàng xuyên đêm sao!
Được học ở trường công lập, nhất là những trường top trên là nguyện vọng chính đáng mà nhiều học sinh mơ ước. Trường công có mức học phí thấp, nhẹ gánh cho gia đình, nhất là dân nghèo. Thứ nữa là vì bề dày thành tích, uy tín về chất lượng đào tạo.
Thế nên chẳng có gì khó hiểu khi số thí sinh dự thi vào trường THPT công lập ở các quận trung tâm thường cao hơn các quận, huyện khác. Trong khi tỉ lệ chọi bình quân toàn thành phố chỉ 1/1,79 thì ứng tuyển vào các trường THPT công lập top trên, các em phải chấp nhận tỉ lệ chọi cao hơn nhiều, như PTTH Kim Liên(1/2,61), THPT Cầu Giấy(1/2,33), THPT Yên Hòa(1/2,28); THPT Phan Đình Phùng: 1/2,22; THPT Đống Đa 1/2,14… và sẵn sàng chấp nhận thua cuộc.
Nhưng, tỉ lệ 66,5% (tương đương 72.000) thí sinh được vào học công lập, có vẻ như vẫn chưa thỏa mãn sự kỳ vọng của phụ huynh về một nền giáo dục toàn dân mà ở đó, phần lớn học sinh được đảm bảo quyền học tập của mình trên tinh thần ưu việt nhất của một đất nước đã thoát khỏi ngưỡng thu nhập trung bình, đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng có uy tín trong khu vực và thế giới.
32.000 thí sinh trượt công lập, bằng cách này hay cách khác, rồi các em cũng sẽ tìm cho mình một chỗ thích hợp để học tiếp chương trình trung học tùy theo học lực và khả năng tài chính của gia đình. Bởi về lý thuyết, toàn thành phố còn hơn 100 trường THPT, hoặc THCS-THPT tư thục, Trường liên cấp quốc tế cùng 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên do các quận, huyện, thị xã quản lý đang thực hiện việc đào tạo phân luồng. "Việc đảm bảo có 60% học sinh được học công lập, còn lại 40% học sinh phải học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề cũng đã đáp ứng qui định của Luật Giáo dục"- ông Trần Thế Cương khẳng định.
Đành rằng, trong khối tư thục, Hà Nội cũng có một số trường được đầu tư bài bản, tiếp cận phương pháp giáo dục mới, có nhiều chương trình đào tạo tiên tiến như Toán- Tin nâng cao, hoặc dạy song ngữ Anh - Việt…đáp ứng nhu cầu của những gia đình có điều kiện, muốn con em mình được chuẩn bị tốt hơn cho những ước mơ dài, vào đại học danh giá hoặc đi du học nước ngoài.
Tuy nhiên, có lẽ đó không phải là sự lựa chọn tự nguyện của nhiều người. Đơn giản là vì mức học phí cao gấp nhiều lần so với trường công lập. Bình quân 3- 4 triệu/ tháng với chương trình THPT cơ bản theo quy định của Bộ GD-ĐT và khoảng 6-7 triệu đồng/ tháng với các chương trình nâng cao. Nhiều trường thu học phí trên 200 triệu đồng/năm học. Riêng chương trình quốc tế Mỹ tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia có mức học phí cao "ngất ngưởng" - trên 860 triệu đồng/năm học, áp dụng cho học sinh khối 12 theo học tại Mỹ. Với mức học phí này, thử hỏi, có bao nhiêu phần trăm gia đình đáp ứng được!
Trượt trường công, cánh cửa trường tư sẽ mở ra đón các em. Thế nhưng cái cách mà các trường tuyển sinh theo kiểu để phụ huynh phải xếp hàng chầu chực xuyên đêm, trông chờ vào sự may rủi; hay trở thành "con tin" của các trường khi buộc phụ huynh phải đóng tiền giữ chỗ cho con và chịu mất tiền nếu học sinh đầu quân sang trường khác, cho thấy cách ứng xử của các trường học với phụ huynh và học sinh sao mà trao đổi, tiền bạc và sòng phẳng quá!
Thực ra thì việc phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào các trường tư thục hay trường công lập tự chủ tài chính ở Hà Nội đã xảy ra từ nhiều năm trước. Điều khiến dư luận khó hiểu là vì sao cảnh chen lấn, xếp hàng giữ chỗ xuyên đêm, thậm chí là xô đổ cả cổng trường để tranh nhau nộp hồ sơ cho con vào các lớp đầu cấp xảy ra nhiều năm trước, gây bức xúc trong dư luận từ lâu, nhưng đến năm học này, Hà Nội vẫn để tái diễn, trở thành những hình ảnh xấu xí với mức độ trầm trọng hơn!
Thời buổi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy và học tập, quản lý giáo dục đã đơn giản, tiện lợi hơn nhiều, lẽ nào các trường học nói riêng và ngành giáo dục Hà Nội nói chung không nghĩ ra được một cách tuyển sinh nào hay hơn, văn minh, công bằng hơn là để cho phụ huynh phải đặt gạch giữ chỗ, xếp hàng xuyên đêm như vậy.
Quyền học tập của học sinh không thể chỉ trông chờ vào sự may rủi kiểu "ai tới trước được trước" mà phải là sự cạnh tranh công bằng về tri thức. Một khi công tác tuyển sinh THPT còn luộm thuộm kiểu này thì xem ra, nhiều trường học ở Hà Nội vẫn còn đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số mà lãnh đạo thành phố này đã nhiều lần đề cập.
Để phụ huynh không còn phải xếp hàng xuyên đêm tranh suất học công lập cho con, tôi nghĩ, ngoài việc chính quyền thành phố Hà Nội phải ưu tiên dành quỹ đất xây dựng thêm trường học ở các quận đông dân cư, tạo mặt bằng tương đối đồng bộ về chất lượng dạy và học giữa các trường, cả công lập và tư thục…thì ngành giáo dục Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh phân luồng, giáo dục hướng nghiệp.
Tuy nhiên, không phải là những lời khuyên hay cấm đoán học sinh không thi vào 10, mà phải bằng sự hấp dẫn của cách dạy học không quá nặng kiến thức hàn lâm; bằng sức hút của những mô hình trường học nông trại gắn với làng nghề truyền thống được triển khai tại Hà Nội, Bắc Ninh, Lâm Ðồng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… để học sinh tham quan, học tập và trải nghiệm. Từ đó các em biết cách định hình con đường đi tới của mình mà không nhất thiết cứ phải vào đại học như lâu nay.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!