Những đứa trẻ "mờ nhạt" sau điểm thi
Những kỳ thi vừa khép lại mở ra nhiều vui buồn…
Hôm qua, một người mẹ ở Hà Nội sau khi biết kết quả thi vào lớp 10 của con đã lên một diễn đàn tâm sự nỗi buồn của mình giữa hàng trăm dòng trạng thái khoe con đỗ của các phụ huynh khác. Con của chị đỗ nguyện vọng 1 trường công thuộc nhóm trường tốt nhưng trượt các trường chuyên. Và chị nói bản thân buồn hơn cả con, vừa muốn trách con vừa tự trách mình đã chủ quan, không đủ sát sao, không tìm đúng thầy, đến khi nhận ra sai lầm thì không còn thời gian để sửa chữa.
Người mẹ cũng kể rằng, với con trai đầu, chị gần như không phải quan tâm gì. Con "học nhẹ nhàng mà vẫn đỗ chuyên tin".
Bên dưới bài chia sẻ của chị, nhiều người động viên, cũng nhiều người phê bình rằng chị muốn con học chuyên mà đường đi nước bước đều sai. Không một ai hỏi đứa trẻ đang ra sao, việc thi chuyên có phải là nguyện vọng thực sự của con không. Cũng không ai nói cho người mẹ biết rằng, việc con chị đỗ nguyện vọng 1 đã là thành quả tốt đẹp của quá trình học tập rồi.
Trong câu chuyện của những người mẹ, người cha trên diễn đàn về giáo dục lớn bậc nhất Hà Nội, với hàng trăm nghìn thành viên, hình ảnh đứa trẻ hiện lên thật mờ nhạt. Chỉ có sự lao tâm khổ tứ của cha mẹ; có sự đình đám của các trung tâm luyện thi, thầy cô luyện thi; có sự danh giá của những ngôi trường mà con đang học và muốn vào học. Và rất nhiều sự tung hô dành cho phụ huynh có con đạt thành tích xuất sắc. Mọi người xin "vía" học giỏi, xin bí quyết học ở đâu, học thầy nào, học những gì. Đứa trẻ thành "ông bình vôi" - một nhân vật được tôn sùng nhưng không có tiếng nói thực sự.
Tôi không có dữ liệu thống kê để kết luận về "đa số" hay "thiểu số", nhưng tôi thường gặp các cha mẹ nói con học "nhàn", học "nhẹ nhàng". Ít khi gặp những phụ huynh lên mạng nói con học hành vất vả. Càng hiếm hoi cha mẹ nói con học khổ.
Họ chia sẻ nhiều về những địa chỉ ôn thi, về môn gì ôn thầy nào, về sự thích thú say sưa học tập của con và giấu nhẹm đi không kể - hoặc không nhìn thấy để kể - về những mệt mỏi, căng thẳng của những ngày học kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ, những buổi học thêm ở trung tâm đến 9, 10 giờ đêm. Rồi họ kết luận tỉnh bơ với xung quanh: "Cháu học nhẹ nhàng mà vẫn đỗ".
Dường như, khái niệm vất vả, cực khổ là cấm kỵ trong học tập. Các bậc cha mẹ thường không thấy, hoặc thấy mà giấu đi, phủ nhận sự tồn tại của nó để chứng minh sự tiến bộ, văn minh của chính mình trong việc nuôi dạy con cái. Trong quá trình ấy, họ vô tình phủ nhận luôn công sức học tập của con.
Không rõ từ khi nào, việc học được gắn với vui. Kiểu như học mà chơi, chơi mà học. Đương nhiên, không gì tuyệt vời hơn việc học trong vui vẻ. Nhưng học trong vui vẻ không có nghĩa là "nhàn" hay "nhẹ nhàng".
Một đứa trẻ dành cả ngày để say sưa giải toán, viết văn hay dịch sách tiếng Anh đến quên ăn quên ngủ vẫn vui. Nhưng có "nhàn" không khi đầu óc phải tập trung tư duy trong một quãng thời gian dài như vậy, với cường độ cao như vậy? Hẳn cha mẹ có thể nhận biết nếu quy chiếu vào chính bản thân mình.
Chưa kể, học và thi là hai công việc khác nhau. Thi là một cuộc đua, có người thắng kẻ thua. Người muốn thắng bắt buộc phải nỗ lực. Nỗ lực thì càng không thể "nhàn" hay "nhẹ nhàng", trừ những cá nhân đặc biệt, độc đáo. Cá nhân đó ở bất kỳ đâu cũng ít ỏi.
Thi thoảng, tôi vẫn nghe cha mẹ nào đó mắng con: "Chỉ mỗi ăn với học mà cũng không nên hồn". Với người cha, người mẹ đó, việc học được mặc định là nhàn hạ, dễ chịu. Họ thấy con trẻ sáng đi học chiều về nhà như thể con đến nơi hưởng thụ mà không thấy những giờ học liên tiếp, 40 phút đến 90 phút tùy cấp học, phải ngồi tập trung, ghi chép, lắng nghe, giải bài. Đôi khi mệt mỏi, chán nản vẫn phải tuân thủ. Đôi khi bất lực vì không hiểu bài hay không làm được bài mà không thể chia sẻ. Đôi khi đau buồn, căng thẳng mà không có quyền nghỉ ngơi như người lớn vẫn viện cớ nghỉ việc.
Bọn trẻ ngày ngày phải đến lớp, gắng sức học và thực hiện những nhiệm vụ thầy cô, cha mẹ giao với rất nhiều quy định, nguyên tắc. Làm gì có cuộc chơi nào mà như vậy?
Mọi cha mẹ đều đã từng là những đứa trẻ, phần đa cũng đã trải qua tuổi học trò. Nhưng đoạn kí ức về học tập của người lớn dường như đứt quãng khi con cái họ đến tuổi đi học. Chúng ta thường quên mất bản thân đã nhọc nhằn như thế nào với mỗi nhiệm vụ học tập khó khăn, quên việc chúng ta từng đau đầu với bài văn khó, với bài toán phương trình bậc 3, với bài tập ngữ pháp tiếng Anh "hack" não.
Chúng ta quên cả những điểm 6 điểm 7 ở môn học không phải thế mạnh, quên những giờ thể dục căng thẳng và xấu hổ khi nhảy nhiều lần không qua được mức xà đầu tiên. Chúng ta quên cả những kỳ thi thất bại về mục tiêu. Để rồi nếu như con chúng ta không làm được, ta hồn nhiên mắng mỏ: "Chỉ có ăn với học mà cũng không làm nổi".
Cũng như người lớn, trẻ con cần được ghi nhận. Chúng không chỉ cần ghi nhận về sự thông minh. Lời khen thông minh chỉ làm chúng vui trong chốc lát. Chúng cần được ghi nhận về sự chăm chỉ, nỗ lực; cần được ghi nhận về công sức lao động trong học tập - một công việc không được trả lương, không được thỏa thuận, không được nghỉ phép theo mong muốn cá nhân, chỉ có tăng về KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) mà không có giảm.
Nếu nhìn thấy công sức lao động của con trong học tập, cha mẹ sẽ quý trọng hành trình mà con đã đi, sẽ nâng niu những gì con thu lượm được trong hành trình ấy thay vì chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng mà sung sướng, tự hào hay đau buồn, trách móc.
Cha mẹ là người đồng hành của con, không phải người hâm mộ phong trào đứng ngoài cổ vũ, hò reo xếp hàng dài bên đường chào đón đội tuyển từ sân bay mỗi khi thắng và vứt cờ bỏ về mỗi trận thua.
Sau mỗi trận bóng, dù thắng hay thua, các cầu thủ cũng muốn được cổ động viên ghi nhận sự nỗ lực của họ. Điều họ sợ nhất là bị khán giả phủ nhận và quay lưng. Với con trẻ, sau mỗi cuộc thi, điều đáng sợ nhất có lẽ không phải là trượt mà là bị cha mẹ phủ nhận và quay lưng.
Tất cả những gì bọn trẻ đã làm, công sức đã bỏ ra, kiến thức đã thu lượm, và thậm chí là kết quả nguyện vọng 1, nguyện vọng 2… đều trở nên vô giá trị khi chúng không đỗ nguyện vọng của cha mẹ.
Khi chúng ta có thói quen nhìn vào kết quả, đánh giá một con người bằng kết quả, chúng ta đang chung tay tạo nên một nền giáo dục trọng thành tích, coi nhẹ thực học. Khi chúng ta có thói quen tung hô những đứa trẻ học nhẹ nhàng mà vẫn xuất sắc, chúng ta đang chung tay tạo nên một xã hội lao động lười biếng với những người thích việc nhẹ lương cao.
Quan trọng nhất là, đứa trẻ không còn niềm tin vào bản thân, không tin vào sự chăm chỉ, nỗ lực mà lệ thuộc vào những gì trời cho, vào cha vào mẹ, thầy cô, trường lớp, môi trường hoàn cảnh.
Và lớn lên, chúng lại gia nhập vào thế giới những người lớn có tiêu chuẩn kép với vô vàn quan điểm, nhận định đầy mâu thuẫn: Trẻ học nhiều thì kêu mất tuổi thơ, trẻ thi trượt thì chê lười học; muốn đỗ trường chuyên, lớp chọn, đại học tốp đầu nhưng không muốn học hành vất vả; muốn giàu có nhưng không muốn lao động nhọc nhằn; muốn có kỹ năng tốt nhưng coi nhẹ việc luyện tập kiên trì; muốn thành công nhưng trọng mánh khóe, mẹo vặt, "kỹ năng mềm" hơn người khổ luyện thành tài.
Hãy trân trọng công sức con cái chúng ta đã bỏ ra cho việc học hành và cho mỗi kỳ thi. Người lớn ghi nhận điều gì, con trẻ sẽ biết điều đó có giá trị. Một đứa trẻ được ghi nhận ở kết quả có thể sẽ không đạt được thêm những kết quả mới. Nhưng một đứa trẻ được ghi nhận ở quá trình thì luôn biết cách để hôm nay tốt hơn hôm qua.
Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!