Tâm điểm
Bích Diệp

Lỡ như… trượt nguyện vọng lớp 10!

Dịp hè này, chúng tôi chuẩn bị cho chương trình hội khóa trường chuyên của tỉnh. Bước ra khỏi ghế nhà trường phổ thông sau gần 20 năm, chúng tôi giờ đây mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Có người từng càn quét mọi bảng thành tích nay lựa chọn cuộc sống bình thường với một công việc bình thường nhưng an yên, vui vẻ. Lại có cá nhân từng rất trầm lắng nhưng hiện tại đã tạo dựng được sự nghiệp riêng, tên tuổi phủ khắp các mặt báo.

Thật dễ dàng để nhận ra, những nỗ lực trong 3 năm học phổ thông dù rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định đến con đường, đến thành công hay thất bại của mỗi chúng tôi trong thời điểm hiện tại - khi tất cả đã ở độ tuổi trưởng thành.

Lỡ như… trượt nguyện vọng lớp 10! - 1

Thí sinh thi vào lớp 10 tại một điểm thi ở TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long).

So với thế hệ chúng tôi trước đây, học sinh ngày nay dù bối cảnh đã đổi khác nhiều nhưng có vẻ như áp lực vào "trường điểm" không hề giảm đi, thậm chí còn khốc liệt hơn. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đã kết thúc, một số địa phương bắt đầu công bố điểm thi. Bên cạnh những niềm vui vỡ òa, đâu đó sẽ là những giọt nước mắt tiếc nuối và thất vọng. Ở bài viết này, tôi chỉ mong rằng, với những bạn trẻ nếu chẳng may không đạt được nguyện vọng vào "trường tốt", các em sẽ sớm vực dậy tinh thần, "thua keo này bày keo khác". Thất bại đầu đời dẫu đau đớn nhưng không có nghĩa rằng mọi cơ hội đã khép lại. Đừng để cảm giác tuyệt vọng xâm lấn!

Tôi có một vài người bạn không học trường chuyên, cũng không xuất phát từ những gia đình "có điều kiện". Một người học ở trường cấp 3 một huyện miền núi, rất thầm lặng, nhưng sau đó lên đại học đã trở thành sinh viên xuất sắc với điểm tổng kết toàn phần trên 9 trước khi tiếp tục ra nước ngoài nghiên cứu và làm việc. Một người bạn khác thậm chí không đỗ vào trường công lập, phải học hệ bán công (vào thời đó là sự thất vọng ghê gớm), nay bạn đã là nhà sáng lập của một trong những công ty khởi nghiệp cận kỳ lân, chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Cũng có người bạn đậu trường chuyên cùng lứa chúng tôi chẳng may rơi vào nhóm "đậu vớt", trượt đại học nguyện vọng 1 dù đạt 27 điểm/3 môn, nhưng nay bạn đã hoàn thành xong chương trình tiến sĩ ở nước ngoài và đang tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ ở Bắc Âu.

Tôi không thể phủ nhận các trường điểm thường sẽ có tỷ lệ học sinh đậu đại học cao, đào tạo được nhiều nhân tài cho xã hội - bởi thực tế, đầu vào của trường đã là những học sinh xuất sắc. Tuy nhiên, không thể hoàn toàn dựa vào trường học để khẳng định về sự thành đạt hay mức độ cống hiến cho xã hội của mỗi cá nhân sau này. Vào được trường học như nguyện vọng của bản thân là điều đáng mừng, nhưng nếu trượt thì vẫn còn những lựa chọn khác. Cá nhân tôi đánh giá, ở nơi nào truyền thụ kiến thức, mang lại thái độ sống tích cực cho học sinh, đó đều là những ngôi trường tốt!

Ba năm học phổ thông đặt trong tổng thể quá trình trưởng thành của đời người là rất ngắn, chưa thể khẳng định được điều gì. Sau 3 năm đó, bên cạnh những người bứt phá đi lên cũng sẽ có người trượt dốc - điều đó phụ thuộc vào nội lực, vào ý chí của từng cá nhân.

Mấy năm trước có một bộ phim thu hút quan tâm của giới trẻ, trong đó đề cập đến sự trưởng thành của một nhóm 3 người bạn: Một người học hành "làng nhàng" nhưng có năng khiếu điêu khắc, hội họa, được gia đình ủng hộ nên sau đó đã rất thành công, đạt được thành tựu với lĩnh vực mình theo đuổi; một người là diễn viên nhí nổi tiếng nhưng vì "chín ép" nên đã tuột dốc và thất bại; một người là học sinh top đầu của lớp, bị phụ huynh bắt ép thi vào trường không phù hợp, sau này phải mất rất nhiều thời gian để xác định và làm lại cuộc đời. Thực tiễn cuộc sống cũng có vô vàn ví dụ như vậy.

Xã hội vận động và thay đổi không ngừng. Những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều ngành nghề mới, nhiều loại hình công việc mới mang lại giá trị, lợi ích cho xã hội. Thậm chí, có những vị trí công việc mà nếu như quay lại 5 hay 10 năm về trước, chúng ta rất khó hình dung. Theo đó, khi phụ huynh - những người lớn chấp nhận thay đổi quan niệm về thành công, thay đổi sự đánh giá về mức độ thành đạt, thay đổi cái nhìn về những con đường dẫn đến thành công… thì có thể, lớp trẻ sẽ tránh được nhiều áp lực mang tính "định kiến", "áp đặt" không đáng có, đạt được tự do trong bộc lộ năng khiếu, sở trường. Tôi tin rằng, xã hội vì thế cũng sẽ tốt lên.

Hồi tháng trước, tôi có dịp gặp và trò chuyện với một phụ nữ lớn tuổi. Cô than thở với tôi rằng bản thân là người nhà của một vị lãnh đạo nhưng đang gặp khó khăn khi tìm cách "tác động" để xin cho con vào một vị trí công việc. Người phụ nữ khoe về bằng cấp, về những ngôi trường mà gia đình đã cho con theo học nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến sở trường hay nguyện vọng của con là gì. Còn tôi thầm nghĩ: "Xã hội có bao nhiêu công việc đang cần người cống hiến, nếu có năng lực thì thiếu gì việc để làm!".

Lỡ như… trượt nguyện vọng lớp 10! - 2

Kỳ thi vào lớp 10 trở thành cuộc đua căng thẳng với học sinh trên cả nước (Ảnh minh họa).

Tôi thực sự hy vọng rằng, trong một xã hội tiến bộ, các bậc phụ huynh sẽ dần gác sang một bên những kỳ vọng mang tính chất "khoe thành tích" và lắng nghe hơn nguyện vọng thực sự của con cái. Thậm chí là, hãy nên coi việc con cái chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, THPT là điều bình thường. Nếu đã có định hướng nghề nghiệp từ sớm, nếu đã xác định rõ đam mê, sở thích phù hợp với năng lực, tôi tin rằng, những đứa trẻ đó sẽ trở thành những người có ích sau này. Thực tế ngày nay, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng nhận sinh viên/học viên trường nghề đến học thực hành; hỗ trợ thiết bị, máy móc hiện đại để trường dạy thực hành sát với thực tế sản xuất. Bởi với tư duy của doanh nghiệp, họ đánh giá cách tiếp cận này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian đào tạo lại. Như vậy, có phải là xã hội sẽ bớt đi đáng kể tình trạng tiêu cực "chạy việc", "chạy chỗ", sẽ giảm được một bộ phận không nhỏ nhân viên "cắp ô" trong các đơn vị Nhà nước hay không!

Thay vì cứng nhắc cho rằng, phải có được một suất học ở các trường điểm (thậm chí là can thiệp tiêu cực để giành chỗ) thì hãy nghĩ thoáng ra để có những kế hoạch rõ ràng hơn cho tương lai phía trước. Sự học, nói cho cùng là chuyện cả đời, đâu chỉ là gói gọn trong 3 năm mà xong được! Nên, nếu lỡ như có trượt nguyện vọng vào lớp 10, thì nguyện vọng được tiếp tục học tập, phấn đấu, nguyện vọng theo đuổi ước mơ của các bạn trẻ vẫn còn nguyên vẹn, không hề có cánh cửa nào hoàn toàn đóng sập lại cả!

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!