Nữ Giáo sư Toán học không cho cháu đi học thêm
Khi nhà nhà người người đổ xô đưa con đi học thêm, mẹ tôi, Giáo sư Toán học Hoàng Xuân Sính nhất mực yêu cầu: "Không phải đi học thêm, có gì khó, bà sẽ giúp".
Câu chuyện bắt đầu từ đó.
Gần đây dư luận lại rộ lên bàn luận về việc dạy thêm học thêm, có đại biểu Quốc hội so sánh việc thầy giáo đi dạy thêm giống như bác sĩ được mở phòng khám riêng. Đồng thời, đề nghị dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nói đến điều này, lại làm tôi nhớ lại những câu chuyện bước ngoặt đầy tính… lịch sử của gia đình tôi.
Tôi chỉ có một đứa con gái duy nhất. Ban đầu, tôi cũng bị cuốn vào câu chuyện học thêm, cũng lo lắng như nhiều phụ huynh khác, không dám ngược dòng, chỉ sợ không học thêm thì con bị cô lập, bị đuối.
Thấy cháu đi học thêm vất vả sớm tối, mẹ tôi, Giáo sư Toán học Hoàng Xuân Sính đã hỏi: "Tại sao mới học tiểu học đã học thêm rồi?". Bà nhiều lần nói đi nói lại với tôi câu chuyện đó và kiên định: "Không phải đi học thêm, có gì khó cứ bảo bà, bà sẽ giúp". Tuy nhiên, thực tế câu chuyện lại không hề đơn giản như mẹ tôi vẫn đoan chắc.
Khi đó, cô giáo lớp con gái tôi ra đề kiểm tra trên lớp là các dạng đề được dạy ở lớp học thêm. Nếu không đi học thêm thì con không làm được bài. Có lần, cháu bị cô giễu trước lớp: "Cháu của Giáo sư Toán học mà không làm được bài". Tình huống đó, một lần nữa đặt gia đình tôi đứng trước hai sự lựa chọn, một là cho cháu đi học thêm, hai là phải tìm… lựa chọn khác.
Khi còn chưa kịp lựa chọn đi theo hướng nào, một ngày, con gái tôi mang về một bài toán ở lớp học thêm. Tôi không thể giải nổi, nhớ lại lời mẹ dặn, tôi đưa bài toán đó cho bà cháu.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, Giáo sư Sính mang đề Toán đó đến trường để các thầy cô trong khoa cùng tìm cách giải phù hợp cho học sinh tiểu học (khi đó mẹ tôi là chủ nhiệm bộ môn Đại số tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Các thầy cô ở Đại học Sư phạm Hà Nội cũng lắc đầu, "khó quá". Là người soạn sách giáo khoa ở cả bậc đại học và phổ thông, GS Sính thấy rằng, dạng Toán đó không giúp ích cho tư duy và không dành cho việc tăng thêm kiến thức của mọi đứa trẻ. Đó là dạng Toán kích thích sự chinh phục của những học sinh siêu giỏi.
Con tôi bị trầm cảm. Cuối cùng, chúng tôi đã đưa ra lựa chọn, không đi học thêm mà chuyển ra một ngôi trường ở ngoại ô. Ở môi trường mới, các cháu phần nhiều ở gia đình không có điều kiện về kinh tế, nên không cho con đi học thêm. Con tôi thoải mái tâm lý, nhanh chóng trở thành học sinh giỏi và hạnh phúc.
Lên cấp 2, cháu học ở một trường điểm của thành phố. Cháu cũng học rất nhiều. Một hôm, con tôi về bảo bố: "Nếu học như thế này thì chắc con phải bỏ học piano".
Con gái tôi có 2 năng khiếu là vẽ và đàn. Con nói thế khiến tôi rất tiếc và buồn.
Tôi trò chuyện với một anh bên Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội. Anh nói, một đứa trẻ vào các trường chuyên thì phải có năng khiếu về toán, văn, lý, hóa... nổi trội. Nếu con có năng khiếu về đàn piano, vẽ thì nên phát huy cho con, không nên ép con học các môn mà con không có đam mê.
Tôi cũng đồng quan điểm và rút con ra khỏi trường chuyên, lớp chọn để về một ngôi trường bình thường. Ở ngôi trường mới, con vẫn là học sinh giỏi, lại vẫn theo đuổi được đam mê. Cho đến bây giờ, tôi thấy đó là lựa chọn đúng đắn. Con tôi đã được phát triển toàn diện.
Tôi nhận ra rằng, nhiều phụ huynh ở Việt Nam đang có tâm lý chạy đua, phong trào cho con "học ngày cày đêm" để vào các trường chuyên, lớp chọn mà không biết con có đam mê, có yêu thích hay không. Đứa trẻ bị ép học và chúng phải hy sinh nhiều thứ; nhiều đam mê, sở thích phải bỏ.
Mẹ tôi luôn giữ quan điểm là không cho cháu học thêm. Cháu chỉ đi học thêm, mở mang thêm kiến thức tiếng Anh, vẽ, đàn và bơi. Tuy nhiên, học thêm tiếng Anh cũng có hai lựa chọn: một là học để thi đỗ các kỳ thi vào trường chuyên, đặt nặng về ngữ pháp và hai là học đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Chúng tôi đã lựa chọn phương án hai.
Con tôi không đi học thêm nên cháu buộc phải tự xoay xở bằng cách tự học, lên kế hoạch với việc học ở lớp và ở nhà. Trong suốt những năm cấp 2 con tôi vẫn giữ được danh hiệu học sinh giỏi, được nhà trường vinh danh.
Tôi nhớ như in trong một buổi họp phụ huynh, cô giáo có nói: Trường không ép đi học thêm, nếu phụ huynh muốn được cô dạy thêm thì phải làm đơn đề xuất nguyện vọng. Thế là cả lớp không ai không ký.
Việc đã hình thành ở trong đầu nhiều bậc phụ huynh nhiều năm nay là tâm lý: Học sinh giỏi là học sinh đã được "cày" ở "lò" của các thầy cô giỏi. Tới nỗi, một phụ huynh còn gặp riêng tôi hỏi: Anh cho con đi học trung tâm nào để tôi cho con đi.
Tất nhiên tôi không dám đưa ra lời khuyên với bất cứ ai vì mỗi gia đình một hoàn cảnh. Nhất là, trong gia đình, mẹ tôi lại là người rất kiên định và… thường xuyên đúng.
Tuy nhiên có một thực tế, ở Việt Nam, bậc tiểu học, trung học cơ sở, trong học phổ thông, phụ huynh đầu tư cho con học nhiều, nhưng khi vào đại học rồi thì thôi. Đó là tâm lý rất nguy hại.
Tâm lý chung, một học sinh được gọi là giỏi khi các em giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa lý... nhưng các kỹ năng mềm, sự vận động, thể thao lại thiếu và yếu. Thời gian học thêm đã triệt tiêu năng lực của học sinh. Nó triệt tiêu sự tò mò, tìm hiểu của một đứa trẻ.
Trước đây, mẹ đã cho tôi đi học nhạc, học bơi, lớp 5 tôi đã có thể bơi được cả cây số. Bởi mẹ tôi biết, việc học bơi quan trọng vô cùng với sự sinh tồn của một con người.
Học thêm quá nhiều, đâu đó sẽ triệt tiêu khả năng tự học của một đứa trẻ, khiến chúng bị lệ thuộc vào việc có người hướng dẫn, làm theo những dạng thức được "cày đi cày lại". Áp lực học hành quá nhiều dẫn tới việc các cháu sẽ chán học. Rất nhiều học sinh khi đỗ vào đại học là buông. Các em không muốn học. Trong khi đó, đại học là bậc học tối quan trọng trước ngưỡng cửa vào đời.
Nhiều bậc phụ huynh cũng vậy. Họ bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc đầu tư cho con cái ở các bậc phổ thông, nhưng đến đại học là "buông", cảm thấy "hoàn thành trách nhiệm", bởi "vào đại học thì kiểu gì cũng có bằng và ra được trường".
Điều này để lại rất nhiều hệ lụy và các trường đại học phải gánh hậu quả nặng nề. Trường đại học phải làm thế nào để một sinh viên sau ít nhất 4 năm học có thể trưởng thành, ra trường vững vàng, kiếm được tiền, phục vụ xã hội.
Trong khi đó, không ít sinh viên khi vào được đại học là có tâm lý "xả hơi". Chuyện sinh viên cả kỳ học lơ là và chỉ chạy nước rút khi tới kỳ thi không có gì lạ lẫm. Các em mong được thầy cô ra đề thi dễ, nếu khó quá, thì nảy sinh tâm lý "chạy", "mua điểm". Ai cũng biết, điều này là vô cùng có hại cho chính các em và mở rộng ra là tương lai của đất nước.
Chính vì vậy, ở Đại học Thăng Long nơi tôi công tác lâu nay đề ra phương châm là "học thật, thi thật". Việc này thực sự là áp lực với trường vì ai cũng thích sự an nhàn. Nhưng rất mừng, xã hội luôn hướng tới điều tốt đẹp. Rất nhiều phụ huynh đã ủng hộ vì như vậy thì con họ sẽ được học thật. Ra ngoài cuộc sống rất khắc nghiệt, sinh viên không được trang bị tốt sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi" ngay.
Học thật ở đây nghĩa là học rất nhiều thứ, học chuyên môn, học kỹ năng, học cách làm việc đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Thi thật là điều bắt buộc để sinh viên tự đánh giá được năng lực của mình. Bởi ra ngoài xã hội sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều các cuộc thi trong nhà trường. Cuộc thi ở ngoài xã hội là một mất một còn, có khi giữa hàng chục, hàng trăm ứng viên, nhà tuyển dụng chỉ lựa chọn duy nhất một người.
Việc đào tạo khắt khe sẽ giúp các sinh viên rất tự tin trong các kỳ thi tuyển chọn nhân sự. Phụ huynh cũng muốn con mình được đào tạo bài bản, khốc liệt để có thể vượt qua được những gì va chạm ngoài xã hội.
Xã hội yêu cầu nhiều thứ hơn là những thứ ở trong điểm số học bạ. Chính vì vậy, tôi tin rằng, chúng ta cần quan tâm tới con mình ở nhiều lĩnh vực, thay vì chỉ ở điểm số trong học bạ. Hãy làm cho trẻ có niềm yêu thích với việc học, có khả năng tự học suốt đời, biết việc học ở bậc đại học là việc rất quan trọng trước khi "lao vào đời kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội".
Khi chúng ta có con, sự kết hợp của phụ huynh với hệ thống đào tạo của một đất nước là một sự tìm tòi, nghiên cứu rất cẩn thận. Phụ huynh phải biết điểm mạnh, yếu của con mình để định hướng cho con một con đường tốt nhất, đừng theo xu hướng. Vì con em mình, các vị phụ huynh hãy dám vượt qua và đừng đổ lỗi.
Tác giả: Kỹ sư Trương Ngọc Kim là Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thăng Long. Ông là con trai của GS.TSKH Hoàng Xuân Sính, người thành lập trường Đại học này.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!