5 đề xuất với vấn đề dạy thêm, học thêm
Trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề dạy thêm, học thêm một lần nữa trở thành chủ đề thảo luận của đại biểu và lãnh đạo ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho hay Bộ đã có rất nhiều quy định liên quan, bao gồm thông tư 17 kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ nhà trường, rồi các quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường...
Tuy nhiên với môi trường ngoài nhà trường thì đang thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát.
Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa dạy thêm vào danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư. "Nhưng không rõ lý do tại sao từ năm 2020, 2021 việc này không được chấp thuận", ông Sơn nói, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm bên ngoài 53.000 trường học trên cả nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy của Thái Bình cũng đồng tình với kiến nghị này.
Vấn đề dạy thêm, học thêm ở ta đã được bàn luận từ nhiều năm nay mà chưa có giải pháp triệt để, theo tôi, có lẽ vì thiếu giải pháp xử lý tận gốc rễ vấn đề.
Vì vậy, việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể cần thiết trên góc độ tạo hành lang pháp lý để quản lý lĩnh vực này ngoài nhà trường, tức là ở các cơ sở, các trung tâm dạy thêm. Nhưng nếu hỏi rằng giải pháp này tác dụng đến đâu, tôi cho rằng vẫn chưa thể đưa mọi chuyện vào nền nếp như chúng ta mong muốn.
Thực tế hiện nay nhiều học sinh đang phải chịu gánh nặng rất lớn vì phải học "ba ca" mỗi ngày, phụ huynh thì quay cuồng đóng tiền và đưa đón con đi học thêm ngoài giờ, cuối tuần. Và đây đó vẫn tồn tại tình trạng giáo viên "ép" học trò của mình học thêm như báo chí và dư luận đã phản ánh.
Tất nhiên ở đây không loại trừ trách nhiệm của gia đình, của phụ huynh khi quyết định cho con mình đi học thêm vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do rất chính đáng là củng cố, bổ sung kiến thức của con trước áp lực cạnh tranh rất lớn của môi trường giáo dục cũng như thị trường lao động. Do vậy trước hết cha mẹ cần xem xét việc học thêm của con mình sao cho hợp lý. Nhưng không thể không nói đến các giải pháp nhìn từ ngành Giáo dục.
Chúng ta hoàn toàn hiểu được rằng dạy thêm, học thêm tự nguyện hoàn toàn không có gì sai và xấu. Nhưng dạy thêm "ép uổng", trá hình bằng "đơn tự nguyện", không học thì trù dập học trò, rồi chạy theo học thêm để "học tủ, thi tủ"… là những tồn tại cần dẹp bỏ thẳng tay.
Tôi xin nêu 5 giải pháp, có những nội dung đã được nêu trước đây song xin hệ thống lại dưới góc độ đây là những việc có liên quan đến nhau:
Thứ nhất, về phần giáo viên, để họ an tâm công tác và không lăn tăn về đời sống thì cần nâng lương, tăng thu nhập cho họ đủ sống. Đây là giải pháp quan trọng nhất sẽ giúp cho ngành Giáo dục giữ chân được giáo viên giỏi, tuyển thêm người có năng lực, cũng như thu hút sinh viên tài năng vào đại học sư phạm. Nhìn sang Campuchia, chúng ta thấy những năm gần đây nước bạn cũng đang tích cực cải thiện thu nhập cho giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học lên đáng kể.
Thứ hai, khi đã nâng lương cho giáo viên các trường công đủ sống, thì hoàn toàn có thể nghiêm cấm họ dạy thêm thu tiền của học sinh dưới mọi hình thức. Việc dạy thêm sẽ chỉ là một công việc của nhà trường và thầy cô cần làm trong khuôn khổ trách nhiệm của mình, nhằm nâng cao năng lực học tập cho học sinh.
Nhà trường có ngân khoản riêng từ ngân sách trong tỷ lệ hợp lý để chi trả cho việc tổ chức dạy thêm này. Học sinh sẽ được học thêm miễn phí khi quá trình học tập có vấn đề. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm theo cách thức này.
Thứ ba, dạy thêm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu như người đi dạy thêm hoàn toàn là giáo viên cơ hữu của các cơ sở, trung tâm dạy thêm hoặc của các trường tư mà không liên quan gì tới trường công. Học sinh được quyền đi học thêm ở ngoài nhà trường tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của gia đình.
Các giáo viên trường công khi hưởng lương cao thì tuyệt đối không tham gia dạy thêm và tuyệt đối không được tuồn đề cương hay bán bài giảng cho các trung tâm bên ngoài. Hàn Quốc đã đưa ra quy định này khi phát hiện tình trạng giáo viên trường công tuồn bài giảng hay đề cương ra các trung tâm dạy thêm nhằm kiếm tiền học sinh vô tội vạ. Họ đã tiến hành điều tra và tuyên bố nếu giáo viên nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật định.
Thứ tư, các kỳ kiểm tra và các kỳ thi nên được báo trước cho học sinh từ 6 tháng đến một năm, đây là cách ngành giáo dục các quốc gia tiên tiến trên thế giới vẫn làm lâu nay.
Tất cả các bài thi không mang tính chất đánh đố, chủ yếu là đề thi mở hay trắc nghiệm, các bài tự luận.
Những kỳ thi nào cần thì giữ, nếu không cần thì bỏ, sao cho học sinh chỉ cần học tốt các môn trên lớp hàng ngày và đủ điểm đạt trở lên là được.
Một số kỳ thi có thể thì cho học sinh được quyền thi sớm trước vài tháng hay thậm chí vài năm và có thể thi bao nhiêu lần cũng được, miễn tới ngày cần nộp điểm và đủ điểm là được.
Ví dụ Mỹ có kỳ thi ACT và SAT (các bài kiểm tra học sinh trung học nhằm đánh giá năng lực vào đại học), học sinh có thể chọn một trong hai và có thể thi từ cấp 2 trở đi lúc nào cũng được, thi bao nhiêu lần cũng được. Khi thi xong có thể cộng điểm từng môn trong các lần thi tốt nhất để có điểm cao nhất.
Nếu kỳ thi ACT có điểm nào trong các môn thi đã tốt rồi thì học sinh được giữ lại điểm môn đó, khỏi cần thi lại, chỉ cần thi lại các môn khác mình muốn nâng điểm.
Các đề bài luận văn đại học của Mỹ cho trước một năm và từ đợt dịch Covid tới nay cho trước 2 năm. Học trò nào thích vào mạng lấy về làm trước thoải mái.
Thứ năm, các sách giáo khoa và sách tham khảo tuân theo khung chương trình chung của nhà nước, nhưng có nhiều lựa chọn cho học sinh.
Làm được 5 cách trên, thiết nghĩ thầy cô sẽ không phải đổ lỗi cho phụ huynh ham chạy đua cho con học thêm, cha mẹ cũng khỏi nhức đầu vì chuyện con mình bị "ép" học thêm. Vì mọi thứ sẽ trở về trạng thái tự nhiên và cân bằng cung - cầu.
Nếu chúng ta không quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, mà chỉ dùng một, hai giải pháp đơn lẻ, thì mọi chuyện sẽ lại đâu vào đó, vừa mất thời gian, lại tốn công sức.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!