Những ngày vui của hạt gạo Việt Nam
Hạt gạo và người trồng lúa ở Việt Nam đang trong những ngày vui. Niềm vui thứ nhất, mới đây gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023.
Niềm vui thứ hai là về sản lượng và giá xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất lúa gạo Việt Nam đã đạt mức cao trên thế giới, tăng từ 4,88 tấn/ha năm 2008 lên 6,07 tấn/ha năm 2023.
Mỗi năm chúng ta xuất khẩu trung bình trên 6 triệu tấn, riêng 11 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn gạo với giá trị 4,4 tỷ USD. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt tại các thị trường, từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ tới châu Phi.
Không chỉ tăng sản lượng sản xuất, giá gạo của Việt Nam cũng tăng lên cùng với chất lượng gạo. Giá bình quân xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.
2023 là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới. Giai đoạn trước năm 1986 Việt Nam từng phải nhập khẩu gạo, sau đó nhờ thực hiện công cuộc Đổi mới, đến năm 1989 chúng ta xuất khẩu gạo lần đầu tiên. Nhìn lại cả quá trình, càng thấy rằng vị thế của ngành lúa gạo hôm nay là thành quả của một quá trình nỗ lực liên tục qua nhiều thế hệ người Việt.
Niềm vui thứ ba, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang diễn ra rộn ràng tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang). Được tổ chức từ ngày 11-15/12, Festival năm nay là sự kiện quy mô, tầm cỡ nhất trong suốt hành trình 14 năm kể từ Festival lúa gạo lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2009.
Dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện trên, từ Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thông điệp tại lễ khai mạc, trong đó cho biết Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Đi về vựa lúa miền Tây những ngày này chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn những niềm vui kể trên. Tuần rồi có dịp đến Tiền Giang, ghé một quán nhỏ ven đường, tôi được lắng nghe câu chuyện giá lúa gạo rộn ràng bên tai. Người nông dân không nói những điều to tát nhưng sự hồ hởi của họ thể hiện rõ trên nét mặt. Có người tâm sự, theo nghề trồng lúa mấy chục năm nay và đây là năm chứng kiến giá lúa lên cao nhất, có giai đoạn "giá tăng lên mỗi ngày".
Các chuyên gia nông nghiệp cũng chia sẻ niềm vui với người nông dân, tuy nhiên, nhiều người thận trọng đưa các phân tích, khuyến cáo để niềm vui được mùa, được giá trở nên bền vững chứ không chỉ nhất thời. Nhiều vấn đề đặt ra như: Chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn; công tác phát triển thị trường chưa tương xứng với tiềm năng ngành hàng; sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo; giá cả đầu vào tăng cao…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thách thức với việc sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước ta nói chung nằm trong "3 biến" là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.
Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Chất lượng gạo phải được nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Đứng trước thách thức đó, "hạt gạo làng ta" phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, từ nguồn giống đầu vào cho đến quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu.
Người nông dân phải vượt qua lối mòn tư duy nặng về tăng diện tích, mùa vụ, sản lượng mà không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe theo yêu cầu thị trường. Tôi rất ấn tượng khi về miền Tây chứng kiến những đồng lúa công nghệ cao tiết kiệm nước, giảm chất thải ra môi trường theo hướng xanh hóa; có những vùng "mặt ruộng không dấu chân - nông dân dùng máy bay không người lái để sạ giống, rải phân..." làm ra hạt gạo tiêu chuẩn cao.
Các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo đã được chỉ rõ trong công điện của Thủ tướng vào tháng 7/2023, trong đó thiết nghĩ đây là lúc cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice.
Việc xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, khi hạt gạo Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Các nước sản xuất và xuất khẩu gạo sau những khó khăn hiện tại, chắc chắn họ sẽ nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh. Nếu chúng ta không nắm bắt cơ hội hiện nay, tự nâng mình lên bằng cách thiết lập tiêu chuẩn cao hơn cho chuỗi giá trị hạt gạo Việt Nam thì sẽ rất đáng tiếc.
Tác giả: Mai Đức Dũng tốt nghiệp Đại học Luật TPHCM, hiện kinh doanh lĩnh vực Logistic và sinh sống ở TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!