Thông tin “bẩn” nhiều khi còn nguy hại hơn “gạo bẩn”!
(Dân trí) - Nhắc lại với ông Bình rằng, hàng triệu người nông dân đang bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm ra hạt gạo để đem về từng đồng USD nên "thông tin bẩn" nhiều khi còn nguy hại hơn "gạo bẩn"!
Mới đây, khi trả lời một tờ báo, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nói:
"Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn... Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo".
Ngay lập tức, dư luận dậy sóng, bày tỏ sự bất bình với câu nói trên.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết:
“Kết quả kiểm soát trên diện rộng cho thấy, năm 2017 đã lấy 150 mẫu gạo, năm 2018 là 169 mẫu thì không phát hiện mẫu nào có chất cấm, có một số mẫu có tồn dư nhưng đều dưới ngưỡng cho phép. Ngưỡng cho phép ở Việt Nam được thiết lập trên cơ sở của Tiêu chuẩn của Codex nên sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng ở Việt Nam đều có tiêu chuẩn như nhau. Như vậy không thể nói là 90% gạo “bẩn” được”. Ông Tiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, tất cả các thị trường trung bình như Philippines, châu Phi... hay thị trường cao cấp như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản... đều yêu cầu rất khắt khe về hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Gạo của Việt Nam đều đã vượt qua các yêu cầu của thị trường, các nước chấp nhận gạo Việt thì không thể nói gạo Việt là "bẩn" được.
Tuy nhiên, phản hồi tới phóng viên Dân trí, ông Bình chống chế: "Tôi nói bẩn ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói và sử dụng, cụ thể là: Trong lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ VietGAP, GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ; Organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn; mà đã là sản phẩm không an toàn người ta gọi là bẩn cũng không sai".
Theo tôi, câu nói của ông Bình vừa hồ đồ vừa thiếu trách nhiệm. Nó thuộc loại “thông tin bẩn”.
Lý do hồ đồ là bởi dựa vào cơ sở nào mà ông Bình nói là 90% (có khi là khiêm tốn) là “gạo bẩn”? Ông đã khảo sát chưa? Nếu có thì bao giờ và với bao nhiêu mẫu sản phẩm?
Nói thiếu trách nhiệm là bởi ông có biết hàng triệu người nông dân đang sống bằng nghề trồng lúa và gạo đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hiện thương hiệu gạo Việt Nam đang có uy tín trên thương trường quốc tế hay không? Câu nói của ông sẽ mang lại hậu quả như thế nào đối với mặt hàng này và hơn nữa, với số phận của hàng triệu người nông dân đang sống bằng nghề trồng lúa?
Liệu có hay không hành vi “dìm hàng” khi mà chính Công ty của ông đang tham gia lĩnh vực này?
Còn nếu như có chuyện "phát biểu của tôi bị bài báo "cắt khúc" nhằm gây sốc cộng đồng mạng và quy tội cho mình" như lời ông nói, ông có quyền yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ và dù là đồng nghiệp, chúng tôi cũng kịch liệt lên án việc “cắt khúc”, “gây sốc” này.
Đã là thông tin, nhất là thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả một cộng đồng thì chỉ có "đúng" và "sai" chứ không có chuyện không đúng cũng chẳng sai, kiểu “Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn; mà đã là sản phẩm không an toàn người ta gọi là bẩn cũng không sai" như ông nói.
Có lẽ, cũng xin nhắc lại với ông Bình rằng, hàng triệu người nông dân đang bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm ra hạt gạo để đem về từng đồng USD nên "thông tin bẩn" nhiều khi còn nguy hại hơn "gạo bẩn"!