Kỳ tích gạo Việt!
(Dân trí) - Việc chú trọng nghiên cứu, tìm kiếm những sản phẩm gạo mới, việc khai phá thị trường xuất khẩu để nâng cao kim ngạch, đó là một chính sách đúng hướng và cần phát huy.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa chúng ta sẽ khép lại năm 2020 - một năm khó khăn trên nhiều mặt, nhất là về kinh tế.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thiên tai triền miên (bão lũ, hạn mặn…) khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy vậy, xuất khẩu gạo lại chứng kiến một năm "bùng nổ" với kim ngạch trên 3 tỷ USD bất chấp sản lượng giảm. Nguyên nhân là giá gạo của chúng ta tăng, hiện đã vượt qua cả Thái Lan và Ấn Độ để dẫn đầu thế giới.
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Với một số người, đây đơn thuần chỉ là con số thống kê và báo cáo. Nhưng đằng sau những con số đó chứa đựng mồ hôi, nước mắt của người nông dân hai sương một nắng, sự trăn trở của những kỹ sư, chuyên gia trong ngành.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nói trên tờ Lao Động ngày 17/12: "Việt Nam đang thay đổi cái nhìn của nhiều nước là chỉ xuất khẩu gạo chất lượng thấp".
Theo đó, ngành gạo nước ta đang thay thế dần các loại gạo phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao để vào thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc…
Một thông tin rất phấn khởi với nền kinh tế nói chung và với ngành nông nghiệp.
Xin được chúc mừng cơ quan chủ quản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường! Xin cảm ơn những chuyên gia, những nhà hoạch định. Nhưng hơn cả là xin được chia vui với những thương nhân xuất khẩu và người nông dân Việt.
Suốt thời gian qua, chúng ta tự hào và ngợi ca về sức bật của tăng trưởng kinh tế, tự hào là cường quốc xuất khẩu gạo. Chúng ta chứng kiến sự giàu lên của tầng lớp trung lưu với tiêu thụ ô tô nhảy vọt, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Thế nhưng, ở một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, sẽ thật thiếu sót nếu không nhìn thấy người nông dân có thể làm giàu trên chính cánh đồng, mảnh ruộng của họ.
Người dân ở khu vực nông thôn đang phải li nông, li hương để tìm kiếm cơ hội đổi đời nơi thành thị. Có mấy ai còn giữ được hai chữ "thuần nông"?
Do vậy, nếu những chính sách phát triển nông nghiệp đi đúng trọng tâm và trọng điểm, nâng cao giá trị gia tăng ở sản phẩm nông nghiệp… điều này chẳng những khiến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn thay đổi, mà hơn thế, sẽ giúp hàng triệu người nông dân được đổi đời.
Việc chú trọng nghiên cứu, tìm kiếm những sản phẩm gạo mới, việc khai phá thị trường xuất khẩu để nâng cao kim ngạch, đó là một chính sách đúng hướng và cần phát huy.
Cho nên, câu chuyện ST25 ngon nhất thế giới 2019, ngon nhì thế giới 2020 không đơn thuần là "thể diện", "giải thưởng" mà sẽ gắn với giá bán, với khách hàng, với thu nhập của doanh nghiệp, của người nông dân.
Và bài toán này, không chỉ riêng với gạo Việt, mà còn với cả những mặt hàng nông sản khác. Điều đó cần trí tuệ và cần chứa đựng cả tâm huyết và tình cảm với người nông dân.