Những lựa chọn khi chi phí du học phi mã
Mới hoàn thành chương trình Tiến sĩ truyền thông, chị bạn tôi chưa hết vui mừng vì đã trút bỏ được một gánh nặng thì đã phải đối mặt với một câu hỏi khó hơn: Tìm công việc nào để có thể ở lại Mỹ?
Lựa chọn đầu tiên của nhiều người học Tiến sĩ là tìm kiếm một con đường trong lĩnh vực học thuật, trở thành giảng viên tại các trường đại học. Rải vài chục hồ sơ nhưng vẫn không nhận được phỏng vấn, chị than thở, "khéo thôi chị cũng phải về nước". Số lượng công việc mới trong tháng 4 tại Mỹ sụt giảm so với các tháng trước, ngành nhân văn như Truyền thông cũng không phải ngành "hot" để dễ dàng tìm việc.
Bỏ ra hàng tỷ đồng cho vài năm du học trước bậc Tiến sĩ, chị bạn tôi có vẻ ngậm ngùi khi nghĩ đến việc phải về nước. Dù biết rằng cơ hội Việt Nam luôn rộng mở, nhiều người vẫn muốn làm ít nhất vài năm để "hòa vốn" trước khi về.
Thời điểm tháng 5 là lúc học sinh trung học và phụ huynh phải đưa ra những quyết định cho việc học đại học. Trong khi phần lớn đang cân nhắc việc chọn trường trong nước, không ít gia đình đã chuẩn bị làm hồ sơ cho con lên đường du học. Khi những hòm mail đầy ắp thư chấp nhận từ các trường đại học, bài toán có nên đi du học không hay chọn trường nào lại được đặt ra.
Du học không phải toàn "màu hồng". Đây là một thực tế. Muốn biết nó không "màu hồng" ra sao, đem tính toán các chi phí mới thấy khoản đầu tư này ngày càng tốn kém. Khi nhận thông tin học phí đối với sinh viên bậc đại học trường tôi năm sau tăng lên đến 70.000 USD (tương đương gần 2 tỷ đồng) cho một năm, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên đây cũng chưa phải trường hợp đắt đỏ nhất. Các trường tư thục trong khu vực thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ, cũng tăng học phí, nhiều trường lên tới 90.000 USD/năm, xấp xỉ 2,3 tỷ đồng.
Chi phí trên ở nhiều trường đã bao gồm cả chi phí ký túc xá, ăn uống, bảo hiểm… nhưng chắc chắn, phụ huynh vẫn phải để dành cho con một khoản sinh hoạt phí khác. Nếu tính 4 năm đại học không có hỗ trợ tài chính từ trường đại học, một sinh viên du học Mỹ có thể tốn đến cả gần chục tỷ đồng.
Xu hướng tăng học phí không chỉ diễn ra tại riêng nước Mỹ mà ở rất nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.
Hiện tại, số lượng sinh viên Việt Nam đứng thứ 5 trong tổng số du học sinh tại Mỹ. Người Việt Nam trọng giáo dục, coi đầu tư vào giáo dục luôn là một khoản đầu tư xứng đáng, nhưng cũng cần tính toán làm sao để không thành gánh nặng với gia đình và chính học sinh. Tất nhiên để cho con đi du học, nhiều gia đình phải sẵn sàng một khoản chi phí lớn. Song tôi biết nhiều phụ huynh vẫn phải đau đầu mỗi khi đến hạn nộp học phí của con.
Ngay cả với sinh viên và phụ huynh là người Mỹ, nhiều người đang phải lên tiếng phản đối vì học phí tăng dữ dội. Báo chí và các đài truyền hình tràn ngập tin tức về việc các gia đình đang cân nhắc cho con em họ lựa chọn trường nghề, lựa chọn chương trình giáo dục ngắn hạn và có tính thực tiễn cao hơn những chương trình đại học 4 năm. Cần phải nhớ rằng, đa phần sinh viên quốc tế phải trả mức học phí cao hơn so với sinh viên trong nước. Nhiều trường đại học chuyển hướng tập trung thu hút sinh viên quốc tế, đặc biệt sinh viên các nước châu Á vốn chuộng du học Mỹ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Sinh viên châu Á, trong cách nhiều người ví von, mới là "con bò vắt sữa" chính cho mô hình kinh doanh trường đại học tại Mỹ.
Đồng ý rằng, các nước phát triển có nền giáo dục chất lượng hơn đại đa số các trường đại học trong nước và chi phí phản ánh giá trị. Nhưng từ trải nghiệm bản thân với môi trường giáo dục cả ở Việt Nam và Mỹ, tôi cho rằng một trường đại học ở các quốc gia phát triển có mức học phí cao gấp hàng trăm lần đại học trong nước không đồng nghĩa với việc nó có giá trị gấp hàng trăm lần.
Là một du học sinh, tôi vẫn tin vào giá trị của việc du học trên nhiều phương diện. Song, bài toán cần giải đã khác xa rất nhiều so với hàng chục năm về trước.
Xét về khoản đầu tư tài chính, chi phí du học tăng cao chóng mặt. Xét trên khía cạnh cơ hội việc làm, khi số lượng du học sinh quá lớn, việc cạnh tranh cho một công việc để ở lại cũng khó khăn hơn.
Xét về giá trị từ việc du học, khi giáo dục trong nước ngày càng phát triển và cơ hội để học tập rất lớn trong thời buổi công nghệ số, giáo dục chất lượng cao không còn như "nước chảy chỗ trũng", chỉ tập trung ở một số nước lớn. Nếu cho rằng tấm bằng quốc tế là giá trị quan trọng nhất nhận lại từ việc du học, có lẽ chúng ta cũng nên cân nhắc lại. Bằng cấp vẫn quan trọng nhưng trong nhiều ngành nghề, khả năng thực tế của người lao động mới là yếu tố quyết định.
Vậy phụ huynh có lựa chọn nào giữa rất nhiều những bài toán cần phải đong đếm như vậy?
Lựa chọn một, học đại học trong nước. Phải công tâm rằng chất lượng các trường đại học Việt Nam ngày càng tốt khi đội ngũ giảng viên có trình độ cao, thừa hưởng kiến thức từ các nền giáo dục lớn ngày càng nhiều. Giáo dục trong nước theo sát hơn với thị trường lao động trong nước, giúp học sinh không bị "khớp" khi chuyển từ môi trường trường đại học sang thị trường việc làm.
Lựa chọn hai, hoàn thành 4 năm đại học trong nước và tiếp tục 2 năm Thạc sĩ nước ngoài. Đây là lựa chọn tôi thường xuyên đưa ra cho phụ huynh với nhiều điểm mạnh. Thứ nhất, sinh viên đi du học bậc Thạc sĩ thường ở độ tuổi vững vàng hơn về mặt tâm lý, thích nghi nhanh với môi trường mới, hiểu rõ hơn về con đường sự nghiệp và công việc muốn theo đuổi. Thứ hai, rút ngắn thời gian học đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí. Thứ ba, các chương trình học bổng cho bậc học Thạc sĩ nhiều hơn với nhiều chương trình học bổng danh giá từ các chính phủ.
Lựa chọn ba, với du học sinh Mỹ, cân nhắc việc cho con học ở các community college (cao đẳng cộng đồng) 2 năm rồi sau đó chuyển tiếp lên bậc đại học, hoặc lựa chọn các trường đại học công lập. Đây cũng là cách để tiết kiệm chi phí cho du học sinh. Đa phần các trường công lập đều có chi phí rẻ hơn so với khối trường tư.
Lựa chọn bốn, thay vì bắt buộc phải du học ở những quốc gia như Anh, Mỹ, Australia, Canada, phụ huynh nên cân nhắc lựa chọn những quốc gia có chất lượng giáo dục cao nhưng chi phí dễ chịu hơn hoặc có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên. Các quốc gia châu Âu như Phần Lan, Đức, Hà Lan vẫn là những điểm đến thu hút du học sinh Việt Nam. Những quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Đài Loan cũng dần được quan tâm hơn với nhiều học bổng, các chương trình dạy bằng tiếng Anh, khoảng cách gần với Việt Nam cũng như chi phí sinh hoạt phù hợp.
Chỉ còn vài tháng nữa, sinh viên trên toàn thế giới sẽ bước vào một mùa học mới. Hy vọng các bậc phụ huynh sẽ tìm ra được lời giải phù hợp cho bài toán du học của con em. Khi giáo dục giờ đây đã trở thành một ngành kinh doanh, phụ huynh cũng cần tiếp cận câu chuyện du học từ góc nhìn của một bài toán đầu tư hiệu quả hơn.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!