Những lời khuyên độc hại trên mạng xã hội
Cách đây không lâu, một nữ YouTuber đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng sau khi ngang nhiên chia sẻ về cách mình sử dụng các chiêu trò để lừa tiền từ những người từng hẹn hò với cô.
Tự nhận là một người tuy "không có nhan sắc" nhưng "biết dùng não", cô khoe rằng mình đã dễ dàng kiếm được tiền bằng việc vờ như không có tiền mặt để đi taxi về ở cuối các buổi hẹn, rồi vay đối phương 200.000 đồng và hứa sẽ chuyển khoản sau, nhưng thường sẽ được cho không vì bạn hẹn không yêu cầu chuyển lại.
Không thể phủ nhận rằng đây là một biểu hiện của tư duy lệch lạc và lối sống độc hại, bởi nó khuyến khích con người "dùng" nhau như những công cụ thuần túy để phục vụ lợi ích hẹp hòi của riêng mình.
Nếu những hành vi tương tự được nhân rộng, chúng ta sẽ có cả một xã hội mà trong đó việc lừa lọc và lợi dụng lẫn nhau trở thành chuyện "bình thường", từ đấy làm xói mòn hoàn toàn lòng tin giữa người và người. Nhìn chung, những lối sống độc hại sẽ có ảnh hưởng nặng nề tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi chúng ta. Nhất là thời đại mạng xã hội hiện nay, khi các chiêu trò dễ dàng trở thành xu hướng ảnh hưởng tới tâm lý người dùng.
Nhìn vào những phản ứng của dư luận mạng nói chung và những dòng bình luận dưới các clip của cô gái nêu trên nói riêng, có thể thấy rất rõ sự bất bình, thậm chí là phẫn nộ. Đâu đó vẫn có một số người phê bình, phản biện một cách văn minh nhưng đa số là mỉa mai, chỉ trích gay gắt và thậm chí là mạt sát.
Xét trên một phương diện nào đó, tôi cho rằng những lời lẽ nặng nề như vậy không quá cần thiết trong trường hợp này. Tuy không thể phủ nhận rằng cô gái kia đã tạo ra tác động tiêu cực bằng việc khuyến khích người trẻ đi theo lối sống độc hại nhưng đây lại là một trường hợp "lộ liễu". Nói cách khác, nó là một trường hợp đơn giản và "dễ giải quyết". Chính phản ứng của cộng đồng mạng là minh chứng cho điều này. Đại đa số đều hiểu rằng không nên học tập làm theo cô gái đó.
Theo tôi, những trường hợp đáng khiến cho chúng ta phải dè chừng hơn cả là những lời khuyên tưởng chừng như rất chân thành nhưng lại thiếu kiến thức khoa học đầy rẫy trên mạng, kiểu như lời khuyên về các chế độ ăn uống healthy (khỏe mạnh), tập luyện để giảm cân… Những lời khuyên đó nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân mà không thực sự dựa trên kiến thức và sự tư vấn của chuyên gia, thì có thể phù hợp với người này nhưng không hẳn phù hợp với người khác, vô hình trung phản tác dụng.
Hay ngay cả lời khuyên của các bậc đàn anh thành đạt với các bạn trẻ như "các bạn không nên về trước 7 giờ tối" hay phải "dậy sớm để thành công". Thoạt qua đây có thể là một lời khuyên hợp lý. Việc dành thêm thời gian ở cơ quan hay công ty để trau dồi thêm kiến thức hay giải quyết công việc, để có thể thoải mái thư giãn khi về nhà nhìn chung là tốt.
Vì vậy, nghe theo lời khuyên này, các bạn trẻ sẽ nghĩ rằng phải ở lại văn phòng thật muộn mới được sếp đánh giá cao, hay mình về sớm có nghĩa là mình sẽ tụt hậu so với các đồng nghiệp khác. Nhưng thực tế mỗi đơn vị có tổ chức và phương pháp làm việc khác nhau, và suy cho cùng một nhân viên được đánh giá trước hết ở hiệu quả, chất lượng công việc, làm việc đúng giờ và cống hiến bền bỉ chứ không phải là hôm nào cũng về muộn để rồi nhanh chóng sa sút cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Những trường hợp "vùng xám" này nguy hiểm hơn nhiều trường hợp "lộ liễu" như nữ YouTuber kể trên, bởi chúng không hiển nhiên đối với đa số rằng người nói đang vô tình hoặc hữu ý cổ súy cho một lối sống độc hại.
Một trong những trường hợp vùng xám khác là khi những nhân vật có tầm ảnh hưởng gián tiếp khuyến khích người trẻ chạy theo các giá trị vật chất, đặc biệt là qua các clip ngắn trên TikTok. Khi một người thành đạt liên tục chia sẻ về những món đồ hiệu đắt tiền mà mình mới mua và việc họ đã phải nỗ lực thế nào để mua được chúng, người trẻ sẽ dễ tin rằng kiếm tiền là lẽ sống và các giá trị vật chất là quan trọng nhất.
Mong muốn kiếm tiền để cải thiện chất lượng cuộc sống luôn là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên khi được đẩy tới một mức độ thái quá, chúng ta sẽ có khuynh hướng sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, từ sức khỏe, danh dự của bản thân cho tới tính mạng của những người xung quanh chỉ để kiếm tiền.
Vậy phải làm thế nào để bảo vệ người trẻ khỏi những lối sống độc hại này? Có lẽ bước đầu tiên và quan trọng hơn cả là phải khuyến khích tư duy phản biện mọi lúc mọi nơi, từ nhà trường cho tới mỗi gia đình. Chỉ khi các bạn sẵn sàng giữ một thái độ hoài nghi với mọi lời khuyên (bao gồm chính những lời khuyên của người viết bài này), chủ động sàng lọc mọi thông tin được gửi tới mình và tự tìm đọc các nguồn thông tin độc lập, đa dạng, thì mới có thể thật sự bảo vệ được mình.
Quan trọng không kém là giúp cho người trẻ hiểu rằng có nhiều cách để định nghĩa thành công và mỗi chúng ta sẽ có lối đi riêng phù hợp với cá tính, nhu cầu và hoàn cảnh của mình. Một khi các bạn hiểu được điều đó, các bạn sẽ có động lực để tự mày mò, khám phá con đường của riêng mình, thay vì copy một người nổi tiếng nào đó khác, từ đó giảm thiểu xác suất chịu tác động từ những lời khuyên độc hại.
Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hạn chế thời gian trước màn hình điện thoại và vi tính. Nói cách khác, cần khuyến khích người trẻ sống thật nhiều hơn và sống ảo ít hơn. Để làm được điều đó, "thượng sách" là chủ động tạo ra các hoạt động sinh hoạt tập thể bổ ích và thú vị ở cả trong và ngoài nhà trường. Điều đó sẽ gián tiếp giúp các bạn hạn chế tiếp xúc với các nguồn thông tin độc hại vốn đang ngày một dày đặc trên không gian mạng.
Nhưng hơn hết, chính người lớn sẽ phải làm gương cho con em mình. Chỉ khi chúng ta sẵn sàng đặt điện thoại xuống khi cả nhà ăn cơm, hay dành thời gian để làm những việc tuy không ra tiền nhưng tốt cho cộng đồng, chúng ta mới có thể bảo vệ được những người trẻ xung quanh mình khỏi những gì độc hại nhất trên không gian mạng.
Tác giả: Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Brandeis, Mỹ. Anh là một trong năm ứng viên xuất sắc được Đại học Brandeis cấp học bổng tiến sĩ toàn phần ở tuổi 21. Các vấn đề nghiên cứu lớn của anh bao gồm: xung đột vũ trang, chính sách ngoại giao nước lớn và ứng dụng của AI trong hoạch định chính sách an ninh quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!