Từ vụ TikToker Nờ Ô Nô: Quét "rác" trên mạng xã hội
Ở khu tôi sống, trẻ con hầu như đều biết chơi Tiktok. Một đứa trẻ 5 tuổi cũng đã có thể được bố mẹ lập tài khoản để đăng tải các đoạn clip biểu diễn hát nhép, múa phụ họa một cách thuần thục.
Với tính giải trí cao, được hỗ trợ bởi sự phổ biến của các thiết bị điện thoại thông minh (smartphone), Tiktok len lỏi khắp các ngóc ngách của đời sống, chi phối thời gian của nhiều người, nhất là những người trẻ.
Không gì dễ dàng hơn giết thời gian bằng việc cầm một chiếc điện thoại lên và lướt xem các video giải trí, vốn được thuật toán của Tiktok cá nhân hóa dựa trên sở thích của chủ tài khoản. Khi đời sống tinh thần của con người ngày càng lệ thuộc vào thế giới ảo thì số lượng "món ăn", chất lượng "bữa tiệc" giải trí tinh thần đó cũng vô cùng phong phú, "thượng vàng hạ cám".
Bên cạnh những người sáng tạo nội dung làm việc một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp và trách nhiệm, mang đến những sản phẩm hữu ích với cộng đồng là vô số bài viết, hình ảnh, video với nội dung nhảm nhí, thậm chí là độc hại trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có Tiktok.
Video "Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó" được đăng tải trên kênh TikTok mang tên Nờ Ô Nô hôm 25/11 gây tranh cãi dữ dội trong những ngày gần đây - là một trong số "rác nội dung" mà tôi cho rằng, tới đây các bên liên quan sẽ cần phải tích cực hơn nữa mới có thể loại bỏ dần trong nỗ lực làm sạch không gian mạng. Trong video nói trên, TikToker này làm từ thiện giúp một cụ già, nhưng dùng những từ ngữ khó nghe như: "Hello (xin chào - PV) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn", "Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn, giờ hỏi lại có ăn hay không?", "Phở rẻ vậy mà bà không có tiền mua ăn nữa hả?"...
Có câu "của cho không bằng cách cho", việc làm từ thiện là tốt, nhưng cách cho với thái độ thiếu tôn trọng, xúc phạm người nghèo và người già là đáng chê trách và không thể chấp nhận. Một người làm từ thiện thực tâm sẽ không bao giờ có ý định "câu like" cợt nhả, vô lối như vậy.
Và trên góc độ của người xem thì tôi không cho rằng đây là một video có nội dung thiện chí mà hàm ý miệt thị, coi thường. Sự bức xúc, tẩy chay của cộng đồng mạng với tài khoản Tiktok này cho thấy rằng, thị hiếu của người xem không hoàn toàn dễ dãi và việc tung ra những nội dung không phù hợp không sớm thì muộn cũng sẽ gánh chịu hậu quả.
Tiktoker này và ekip sau đó đã làm một clip xin lỗi, tuy nhiên đã không được số đông chấp nhận. Giới chuyên gia truyền thông đánh giá, đó không phải là "lời xin lỗi" mà chỉ là clip với chủ đề xin lỗi, hoàn toàn vô nghĩa khi nối dài chuỗi hành vi làm nội dung bẩn, vô văn hóa của mình.
Tiktok cho biết đã khóa tài khoản của người dùng @tuanbrice (hay còn được biết tới với tên gọi "Nờ Ô Nô") vĩnh viễn, vì những nội dung không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng mà người dùng này đăng tải. Chế tài này cũng là bài học đối với những người dùng mạng xã hội, những Tiktoker khác có định hướng câu view, câu like, hút tương tác bằng mọi giá, bất chấp nội dung xấu, thiếu đạo đức, vô văn hóa.
Về phía các doanh nghiệp, đơn vị quảng cáo nội dung, xu hướng đi theo sự nhảm nhí, dung tục và thiếu nhân văn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhãn hàng và bản thân họ sẽ mất uy tín, gánh chịu thiệt hại. Chẳng hạn như những thương hiệu, quán ăn mà Nờ Ô Nô từng giới thiệu đang bị giới nghệ sĩ kêu gọi tẩy chay. Ca sĩ Thu Minh cũng phải vội xóa những clip từng hợp tác với Tiktoker này. KOLs (người ảnh hưởng) - đâu chỉ cứ nhiều người theo dõi là đã hay, điều quan trọng hơn cả là những giá trị mà người đó tạo ra và lan tỏa tới cộng đồng. Chớ nên ảo tưởng duy trì được sự nổi tiếng bằng thị phi, tai tiếng, chiêu trò!
Phản hồi từ phía TikTok khẳng định quan điểm "không khoan nhượng trước bất kỳ nội dung, hành vi vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng". Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc đoạn video của Nờ Ô Nô có lời lẽ phản cảm, xúc phạm nhưng vẫn lọt top thịnh hành trên TikTok hơn một ngày, đạt tới 4,6 triệu lượt xem mà không có sự can thiệp từ đội kiểm soát nội dung của TikTok thì phía TikTok lại không phản hồi.
Tiktok là ứng dụng mạng xã hội thịnh hành nhất nhì trong giới trẻ, đối tượng người dùng thường là những người trẻ, bao gồm các thanh thiếu niên trong đội tuổi hình thành và phát triển nhân cách. Do vậy, mạng xã hội này cần phải có nguyên tắc cứng rắn, chặt chẽ trong kiểm soát nội dung, hướng người dùng đến tính nhân văn, lành mạnh.
Tuyên bố nói trên của Tiktok là cần thiết, song phải là một cam kết về hành động mang tính xuyên suốt khi vận hành nền tảng mạng xã hội này chứ không phải chỉ đơn thuần mang tính chất giải quyết sự vụ nhằm xoa dịu dư luận.
Ngoài "Nờ ô Nô", vẫn còn vô số những "hạt sạn" khác các nền tảng Tiktok, Youtube, Facebook… Để làm sạch không gian mạng, loại bỏ những clip nội dung thiếu văn hóa, dung tục thì trước hết, người xem cần biết sàng lọc trong quá trình sử dụng mạng xã hội và mạnh mẽ hơn trong bày tỏ thái độ. Đây cũng là nỗ lực để mỗi chúng ta xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Việt như chủ đề hội thảo quốc gia vừa được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội hôm qua (29/11).
Về phía các nền tảng xuyên biên giới không thể chối bỏ trách nhiệm của mình; việc thiết lập các bộ quy tắc ứng xử, các tiêu chuẩn cộng đồng là yêu cầu bắt buộc và phải được giám sát sát sao.
Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ năm 2019 với những chế tài cụ thể, bao gồm nghiêm cấm đăng tải nội dung xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; đăng thông tin trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc... Việc xử phạt đối với những vi phạm cần được cơ quan chức năng mạnh tay và triển khai kịp thời, tránh để xảy ra hiện tượng "nhờn luật", coi thường pháp luật và công luận.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!