Cô gái chỉ cách "đào mỏ" đàn ông, không có việc làm vẫn sống dư giả
(Dân trí) - Một nữ YouTuber đăng tải nội dung video chỉ ra cách để "đào mỏ" các chàng trai thông qua ứng dụng hẹn hò đang trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội.
Tư duy "đào mỏ", cổ súy lối sống lười lao động
Mở đầu đoạn video, nữ YouTuber thản nhiên nói: "Có rất nhiều người thắc mắc là mình không có công ăn việc làm, mình thất nghiệp mà làm thế nào có thể sống được ở Hà Nội ngần ấy năm, làm thế nào mình có thể chi trả được hết tất cả những cái thứ như sinh hoạt hàng ngày đúng không?
Có một cách giúp mình kiếm tiền đó chính là mình kiếm tiền thông qua tinder, những app (ứng dụng) hẹn hò. Mình muốn chia sẻ nó ở đây để cho các bạn biết là mình đã từng sống như thế nào".
Sau đó, cô gái này chia sẻ về cách kiếm tiền trên Tinder của mình.
Đầu tiên là giả vờ không có tiền mặt và hỏi "mượn" bạn trai: "Kết thúc buổi hẹn, mình thường bảo bạn nam là anh có 200.000 tiền mặt không cho em đi taxi về, em chuyển khoản cho. Mình thường gặp các bạn nam rất là tốt nên không ai đòi cả. Mỗi ngày như thế thường kiếm được 200.000 - 500.000 đồng. Mỗi tháng vài triệu ngon lành".
Tiếp theo là đặt ra những luật lệ quy thành tiền trong hẹn hò: "Mình hẹn gặp một người ở quán cà phê và người đấy có nhắn tin là: "Anh ra muộn một lúc, em có thể chờ anh được không". Mình mới nói là nếu anh ra muộn thì em sẽ tính tiền, cứ 1 phút em tính 100.000 đồng. Cuối cùng, người đấy ra muộn 30 phút và đưa cho mình 3 triệu đồng. Cuối buổi hẹn anh ấy rủ mình về nhà chơi, nhưng mình dại gì, mình "té" (rời đi) luôn, thế là có ngay 3 triệu đồng".
Hay cô gái này cũng tự hào kể về "cách kiếm tiền ngày Tết": "Mình sẽ cho vào lì xì 20.000, sau đó lì xì những anh chị lớn, lúc đó họ sẽ lì xì lại tiền cho mình và chắc chắn không thể 20.000 mà phải ít nhất là 200.000. Bỏ ra 20.000 mình thu lại 200.000-500.000, thậm chí là 1 triệu đồng".
Lý do được chủ kênh đưa ra khi chọn cách "kiếm tiền" theo hình thức này là: "Không có nhan sắc, không có bằng cấp, mình phải dùng đến não thôi. Mình chỉ có thể dùng vận động hết tất cả cái gì mình có khả năng để kiếm tiền. Vì mình phải sống mà đúng không? Mình không thể nào mà không cần tiền được" là lý do mà chủ kênh đưa ra khi chọn "kiếm tiền" theo hình thức này.
Ngoài ra, ở kênh này, người xem cũng bắt gặp các video khác với nội dung gây tranh cãi như: "Mình leo đến bị trí này từ đâu"; "Mình không sinh ra để đi làm! Bạn cũng thế"; "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào?"...
Đoạn video được lan truyền trên mạng, đa số người dùng đều bày tỏ sự bức xúc với tư duy "đào mỏ" của nữ YouTuber này. Đáng nói, cô gái trẻ chia sẻ lại kinh nghiệm không mấy hay ho của mình dưới dạng kiến thức với thái độ đầy tự hào, cổ súy cho lối sống lười lao động.
Phản ứng trước những nội dung của YouTuber này, người dùng mạng xã hội Triệu Nam chỉ trích: "Xã hội cần bớt mấy thành phần có tư tưởng ăn bám, lợi dụng, sống ký sinh. Xã hội loài người phát triển hơn thế giới động vật vì con người biết dùng trí thông minh để làm việc đó bạn gái ký sinh ơi".
Người dùng Hien Nguyen viết: "Bây giờ cái gì cũng vật chất, kể cả tình yêu".
Còn Thùy Linh thì kết luận: "Bất chấp để nổi tiếng theo cách như thế này hối hận không kịp. Việc mình làm sai còn tự hào chia sẻ, đúng là không biết xấu hổ, chắc "gạch đá" nhận đủ xây được biệt thự rồi đó".
Tâm lý tò mò theo đám đông khiến nội dung độc hại lan truyền nhanh
Chị Keira - Chủ mục Tâm lý tại một công ty truyền thông, từng tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Nghiên cứu Tâm lý học tại Đại học Birmingham (Anh) cho rằng, mọi người thường cảm thấy tò mò, muốn tìm hiểu những nội dung được nhiều người chia sẻ là tâm lý dễ thấy.
Chị nói: "Việc mình tò mò về một chuyện gì đó bạn bè mình đang xôn xao là chuyện rất bình thường. Kể cả trong bữa cơm gia đình, nếu tất cả mọi người cùng đang nói về một chủ đề mà mình không biết gì, mình cũng khó chịu chứ. Nhưng xét cho cùng, mình nghĩ nếu hiểu được cách hoạt động của truyền thông và có khả năng quản lý sự chú ý của mình thì sẽ giảm thiểu được cảm giác tò mò bứt rứt này".
Chị cũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn trẻ nêu trên thực hiện các nội dung độc hại trên mạng xã hội. Theo đó: "Khi chúng ta được đi học, ngoài các kiến thức thì sẽ được học về đạo đức. Theo lẽ thường, nếu một người có đạo đức thì sẽ không làm những việc thiếu đạo đức rồi đem nó lên mạng.
Có thể trong sự giáo dục của bạn YouTuber có vấn đề gì đó hoặc bạn ấy bị rối loạn gì đấy về tính cách. Bởi bạn cảm thấy hài lòng với những cái sai về mặt đạo đức của bản thân và không cảm thấy xấu hổ, lại còn đăng lên mạng chia sẻ kinh nghiệm".
Chị Keira lưu ý, đây cũng là dịp để bạn trẻ "thanh lọc" lại bảng tin mạng xã hội của mình, hướng đến các thông tin thực sự có giá trị. Nội dung độc hại lan truyền nhanh trên mạng xã hội nhưng quyền tiếp nhận hay không vẫn nằm trong tay người dùng.