Những cầu nối bền vững cho quan hệ Việt - Mỹ
Trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Joe Biden đến nước ta, những ai quan tâm đến mối quan hệ Việt - Mỹ hẳn sẽ nhớ lại lời nhận định đầy sức thuyết phục của cựu ngoại trưởng John Kerry từ hơn 10 năm trước: "Không có hai nước nào làm việc tích cực hơn, làm được nhiều hơn, làm tốt hơn Mỹ và Việt Nam để tiến lại gần nhau, thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai".
Quả vậy, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là một mối quan hệ có nhiều duyên nợ trong quá khứ. Từ 78 năm về trước, cũng trong những ngày mùa thu tháng 9, những lời tuyên bố bất hủ, nổi tiếng trong bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mỹ đã được trích dẫn trang trọng trong bản "Tuyên ngôn độc lập" được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến dài, và một trong những cột mốc quan trọng là hai nước trở thành đối tác toàn diện vào năm 2013. Quá khứ thì không thể thay đổi, nhưng, như lời của cựu Ngoại trưởng John Kerry, chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau giải quyết những hậu quả của quá khứ, để làm điểm tựa cho những bước tiến tốt đẹp và bền vững hơn trong tương lai, qua đó thay đổi lịch sử mối quan hệ giữa hai nước.
Gần ba mươi năm vừa qua, hai nước đã đạt được những bước tiến rực rỡ trên nhiều lĩnh vực. Về quan hệ chính trị và ngoại giao, đã có bốn Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam. Ngược lại, cũng đã có nhiều lãnh đạo cấp cao của nước ta tới thăm Mỹ, mà đáng chú ý và nhiều ý nghĩa là chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được Tổng thống Barack Obama đón tiếp trọng thể tại Nhà trắng vào năm 2015.
Về quan hệ thương mại và đầu tư, giá trị trao đổi song phương giữa hai nước đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 lên gần 140 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, là quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Một tín hiệu vui và đáng chú ý khi gần đây một tập đoàn Việt Nam đã đầu tư 4 tỷ USD vào bang Bắc Carolina.
Không chỉ tiếp tục hợp tác giải quyết các vấn đề thời hậu chiến như tìm kiếm hài cốt quân nhân, giải quyết hậu quả chất độc da cam, xử lý vũ khí còn sót lại, Mỹ và Việt Nam cũng đã có những bước tiến nổi bật trong quan hệ hợp tác về giáo dục, y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân, bảo vệ môi trường, và ứng phó biến đổi khí hậu…
Trong lĩnh vực giáo dục, với tài trợ của chính phủ Mỹ, Đại học Fulbright được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh, và số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã gia tăng ngoạn mục. Nếu năm 2013, số du học sinh Việt Nam tại Mỹ chỉ khoảng 15.000 thì đến năm 2022, con số đó đã tăng lên khoảng 30.000, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á và lọt nhóm 5 nước có nhiều du học sinh nhất tại Mỹ.
Việt - Mỹ có thể vượt qua quá khứ và có được những thành quả trong quan hệ như thời gian vừa qua trước hết là nhờ tầm nhìn, nỗ lực của các nhà lãnh đạo và cơ quan chức năng ở cả hai nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải ghi nhận vai trò đặc biệt của các chính khách - cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, điển hình như các cố Thượng nghị sỹ John McCain và cựu Ngoại trưởng, Thượng nghị sỹ John Kerry. Thật khó tưởng tượng mối quan hệ giữa hai nước sẽ diễn biến thế nào nếu thiếu những nỗ lực khai mở và vận động không mệt mỏi của các chính khách - cựu chiến binh Mỹ.
Tuy nhiên, chính vai trò nổi bật của các chính khách - cựu chiến binh Mỹ trong tiến trình phát triển quan hệ giữa hai nước trong những thập kỷ vừa qua lại đặt ra câu hỏi: Nhân tố nào sẽ trở thành nền tảng, cầu nối bền vững cho mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai, khi theo quy luật thời gian các chính khách - cựu chiến binh sẽ không thể tiếp tục vai trò của mình?
Trên hết, đó là quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ đang phát triển sâu rộng, hiệu quả, thực chất trên các lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương. Năm 2015, lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thăm Mỹ theo lời mời chính thức của Tổng thống Mỹ. Năm 2023, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Hai chuyến thăm theo nghi thức cấp Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục cho thấy sự tôn trọng khác biệt chính trị và sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ Việt - Mỹ.
Trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3 năm nay: Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Mỹ, ủng hộ một Việt Nam "độc lập, tự cường và thịnh vượng", tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.
Tiếp theo, vốn xã hội, cụ thể là cộng đồng người Việt tại Mỹ và mối liên hệ đặc biệt của một bộ phận người dân Việt Nam với nước Mỹ, cùng sự cởi mở, thiện cảm của nhiều người dân Việt Nam dành cho nước Mỹ và ngược lại, sẽ tiếp tục là cầu nối ngày càng vững chắc cho quan hệ giữa hai nước.
Nhóm cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ, những người cũng có thể trở thành cây cầu nối, góp phần đắc lực cho quá trình giữ gìn và vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Với đà phát triển của đất nước trong những năm tới, chắc chắn số lượng học sinh, sinh viên nước ta du học tại Mỹ sẽ gia tăng. Những người này không chỉ có cơ hội học tập tri thức, kỹ thuật, và công nghệ hiện đại, rồi quay về nước làm việc, mà với những trải nghiệm thực tiễn trong lòng nước Mỹ và hiểu nước Mỹ, họ còn là nhóm xã hội sẽ có thể thúc đẩy sự thấu hiểu sâu sắc hơn giữa nhân dân hai nước.
Bảy mươi tám năm về trước, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập" với lời khẳng định, và cũng là một khát vọng của cả dân tộc Việt Nam khi đó: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập". Đến nay, với ý chí của cả dân tộc và sự hy sinh của nhiều thế hệ, Việt Nam thực sự "đã thành một nước tự do, độc lập", với vị thế quốc gia và cơ đồ khiến bạn bè trên thế giới, trong đó có nước Mỹ, phải tôn trọng.
Qua các chuyến thăm cấp cao chính thức giữa hai nước, chúng ta tiếp tục có quyền tin tưởng về một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn trong quan hệ Việt - Mỹ.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!