Tâm điểm
Phạm Trung Tuyến

Ngôi sao trên bếp

Khi nhận được lời mời tham dự sự kiện Michelin Guide, tổ chức xếp hạng ẩm thực quyền lực nhất thế giới, công bố danh sách các cơ sở ăn uống ở Việt Nam được chọn theo ba hạng mục khác nhau và 4 nhà hàng được gắn sao, tôi đã nghĩ đây sẽ là một câu chuyện gây tranh cãi.

Trên đời này, một trong những thứ dễ gây tranh cãi nhất chính là khẩu vị.

Tại Việt Nam, quốc gia có một nền ẩm thực đa dạng, phong phú hàng đầu thế giới, nơi mà chỉ một nhận xét về món phở cũng có thể khiến người ta "chia phe" để tranh cãi, thì xếp hạng của một tổ chức nước ngoài cho các quán ăn tất yếu sẽ dẫn đến những tranh luận không có hồi kết.

Ngôi sao trên bếp - 1

Đại diện các nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam nhận một sao Michelin tại Hà Nội tối 6/6 (Ảnh: Thanh Thúy).

Chúng ta còn nhớ trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần bất hòa Eris vì không được mời dự một bữa tiệc nên đã bực tức ném quả táo có dòng chữ "tặng nữ thần đẹp nhất" vào bữa tiệc đó, khiến dẫn đến tranh cãi, tranh giành quả táo giữa 3 nữ thần khác nhau và đây là nguyên nhân sâu xa của Chiến tranh thành Troy về sau. Tôi nhắc đến câu chuyện này là bởi, đã có ví von rằng việc xếp hạng kể trên không khác nào ném quả táo bất hòa vào bữa tiệc của các người đẹp.

Vì thế, không bất ngờ ngay sau khi những nhà hàng được Michelin xướng danh trong buổi lễ, lập tức xuất hiện một làn sóng tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Đó là những ý kiến kiểu "không nghĩ danh sách Michelin có nhà hàng A, nhà hàng B"; "chỗ này rất ổn mà sao không thấy xếp hạng"; "đây cũng như các bảng xếp hạng quốc tế khác thôi, tham khảo thì được, đừng nên coi là cái gì ghê gớm"…

Những nhận xét và tranh luận ấy, thoạt nhìn thì có vẻ mang màu sắc tiêu cực, song, khi những ồn ào lắng xuống, tôi cho rằng chúng ta sẽ nhận ra sự thay đổi tích cực trên mặt bằng ẩm thực Việt Nam.

Tổng thư ký Michelin Guide, ông Gwendal Poullennec, trả lời phỏng vấn trên VOV Giao thông đã có một nhận xét rất chính xác về các đầu bếp Việt Nam, khi cho rằng họ là những người có những kiến thức đặc sắc về văn hóa, đời sống của quê hương mình và đã thể hiện điều đó trên các món ăn, tuy nhiên, bên cạnh việc giữ gìn quy trình cá nhân, họ cũng cần cởi mở hơn với các xu hướng ẩm thực thế giới.

Thực vậy, người Việt Nam giỏi nấu ăn, và khả năng sáng tạo trong bếp là không giới hạn, nhưng không nhiều nhà hàng có động lực để tự nâng mình lên vượt khỏi khuôn khổ một nhà hàng ăn ngon đơn thuần.

Michelin Guide ban đầu chỉ là một cẩm nang chỉ dẫn chỗ ăn ngon, tiện, dễ chịu trong nước Pháp cho người lái xe, khi họ mua lốp xe của Michelin. Sau hơn 100 năm, uy tín của cuốn cẩm nang chỉ dẫn nhà hàng này đã vượt khỏi mục đích ban đầu, trở thành một tổ chức toàn cầu chuyên về xếp hạng ẩm thực.

Tất nhiên, khi trở thành một tổ chức xếp hạng toàn cầu, các tiêu chí đánh giá của Michelin cũng có xu hướng phổ quát, với những giá trị phù hợp với khẩu vị phổ quát. Các nhà hàng gắn sao Michelin có thể không phải là những nhà hàng hấp dẫn nhất đối với cộng đồng địa phương nơi nó tồn tại, song sẽ buộc phải đáp ứng được những tiêu chuẩn phổ quát của số đông nhân loại. Đó thực sự là điều mà ẩm thực Việt Nam đang còn thiếu.

Những ngôi sao Michelin đầu tiên được gắn ở những căn bếp Việt, có thể còn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt, song điều quan trọng là trên bản đồ ẩm thực thế giới, những nhà hàng Michelin Việt Nam đã xuất hiện với nhận diện rõ ràng mà bất cứ du khách nào cũng có thể nhận biết. Những câu chuyện về ẩm thực Việt Nam sẽ được kể một cách mạch lạc hơn, dễ dàng lan tỏa hơn trên phạm vi toàn cầu.

Những ngôi sao Michelin trên bếp có thể giúp các nhà hàng tiếp cận với du khách quốc tế dễ dàng hơn, nhưng mặt khác, cũng sẽ là một áp lực để những người đầu bếp luôn phải cố gắng duy trì sự ổn định của mình, từ việc lựa nguồn thực phẩm, đến phong cách phục vụ, rồi không gian thưởng thức. Và chính từ những căn bếp gắn sao đầu tiên này, một mặt bằng tiêu chuẩn mới về nhà hàng ở Việt Nam sẽ được định hình, dù đó có là nhà hàng được gắn sao hay không.

Nhà hàng gắn sao, có thể không phải là nhà hàng ưa thích nhất của tôi, của bạn. Điều đó cũng bình thường. Nhưng những ngôi sao trên bếp, chắc chắn là chỉ dấu để thực khách có thể tự tin bước vào mà hoàn toàn yên tâm về những tiêu chuẩn mà họ đã biết, đã quen thuộc.

Ngôi sao là một sự bảo chứng về tiêu chuẩn, điều mà chúng ta buộc phải thừa nhận rằng ẩm thực Việt Nam vẫn còn thiếu khi muốn tiếp cận với những thực khách đến từ phương xa.

Bạn có thể thích hay không, tùy thuộc vào khẩu vị cá nhân, nhưng sự tín nhiệm với những ngôi sao đó đã được xác nhận trên toàn cầu và nó sẽ góp phần đưa đường dẫn lối cho du khách nước ngoài. Điều mà không phải chúng ta đang nỗ lực từng ngày hay sao?

Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!