Nền kinh tế vé số ở miền Tây
Là một người dân miền Tây và có dịp đi nhiều nơi trong cả nước, tôi quan sát thấy dường như ở quê tôi người đi bán vé số dạo là nhiều nhất và theo đó người mua vé số cũng rất đông đảo.
Ngồi uống cà phê hay vào một quán ăn nào đó trên địa bàn các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp năm bảy lượt người đến mời mua vé số. Đây là điều không thường gặp ở nơi khác.
Đi nhậu ở miền Tây, nếu nhiệt tình ủng hộ người bán vé số, có khi số tiền bạn bỏ ra còn nhiều hơn biên lai thanh toán tiền nhậu. Những người bán vé số cũng hay tìm đến các quán nhậu chào mời, có lẽ vì dân nhậu hay ngồi lâu ở quán và thường "hào phóng" trong việc mua vé số.
Nếu như chuyện vé số miền Tây đã trở nên quen thuộc thì gần đây xuất hiện một xu hướng mới, đó là bạn nhậu thường mua vé số tặng nhau. Ví dụ một bàn nhậu năm người, sẽ có người mua vé số cho bản thân mình đồng thời mua tặng thêm cho bốn người còn lại. Lát sau, người khác cũng làm tương tự. Cứ như thế, trong suốt cuộc nhậu hầu như mỗi người đều mua vé số và đều được tặng từ các bạn nhậu chung bàn. "Tập quán" mới này khiến vé số tiêu thụ tại các quán nhậu đắt như tôm tươi.
Nhiều trường hợp cánh mày râu trà dư tửu hậu xong xuôi hết, về nhà dò số thấy trúng, thế là í ới gọi nhau đi ăn mừng. Dĩ nhiên, họ sẽ "thừa thắng xông lên" và còn chi tiền mua vé số mạnh tay hơn nữa.
Không chỉ có dân nhậu, gần đây mà nhiều lãnh đạo địa phương ở miền Tây cũng có thói quen tặng vé số cho khách phương xa đến công tác hoặc giao lưu. Năm rồi, tôi có chuyến công tác cùng một số đồng nghiệp tại tỉnh Long An. Lãnh đạo địa phương đã tặng mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi một phần quà, đó là mười tờ vé số. Dĩ nhiên, chúng tôi rất vui mừng đón nhận, vì ai cũng thấp thỏm nghĩ biết đâu mình sẽ trở thành tỷ phú một cách bất ngờ.
Nhiều người miền Tây cho rằng, những món quà là vé số tuy giá trị không lớn, nhưng nó lại gieo niềm hi vọng lớn lao. Bên cạnh đó, vé số từ lâu thường được khuyến khích tiêu thụ. Bởi lẽ, chúng ta mua vé số chính là góp phần "kiến thiết quốc gia", góp phần tạo ra "ích nước - lợi nhà". Không những thế, người bán vé số đa phần là người già, trẻ em, người yếu thế… Do vậy, nhiều người mua vé số chẳng nghĩ gì đến chuyện may rủi, họ chỉ mong ủng hộ được cho người bán, trúng thì vui mà không trúng cũng thấy ấm lòng.
Tất nhiên, rất nhiều người mua vé số với hy vọng đổi đời. Như anh bạn đồng nghiệp tôi, mỗi ngày đều mua hai tờ vé số trong suốt hơn chục năm nay. Anh bảo, lương viên chức chỉ đủ xoay xở cho cuộc sống hàng ngày, chỉ có trúng số độc đắc mới mong mua được nhà ở thành phố, nếu không chắc phải ở trọ đến hết đời.
Hoạt động vé số ở miền Tây phần nào bị ảnh hưởng qua hai năm đại dịch rồi hồi phục ngay và có phần sôi động hơn. Như báo Dân trí đã đưa tin, những ngày trước, trong và sau Tết Quý Mão vừa qua, nhiều tỉnh ở miền Tây liên tục có người trúng vé số giải đặc biệt với số tiền thưởng lên đến hàng chục tỷ đồng.
Việc nhiều người trúng giải cao đã tạo ra hiệu ứng khiến người mua vé số ngày càng tăng. Người bán vé số dạo vui vẻ vì bán được số lượng lớn hơn. Các công ty xổ số kiến thiết cũng phấn khởi vì bán ra gần đạt 100% lượng vé số phát hành mỗi kỳ, thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng và ước tính đạt hàng nghìn tỉ đồng doanh thu trong năm nay.
Lãnh đạo Công ty TNHH xổ số kiến thiết tại một tỉnh miền Tây tiết lộ, doanh thu tháng 1/2023 của công ty đạt gần 520 tỉ đồng. Công ty này phấn đấu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, nộp ngân sách 1.750 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao 140 tỷ đồng. Như vậy có nghĩa là, địa phương giao chỉ tiêu cho công ty phải nộp ngân sách 1.610 tỷ đồng trong năm 2023.
Nếu nhìn vào giai đoạn trước khi đại dịch bùng nổ, chúng ta dễ dàng thấy rằng tấm vé số chỉ có giá 10.000 đồng nhưng "nền kinh tế vé số" ở hàng loạt tỉnh, thành miền Tây luôn có quy mô hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đóng góp tới 20-30% ngân sách tại nhiều địa phương; có những tỉnh tổng thu ngân sách nhỏ hơn tổng thu của công ty xổ số.
Những lợi ích của vé số là rất rõ ràng như, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân; tạo nguồn thu ngân sách địa phương để từ đó chi cho giáo dục, y tế, giao thông nông thôn… Nhưng khi mà nhiều người vui vì tỷ lệ tiêu thụ vé số phát hành mỗi ngày ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đạt rất cao (gần 100%), tôi lại thấy băn khoăn: Liệu điều này đang cho thấy tín hiệu gì?
Đầu tiên, việc nguồn thu ngân sách của các tỉnh dựa quá nhiều vào nguồn thu từ vé số và đang không ngừng tăng lên thì có bền vững hay không? Suy cho cùng đây là trò chơi may rủi và hoàn toàn không phải là hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra hàng hóa hay trực tiếp tạo ra giá trị cho xã hội. Đó là chưa kể những tệ nạn ăn theo kết quả xổ số như lô đề, cờ bạc... mà tôi xin không đề cập cụ thể ở đây.
Chắc chắn là nếu chúng ta để "tư duy vé số" lấn át thì ít nhiều sẽ có tâm lý trông chờ vào nguồn thu này, ảnh hưởng đến việc quan tâm, khuyến khích phát triển các lĩnh vực khác. Vì vậy, tôi mong rằng đóng góp vào ngân sách địa phương từ các hoạt động kinh tế thực sự sẽ ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn chứ không phải là vé số.
Tiếp theo, là một thầy giáo, tôi đồng tình với câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra là chúng ta sẽ "kiến thiết" miền Tây như thế nào trong khi đi đâu cũng gặp người bán vé số dạo? Vé số giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người, nhất là những người yếu thế trong xã hội, vì vậy đây là hoạt động mang tính an sinh và nhân văn. Nhưng rõ ràng khi chúng ta cứ nhấn mạnh đến chuyện "ăn nên làm ra" của những người bán vé số dạo thì sẽ tạo nên hiệu ứng tiêu cực. Cụ thể như tôi đã chứng kiến là nhiều người suy nghĩ rằng nếu gặp khó khăn thì họ vẫn có thể đi bán vé số dạo để mưu sinh; quan điểm này khi được phổ biến đã khiến nhiều em ở độ tuổi đến trường không thèm đi học mà theo ba mẹ bán vé số, và giáo viên rất vất vả để thuyết phục các em đến trường.
Cuối cùng, văn hóa vé số không dễ dàng thay đổi và nó có những đóng góp tích cực nhất định, vấn đề là cách cơ quan quản lý và mỗi người trong chúng ta ứng xử với vé số sao cho phù hợp.
Tấm vé số có hai mặt, mặt "ích nước - lợi nhà" và mặt còn lại là tâm lý cầu may, hên xui. Chẳng phải chúng ta vẫn thường khuyến khích nhau và hướng con em mình tin tưởng vào những giá trị do lao động làm ra hay sao? Không có gì sai khi bạn mua tờ vé số như mua một giấc mơ giá rẻ, nhưng hãy luôn nhớ cân bằng giữa "mơ" và "thực".
Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!