Nắn đường để cứu biệt thự 100 tuổi
Câu chuyện bảo tồn các công trình cũ, cổ, có giá trị trong quá trình nâng cấp và cải tạo phát triển đô thị luôn được dư luận quan tâm. Gần đây, khi câu chuyện quản lý bảo tồn, trùng tu các ngôi biệt thự cũ ở TPHCM, Hà Nội vừa lắng xuống thì mọi người lại quan tâm đến trường hợp nhà cổ Lầu Ông Phủ ở TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Biệt thự cổ của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh, còn được gọi là Nhà Lầu Ông Phủ, được chính thức khánh thành vào năm 1924 tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo giới chuyên gia đánh giá, với niên đại hơn 100 năm tuổi, đây là ngôi nhà có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, minh chứng rất rõ về quá trình tiếp thu văn hóa phương Tây có chọn lọc, để hòa nhập với các giá trị kiến trúc truyền thống bản địa trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, gần đây, theo kế hoạch triển khai dự án mở rộng tuyến đường ven sông Đồng Nai, ngôi biệt thự cổ có tuổi đời trăm năm này lại có nguy cơ bị tháo dỡ, vì nằm trong phạm vi mở rộng tuyến đường.
Việc phá dỡ công trình chỉ được tạm đình chỉ khi xuất hiện nhiều thông tin và ý kiến chuyên gia khoa học kiến nghị, đồng thời chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cũng nghiên cứu các giải pháp bảo tồn lại công trình này.
Điểm đáng chú ý chính là công trình dù về cơ bản có giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan tiêu biểu, được giới chuyên gia và cộng đồng công nhận, nhưng vẫn chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa để quản lý và bảo tồn bài bản, khoa học.
Cụ thể, thông tin công bố cho thấy từ năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai đã nghiên cứu, đánh giá sơ bộ và đề nghị bổ sung công trình này vào danh mục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh và được UBND tỉnh chấp thuận phê duyệt xếp hạng giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, công trình đã bị dừng thực hiện lập hồ sơ di tích và đưa ra khỏi danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích do có sự tranh chấp về quyền sử dụng và sở hữu của những người thừa kế cũng như đang sinh sống, quản lý trực tiếp ngôi nhà.
Đến năm 2023, khi dự án đường ven sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu được triển khai thi công xây dựng thì cơ quan quản lý lại nhận được văn bản đề nghị giữ lại ngôi biệt thự của người trực tiếp trông coi biệt thự hiện nay.
Trong diễn biến mới nhất, cơ quan quản lý địa phương đã nhanh chóng tiếp thu phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông. Trên cơ sở 4 phương án đề xuất, phương án số 2 là nắn tuyến đường ven sông để vẫn giữ lòng đường rộng 24m trên toàn tuyến đã được ưu tiên lựa chọn ngay trong cuối tuần vừa qua. Quyết định này nếu được triển khai, mang đến cơ hội bảo tồn và hồi sinh một công trình kiến trúc cổ có giá trị, lưu giữ được các giá trị bản sắc văn hóa lịch sử của đô thị, cũng như đóng góp cho sự phát triển bền vững chung. Điều này cũng được nhiều chuyên gia khoa học, cộng đồng người dân đón nhận và ủng hộ.
Tuy nhiên, cũng như nhiều sự việc đã xảy ra trước đây, trường hợp nhà cổ Lầu Ông Phủ ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) lần này càng cho thấy việc quản lý, bảo tồn các công trình nhà ở cổ, cũ có giá trị tại địa phương trong quá trình phát triển đô thị là rất phức tạp.
Theo một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Viện Kiến trúc Quốc gia chúng tôi đã thực hiện trong năm 2021, hệ thống văn bản pháp luật đối với bảo tồn các di tích và công trình kiến trúc có giá trị đã tương đối hoàn chỉnh.
Luật Di sản văn hóa 2001 đã quy định các công trình kiến trúc có giá trị phải được rà soát đánh giá, bổ sung vào danh mục và xây dựng hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị.
Luật Kiến trúc 2019 cũng quy định các địa phương phải kiểm kê và lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị (đặc biệt là các công trình chưa được xếp hạng theo Luật di sản văn hóa trước đây) để bảo tồn và phát huy giá trị đồng bộ.
Từ đó đến nay, việc quản lý đã có phần chặt chẽ hơn, tuy nhiên các công trình cổ, cũ và có giá trị, đặc biệt là các công trình chưa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lấn. Trong số này, các công trình thuộc thể loại nhà ở dân cư cũ, cổ đang thuộc sở hữu trong dân thuộc nhóm nguy cơ bị biến dạng và mai một cao nhất.
Lý do bắt nguồn từ đặc thù công trình nằm phân tán trên địa bàn dân cư, dẫn đến khó khăn trong rà soát, nắm bắt và quản lý đồng bộ của các cơ quan quản lý. Cộng thêm đó là tình trạng chủ sở hữu "trốn" xếp hạng hay cố tình để "lọt" danh mục kiểm kê theo quy định của hai đạo luật nêu trên, nhằm tùy ý sử dụng, trao đổi, chuyển nhượng.
Tiếp đến chính là sự phức tạp về sở hữu và thừa kế nên công trình bị sử dụng tùy tiện, thiếu bảo quản, trùng tu hợp lý. Khi công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa hay đưa vào danh mục kiến trúc có giá trị thường phát sinh tranh cãi, khó đạt được đồng thuận giữa các chủ sở hữu và người sử dụng, gây nhiều cản trở làm kéo dài thời gian đánh giá, kiểm kê, xếp hạng hoặc liệt kê trong danh mục di tích lịch sử văn hóa hay công trình kiến trúc có giá trị.
Và sau cùng, những tồn tại về công tác quản lý phát triển đô thị còn thiếu khoa học, chưa đồng bộ giữa bảo tồn bản sắc và xây dựng hiện đại, không theo quy hoạch và kế hoạch, điều chỉnh cục bộ nhiều dẫn đến triển khai thiếu thống nhất.
Có thể khẳng định các công trình kiến trúc có giá trị dù đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa theo Luật di sản văn hóa, hoặc mới chỉ nằm trong danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Luật Kiến trúc, đều là những tài sản văn hóa, kiến trúc vô giá. Mọi sự biến dạng, mai một đều không thể lấy lại được và tạo nên những đứt gãy về bản sắc văn hóa, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững đô thị.
Việc các cơ quan quản lý tại địa phương nhanh chóng điều chỉnh dự án phát triển đô thị, và thiết lập một phương án bảo tồn công trình có giá trị như trường hợp nhà cổ Lầu Ông Phủ ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng cách giải quyết "tình thế" như trên, bởi trong nhiều trường hợp điều kiện không cho phép sẽ khó có được giải pháp tối ưu cũng như làm phát sinh cả chi phí và thời gian do phải tiến hành điều chỉnh cục bộ.
Một kế hoạch triển khai đồng bộ, khoa học ngay từ ban đầu là điều cần làm trên cơ sở việc lồng ghép công tác rà soát, đánh giá, kiểm kê các công trình di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng và công trình kiến trúc có giá trị trong quản lý đô thị.
Theo đó, các địa phương cần triển khai rà soát, kiểm kê di tích để lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với các công trình có giá trị tiêu biểu hoặc kê khai đầy đủ trong danh mục công trình có giá trị để không bỏ lọt, bỏ sót theo đúng các quy định của Luật di sản văn hóa và Luật Kiến trúc.
Xây dựng các quy hoạch dự án và kế hoạch triển khai trên cơ sở có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị đối với các di tích kiến trúc và công trình kiến trúc có giá trị là điều cần làm trong phát triển đô thị ở Việt Nam.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!