Mùa Euro không phải mùa cá cược!
Vòng chung kết giải bóng đá vô địch châu Âu 2024 - Euro 2024 - đã khai màn với chiến thắng "5 sao" mãn nhãn của tuyển Đức trước Scotland. Một tháng "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" bắt đầu với người hâm mộ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Màn ra mắt đầy ấn tượng của tuyển Đức mới chỉ là sự khởi đầu cho giải bóng đá hấp dẫn bậc nhất hành tinh, có lẽ chỉ sau World Cup mà thôi. Ngoài Đức, còn tuyển Ý - đương kim vô địch, Anh - đương kim Á quân giải trước, rồi cơn lốc màu da cam Hà Lan, những chú gà trống Pháp, hay dàn sao của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Cuộc cạnh tranh tới ngôi vô địch sẽ vô cùng hấp dẫn, hứa hẹn đầy kịch tính và cả những bất ngờ trong một tháng tới.
Cũng là giải vô địch bóng đá cấp châu lục, tương tự CAN (giải vô địch châu Phi), COPA America (giải vô địch Nam Mỹ), hay Asian Cup (giải vô địch châu Á) diễn ra cùng trong năm nay, nhưng Euro có sức hấp dẫn đặc biệt, gần như làm "lu mờ" mọi giải đấu khác.
Vào lúc này, có lẽ ít người để ý rằng từ 20/6-14/7, giải vô địch bóng đá Nam Mỹ mở rộng - COPA America với những đội tuyển hàng đầu thế giới khác như Brazil, Argentina hay Uruguay cũng sẽ diễn ra?
Nếu bạn muốn xem cả COPA America, thì trong những ngày tới, liệu bạn có thể dành cả tối và đêm xem Euro, rồi sáng xem COPA? Chắc chắn là không thể rồi, đành chọn các trận hay để theo dõi thôi. Dù thế nào, cuộc sống của rất nhiều gia đình cũng sẽ có những xáo trộn trong "mùa Euro" này. Những ai hâm mộ bóng đá hẳn đều cần có sự sắp xếp, điều chỉnh hợp lý để không ảnh hưởng tới công việc và nhiều thứ khác trong cuộc sống cho phù hợp…
Nền kinh tế Đức gặp nhiều vấn đề trong những năm qua. Từng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn gần như tới mức khủng hoảng ấy, Đức không nên tổ chức các sự kiện bóng đá hay thể thao lớn (sẽ phải đầu tư không ít kinh phí). Nhưng nếu bạn tìm hiểu kỹ hơn, để ý hơn sẽ thấy ý nghĩa tích cực của Euro với nước Đức như thế nào.
Hình ảnh hàng trăm nghìn cổ động viên nước ngoài, tưng bừng ca hát, uống bia Đức, tham quan các danh thắng ở 10 thành phố của nước Đức xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Không chỉ du khách từ 23 đội tuyển quốc gia khác dự EURO mà hàng vạn người hâm mộ từ nhiều nước khác cũng đến Đức vào dịp này. Lượng phòng khách sạn được lấp đầy theo đó cũng cao hơn hẳn.
Và cả "nền công nghiệp bia" lừng danh của Đức cũng được hưởng lợi lớn. Theo thống kê, lượng tiêu thụ bia trong dịp World Cup 2006 từng tăng lên gần 1,5 lần tại các thành phố của nước Đức tham gia tổ chức kỳ World Cup ấy.
Sự quảng bá đối với văn hóa, du lịch Đức không thể tính bằng tiền. Sự lan tỏa, truyền cảm hứng của sự kiện này tới các lĩnh vực khác của đời sống xã hội (qua đó khơi dậy sự lạc quan về sự phục hồi và tương lai tươi sáng hơn của nền kinh tế) cũng vậy!
Cơ sở vật chất sẵn có, chẳng hề phải xây mới thêm sân vận động nào, hay nhà nước cũng không phải bỏ ra nhiều kinh phí để nâng cấp hệ thống giao thông… Điều này khiến chi phí của nước chủ nhà được giảm thiểu. Bởi vậy, xét trên nhiều góc độ khác nhau thì Euro 2024 sẽ chỉ đem lại cho nước chủ nhà lợi ích với nhiều điều tích cực mà thôi…
Bạn có biết vì sao chỉ tới trước khai mạc Euro vỏn vẹn 1 ngày, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) mới công bố việc phát sóng trực tiếp giải đấu trên các kênh sóng của mình hay không (thông thường công bố trước cả tháng)?
Số là trước đó, VTV cũng như nhiều nhà đài khác tại Việt Nam đã phải cùng giải quyết một vấn đề phát sinh về "khoảng trống pháp lý" trong quá trình phát sóng các giải bóng đá quốc tế.
Luật Quảng cáo của Việt Nam vốn cấm việc quảng cáo cho các hình thức cờ bạc, cá cược bất hợp pháp. Nhưng trong các trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh hay cúp C1 châu Âu, thường xuyên xuất hiện hình ảnh các tấm biển quảng cáo in thương hiệu của các trang cá cược thể thao, các "nhà cái" quốc tế. Thậm chí ngay trên áo đấu của 7/20 đội đá giải Ngoại hạng Anh mùa vừa qua cũng in tên các công ty cá cược. Trong bối cảnh chúng ta mua bản quyền, về nguyên tắc là tiếp sóng nguyên trạng, không có cách nào để "che" đi những hình ảnh ấy. Cũng có nghĩa chỉ có thể lựa chọn: Một là không phát, hai là chấp nhận "quảng cáo thụ động" kèm theo giải pháp khuyến cáo để người dân không tham gia cá độ quốc tế - vì như thế là bất hợp pháp tại Việt Nam!
Từ rất lâu, vấn nạn về cá độ bóng đá đã là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Bao gia đình đã tan nát, bao vụ việc đau lòng xuất phát từ đó. Cơ quan chức năng ước tính mỗi năm có tới hàng tỷ USD từ Việt Nam "chảy" ra nước ngoài thông qua các đường dây, mạng lưới cá cược bất hợp pháp. Bộ Công an và công an các địa phương đã triệt phá hàng trăm ổ nhóm, bắt hàng nghìn đối tượng, nhưng "chặt đầu này lại mọc đầu khác", cá cược bất hợp pháp vẫn tồn tại, song hành với các giải bóng đá quốc tế, đặc biệt càng là mối lo mỗi khi vào mùa Euro hay World Cup.
Chuyện người ta bàn tán nhau hàng ngày như "độ trận này ra sao?", "kèo Đức chấp trái rưỡi có theo không?"… xuất hiện ở khắp nơi, từ quán trà đá, cà phê tới các công sở. Việc "chơi vui", "cá" với nhau ly cà phê hay bữa ăn sáng cho thêm phần hấp dẫn khi theo dõi bóng đá thì thoải mái, nhưng nếu thông qua các đường dây trung gian để cá độ quốc tế thì lại vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Cũng như các mùa Euro hay World Cup khác, những ngày này đây đó trên mạng xã hội đã xuất hiện những trò đùa phản cảm về "cắm sổ đỏ", về "nhảy cầu"… Chúng ta hãy cùng thưởng thức bóng đá, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc, cuộc sống, để mùa Euro thật sự là mùa hè lành mạnh của môn thể thao Vua.
Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!