Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

"Mùa" đào xới, cải tạo vỉa hè

Hôm trước tôi xem trên báo Dân trí phản ánh chuyện người dân khổ sở vì vỉa hè phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) bị đào bới dở dang, chất đống vật liệu nhưng trong nhiều tuần tiến độ không "nhúc nhích" được bao nhiêu.

Tìm hiểu mới biết tình trạng đào xới, cải tạo vỉa hè vào những tháng cuối năm không chỉ diễn ra ở phố Nguyễn Chí Thanh, mà còn nhiều tuyến đường khác ở Thủ đô như Giảng Võ, Cầu Diễn… Tương tự, tôi quan sát ở TPHCM, cứ đến cuối năm lại thấy nhiều lô cốt quây các khu vực sửa đường, có những nền vỉa hè mới được sửa thời gian ngắn cũng bị đào lên để cải tạo.

Điều khiến nhiều người bức xúc là thời gian cuối năm mật độ giao thông cao hơn bình thường, phương tiện đông đúc thì vỉa hè lại trở thành công trường ngổn ngang, bụi bặm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh buôn bán của người dân, nhất là những hộ dân mặt tiền có nhu cầu kinh doanh mùa vụ trước Tết, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Không chỉ năm nay, việc đào xới vỉa hè những tháng cuối năm đã diễn ra từ lâu, dư luận bức xúc và báo chí cũng đã lên tiếng song "điệp khúc" này chưa có dấu hiệu thay đổi.

Mùa đào xới, cải tạo vỉa hè - 1

Một số đoạn vỉa hè lát đá còn dang dở trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), chưa thể trả lại lối đi cho người đi bộ (Ảnh: Tố Linh)

Nhìn từ góc độ đầu tư công, cải tạo vỉa hè là sử dụng ngân sách để chỉnh trang đô thị, và về phía người dân cũng có nhu cầu sử dụng những vỉa hè khang trang, sạch sẽ hơn. Nhưng vì sao việc đào xới, cải tạo vỉa hè không diễn ra vào thời gian khác mà cứ tập trung vào cuối năm?

Theo trả lời của đại diện ban quản lý các dự án thì hai lý do chính là kinh phí được phân bổ vào cuối năm và thời tiết thích hợp. Một số ý kiến phân tích thêm, địa phương thường ưu tiên vốn cho những dự án lớn và bức thiết, đến cuối năm nếu còn vốn mới phân bổ cho việc sửa chữa vỉa hè vì các dự án này thường nằm trong diện không cấp bách. Khi được bố trí ngân sách thì đơn vị liên quan sẽ triển khai ngay để tránh bị điều chuyển vốn sang nơi khác do chậm trễ.

Tuy nhiên, các lý do trên không thuyết phục bởi việc sử dụng ngân sách bên cạnh yêu cầu chống thất thoát, tiêu cực, cần tính toán đến lợi ích tổng thể để đạt hiệu quả tối ưu.

Trước hết, về yếu tố thị trường, chi phí thực hiện các dự án (giá nhân công, vật liệu) thường sẽ gia tăng vào cuối năm; có thể dự án được thực hiện theo chi phí cố định trong hợp đồng, nhưng với nhà thầu khi chi phí thực tế bị đội lên thì họ sẽ đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Xét lợi ích tổng thể cả nhà nước và xã hội, đào xới và chỉnh trang vỉa hè vào cuối năm không phải là một phương án đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả. Nếu các đơn vị liên quan vì thành tích giải ngân hay vì áp lực nào khác mà hạ thấp chuẩn mực thì có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công. Nếu trường hợp đó xảy ra, nhà nước không chỉ mất tiền, mất cán bộ, mà quan trọng hơn là mất niềm tin. Hiệu quả của các nỗ lực chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè bị ảnh hưởng tiêu cực.

Hơn nữa, cuối năm là thời gian có nhiều ngày lễ tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán nên việc thi công dự án sẽ bị gián đoạn do nhà thầu, công nhân nghỉ. Và cũng bởi thi công "vắt" qua Tết nên thay vì đường phố quang đãng và sáng sủa dịp này thì lại ngổn ngang, bừa bộn, ít nhiều khiến người dân ở địa phương nơi có công trình cải tạo vỉa hè ăn Tết… mất vui.

Tiếp theo, về yếu tố thời tiết, đúng là ở miền Nam mùa khô cuối năm thuận lợi trong thi công, nhưng các chuyên gia xây dựng cho rằng mùa khô kéo dài đến gần giữa năm sau, cải tạo vỉa hè không phải là dự án phức tạp và có thể chia thành các gói nhỏ, nếu áp dụng phương pháp thi công "cuốn chiếu" thì vừa đảm bảo sinh hoạt của người dân vừa đẩy nhanh được tiến độ. Ở miền Bắc tuy thời tiết có bốn mùa song về cơ bản việc lựa chọn thời gian thi công cũng không nhất thiết tập trung vào cuối năm.

Rõ ràng, các địa phương hoàn toàn có thể cân đối thời gian chỉnh trang vỉa hè trong năm, tránh việc đào xới dồn vào cuối năm; đồng thời yêu cầu nhà thầu triển khai giải pháp thi công nhanh, giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và tình hình giao thông.

Đã đến lúc câu hỏi "Vì sao người ta thích lát vỉa hè dịp cuối năm đến thế?" cần được giải trình rõ ràng, không để xảy ra những cuộc "chạy đua" khiến bộ mặt phố phường càng trở nên bụi bặm, ngổn ngang vào dịp cao điểm cuối năm.

Chính quyền địa phương cần tạo sức ép lên những cơ quan quản lý vốn hay có các dự án đầu tư, thậm chí người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu không đảm bảo việc triển khai dự án cải tạo vỉa hè đúng quy định và vào thời gian phù hợp. Lãnh đạo thành phố cũng có thể thành lập những tổ công tác xem xét quận, phường nào để kéo dài các dự án chỉnh trang vỉa hè thì chấn chỉnh ngay. Đây chính là một trong những việc làm thiết thực nhất cho người dân mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!