"Trung tâm thành phố không chỉ là chỗ của người giàu"
Làm việc với chính quyền Quận 1 hôm 28/8, chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ quan điểm không đồng tình "đẩy" người bán hàng rong ra khỏi trung tâm thành phố để mời gọi doanh nghiệp lớn. "Đừng ai nghĩ trung tâm TPHCM chỉ là chỗ của người giàu, người sang trọng. Có bao nhiêu người buôn gánh, bán bưng ở đây thì phải tìm hiểu họ là ai, tạo sinh kế thế nào cho họ. Đừng nghĩ đẩy họ ra khỏi chỗ này", ông nói.
Có thể hình dung thông điệp đầy tính nhân văn của chủ tịch Phan Văn Mãi là "không vì nhu cầu hướng đến văn minh, hiện đại của người này mà phải đánh đổi bằng sinh kế của người khác".
Sự tồn tại dai dẳng của kinh tế vỉa hè, hàng rong ở nước ta bắt nguồn từ những điều kiện khách quan của một xã hội đang phát triển. Đó là sự chưa trưởng thành của khu vực kinh tế chính thức, năng lực hạn chế của số lượng lớn lao động chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo kém chất lượng, thói quen tự kinh doanh nhỏ lẻ, sở thích mua sắm tiện lợi của cư dân đô thị… Tất cả hòa quyện lại tạo ra bệ đỡ khá bền vững cho kinh tế vỉa hè, bất chấp đã có những thời điểm chính quyền ở một số nơi hành động quyết liệt.
Chiến dịch "giành lại vỉa hè" từng được triển khai ồn ào ở TPHCM và Hà Nội năm 2017, sau 5 năm chúng ta càng thấy sức sống dẻo dai của kinh tế vỉa hè nói chung và buôn gánh bán bưng nói riêng.
Vỉa hè, phố đi bộ… là bộ mặt đô thị, mặt tiền kinh doanh và nơi tập trung đông người, bởi vậy ngoài công năng như tên gọi thì việc các không gian này trở thành nơi tìm sinh kế của một bộ phận người dân là điều dễ hiểu. Và tất nhiên tiếp cận từ phía chính quyền địa phương thì luôn có nhu cầu giữ gìn "bộ mặt" sao cho văn minh, trật tự. Đơn cử, trong kế hoạch đẩy mạnh công tác quản lý đô thị của thành phố Hà Nội mới được ban hành hôm 19/8 vừa qua, đã xác định xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.
Hẳn nhiên, thành phần "kinh tế vỉa hè" - những người tìm kiếm lợi ích riêng tư trong phạm vi địa điểm và không gian không thuộc về mình - là nhóm đối tượng sẽ bị ảnh hưởng rõ nhất khi chính quyền quyết tâm "dẹp vỉa hè". Có thể đó là một chiến dịch ra quân hay chiến dịch đẩy đuổi hàng rong, mời doanh nghiệp lớn vào đầu tư quầy hàng…
Nếu nhìn về bản chất vấn đề, các chủ thể tham gia kinh tế vỉa hè (dù chỉ là một chỗ gửi xe trái phép hay một gánh bún riêu…) đã chiếm dụng tài sản công là các không gian công cộng để tìm kiếm sinh kế và lợi ích cho mình. Hình thức chiếm dụng có thể là lấn chiếm lòng đường, vỉa hè hay dừng đỗ tùy tiện nơi công cộng để bán hàng, gây ách tắc giao thông và nhếch nhác về mỹ quan đô thị. Bởi vậy, trong một xã hội ngày càng tiến lên hiện đại, văn minh thì bên cạnh góc nhìn chia sẻ, tất yếu sẽ có những ý kiến ngày càng trở nên thiếu thiện cảm với kinh tế vỉa hè. "Thiệt công, lợi tư" chính là căn nguyên cho tâm thế bị động, nơm nớp lo lắng của kinh tế vỉa hè mỗi khi dư luận xã hội ồn ào hay chính quyền ở đâu đó đề cập đến các kế hoạch quản lý đô thị.
Cũng bởi thế, cho đến nay, những tiếng nói bảo vệ kinh tế vỉa hè vẫn chủ yếu dựa vào luận điểm muốn giữ gìn nét văn hóa riêng của các đô thị ở một nước đang phát triển. Cùng với đó, quan điểm kinh tế học chỉ ra rằng khu vực kinh tế phi chính thức, bao gồm kinh tế vỉa hè, vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu việc làm, bảo đảm đời sống cho một lực lượng lớn lao động, nhờ đó giảm bớt gánh nặng cho khu vực kinh tế chính thức vốn chưa phát triển kịp với nhu cầu việc làm của người lao động.
Các nhà nghiên cứu xã hội học lại nhấn mạnh sự phân hóa xã hội trước những tranh cãi về kinh tế vỉa hè. Tại các đô thị lớn, những nhóm xã hội khá giả ngày càng gia tăng tất nhiên sẽ kỳ vọng về một không gian đô thị sạch sẽ, ngăn nắp. Bởi vậy, họ sẽ có thiên hướng ủng hộ các biện pháp mạnh tay với kinh tế vỉa hè. Ngược lại, những nhóm xã hội yếu thế vốn coi vỉa hè là khu vực kiếm sống, thậm chí là cơ hội mưu sinh duy nhất với họ, thì lại hy vọng về sự nương tay từ phía chính quyền.
Sự "yếu ớt" của những tiếng nói bảo vệ kinh tế vỉa hè bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, bản thân các chủ thể kinh tế vỉa hè thường thuộc các nhóm xã hội yếu thế. Sự yếu thế của nhóm này là tổng hợp các yếu tố: bình dân về thu nhập và mức sống, hạn chế về học vấn và trình độ nghề nghiệp được đào tạo, bất lợi về tuổi và giới tính, và vị thế lao động di cư…Bởi thế, các chủ thể kinh tế vỉa hè ít cơ hội tiếp xúc và lên tiếng thông qua giới truyền thông, nếu có thường là những câu chuyện đơn lẻ. Những nhu cầu, nguyện vọng của họ cũng không dễ đến với cán bộ hoạch định chính sách. Thứ hai, và là nguyên nhân chính, sự tìm kiếm lợi ích, dù là mưu sinh, của nhóm kinh tế vỉa hè dựa trên sự xâm phạm lợi ích công. Bởi thế, dù có đưa ra lập luận nào thì những quan điểm bảo vệ kinh tế vỉa hè cũng thiếu cơ sở chính đáng.
Phát biểu của chủ tịch TPHCM ở trên gợi ra quan điểm linh hoạt chính sách với kinh tế vỉa hè. Linh hoạt chính sách có nghĩa là chúng ta cần tránh tuyệt đối hóa, cực đoan hóa lựa chọn dẹp bỏ hay dung dưỡng kinh tế vỉa hè. Thay vào đó, chính quyền các địa phương cần có sự phân loại cụ thể các hình thức kinh tế vỉa hè, đánh giá ưu điểm và hạn chế, để từ đó có hành động phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Cụ thể hơn, với những hoạt động kinh tế vỉa hè xâm phạm nghiêm trọng lợi ích công thì cần dứt khoát cấm. Chẳng hạn như các tụ điểm mua bán gây ách tắc giao thông, hay lấn chiếm, bán hàng rong tùy tiện tại những địa điểm trung tâm, thể diện của địa phương, nên cần nghiêm khắc dẹp bỏ.
Với những địa điểm mà kinh tế vỉa hè chỉ gây ra chút khó chịu, bất tiện cho một bộ phận cư dân trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu của số đông người dân thì có thể linh hoạt quản lý theo khung giờ và theo địa bàn. Sự linh hoạt này là dựa trên sự dung hòa và hài hòa lợi ích giữa Công và Tư, giữa chính quyền và các nhóm xã hội khác nhau.
Những tranh cãi về dẹp bỏ hay cho tồn tại với kinh tế vỉa hè phản ánh thực tế mức độ bất bình đẳng xã hội đang ngày càng gia tăng ở một số địa phương. Xã hội càng phân hóa thì lợi ích càng trở nên đa dạng, cũng bởi thế mà càng có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí xung đột nhau về cách thức giải quyết một vấn đề nào đó.
Ứng xử với kinh tế vỉa hè không thể chỉ dựa vào những cơ sở bề nổi là hướng đến sự văn minh đô thị hay cải thiện hiệu quả quản lý của chính quyền. Thay vào đó, những can thiệp với kinh tế vỉa hè cần dựa trên giá trị đạo đức với đích đến vì con người. Linh hoạt chính sách có thể khiến cán bộ chính quyền vất vả hơn, nhưng đó cũng là chiến lược cần thiết để sự hài lòng với cuộc sống của nhóm này không bị trả giá bởi sự thất vọng, thậm chí bế tắc với cuộc sống của nhóm khác.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng là tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!