Vỉa hè là của ai?
"Cho con ăn bún hả? Để xe vào đây", chị chủ quán chỉ cho tôi chỗ dựng xe với vẻ mặt cau có. Chị hất tay sang bên kia đường, nơi người phụ nữ ăn vận sang trọng đang dắt một đứa trẻ bước vào cổng trường, giải thích cho sự cau có của mình: "Nhìn người như vậy mà vô ý thức, đậu cái xe chắn hết cửa nơi người ta bán hàng".
Nói xong, chị lấy tờ giấy trắng viết mấy dòng chữ gì đó rồi ra kẹp vào gạt mưa xe.
Tôi quan sát chiếc xe hơi đỗ giữa 2 nhà, một phần ba lấn vào phía trước cửa hàng bún, phần đầu xe đã gối sang lối dành cho người đi bộ. Bên kia đường, người phụ nữ là chủ xe chẳng màng tới mấy lời la mắng của chị chủ quán bún.
Con đường trước cổng trường mới được sửa sang, vỉa hè rộng rãi thuận tiện cho các hộ dân mặt tiền khai thác kinh doanh. Hai bên cổng trường, bảo vệ căng dây trên vỉa hè làm nơi trông giữ xe máy cho các phụ huynh gửi xe để dẫn con vào lớp. Phía bên này là hàng quán bán đồ ăn sáng. Học sinh ra vào ngôi trường đều phải đi bộ dưới lòng đường.
Quán bún tôi kể ở trên kê bàn ghế ra giữa vỉa hè, bên trái là một hàng cà phê mang đi, bên phải thì xe đứng bán bánh mì. Những ai vào mua đồ ăn mới được dừng đỗ xe, còn không sẽ bị la mắng quát tháo.
Hàng ngày chứng kiến cảnh vỉa hè được sử dụng vậy, tôi không khỏi băn khoăn "vỉa hè là của ai?".
Hiểu theo nghĩa phổ biến thì vỉa hè, đường phố do nhà nước đầu tư, dành cho phương tiện giao thông, người đi bộ và là một cấu phần của hạ tầng đô thị. Nhưng trong thực tế thì vỉa hè vừa có rất nhiều "chủ", lại vừa "vô chủ".
Trong thời gian theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, tôi từng tham gia một cuộc tranh luận về các bên liên quan đến vỉa hè, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Lớp chúng tôi được chia ra làm nhiều nhóm cố gắng tìm kiếm, liệt kê hết những bên khác nhau có lợi ích đối với vỉa hè, để từ đó kiến nghị chính sách. Một chính sách tốt cần phải tính toán để đảm bảo lợi ích xã hội là tối đa, trong đó lợi ích của các bên liên quan cũng phải được đảm bảo.
Trước hết vỉa hè phải được ưu tiên cho người đi bộ, những người tham gia giao thông dừng trú mưa, nghe điện thoại; những phương tiện trục trặc cần dừng, đậu để sửa chữa… Vỉa hè còn là nơi đặt các đường ống nước ngầm, bóng đèn chiếu sáng, đường cáp điện ngầm, cáp viễn thông, cáp truyền hình ngầm…, bởi vậy các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp những dịch vụ này đều có lợi ích và nhu cầu sử dụng vỉa hè. Rồi đến ngành giao thông thì phải đào, đặt các trụ treo biển báo tín hiệu đường bộ…
Liệt kê một hồi, chúng tôi thấy rằng dường như bên có quyền lợi lớn nhất là chủ những căn nhà mặt tiền. Khi họ được cấp giấy phép xây dựng căn nhà mặt tiền, rõ ràng họ có quyền với lối đi ra chính là vỉa hè, quyền với "bất động sản liền kề" cũng chính là cái vỉa hè trước cửa nhà họ.
Dù không luật pháp nào quy định, song chủ các ngôi nhà mặt tiền có lợi ích rõ ràng với vỉa hè và bảo vệ quyền lợi của mình quyết liệt nhất, khi hàng ngày họ phải đi ra, đi vào. Ở những vị trí đắc địa, chủ nhà còn có thể tự đứng ra kinh doanh và/hoặc thu tiền cho thuê vỉa hè trước nhà mình
Chẳng hạn như chủ quán bún tôi kể trên vừa đứng ra kinh doanh, vừa cho hai người khác thuê "suất vỉa hè" để đứng bán cà phê và bánh mỳ mang đi.
Hiện nay chúng ta có nhiều quy định về việc quản lý, sử dụng vỉa hè nhưng chưa phân định thật rõ ràng quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, hay nói một cách nôm na chưa chỉ rõ "vỉa hè là tài sản của ai?".
Mọi người thường nghĩ vỉa hè là của nhà nước. Đúng như vậy. Nhưng như tôi đã phân tích ở trên, khi nhà nước cấp cho các chủ nhà mặt phố giấy phép xây dựng, cũng được hiểu là họ có quyền đảm bảo lối đi riêng. Mà lối đi riêng này chính là phần vỉa hè trước căn nhà họ được cấp phép. Cho nên họ trở thành "chủ" hoặc cư xử như là "chủ" của đoạn vỉa hè đó.
Ngoài người "chủ" này thì còn rất nhiều bên liên quan khác khiến cho vỉa hè bị "chia năm xẻ bảy", bị lấn chiếm, bị xuống cấp…, để rồi một ngày chúng ta thấy rằng vỉa hè không còn thực hiện được chức năng chủ yếu của nó là dành cho người đi bộ nữa.
Tâm lý coi vỉa hè là của chung còn xuất phát từ nếp văn hóa làng xã, từ một bộ phận người dân hàng ngày phải mưu sinh nơi hè phố.
Với những người dân thu nhập thấp, hàng quán vỉa hè không chỉ vấn đề thuận tiện mà quan trọng hơn là phù hợp về chi phí, giá cả. Có cung thì có cầu. Có lợi ích thì có mâu thuẫn khi vỉa hè bị "giằng xé" giữa các bên liên quan. Biết bao nhiêu cuộc ra quân giữ trật tự vỉa hè từ thời Nghị định 36/CP năm 1995 đến nay, nhưng mỗi đợt dù rầm rộ như thế nào cũng chỉ được một thời gian nhất định rồi đâu lại vào đó.
Vậy chúng ta nên quản lý vỉa hè như thế nào?
Kinh nghiệm của Thái Lan là thiết lập những khu food court tại tầng hầm của các trung tâm thương mại, khu văn phòng hay các khu dân cư tập trung để phục vụ các món ăn đường phố cho những người thu nhập thấp. Sân bay hiện đại nhất của Thái Lan là Suvarnabhumi cũng thiết kế một trung tâm bán thức ăn đường phố dưới tầng hầm. Còn kinh nghiệm của Singapore là hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển giao thông công cộng, qua đó giảm tải, giảm áp lực lên vỉa hè.
Vấn đề là chính sách của nước ngoài chưa chắc có thể áp dụng ngay tại Việt Nam. Bởi vì chúng ta phát triển giao thông công cộng ì ạch, cho nên đa số người dân vẫn phải sử dụng xe máy, mà xe máy thì gắn với đời sống vỉa hè. Còn quy hoạch khu vực riêng cho người bán hàng rong, cho ẩm thực vỉa hè là vấn đề rất khó khăn khi đất ở các khu trung tâm là "đất vàng", "đất kim cương".
Thực ra những giải pháp trên đây đã được các cơ quan chức năng ở Việt Nam đề cập đến, nhưng lộ trình như thế nào phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền các thành phố và nguồn lực địa phương.
Trong lúc này, chúng ta không thể ngồi chờ bởi vỉa hè là chuyện hàng ngày. Vậy thì có những việc làm dần và có những việc cần làm ngay. Dù việc nào, muốn bền vững phải trên cơ sở mang lại lợi ích hài hòa cho các bên liên quan.
Những quyền về đảm bảo lối đi riêng, hay quyền đi/đỗ tại khu vực sở hữu công lòng đường, hè phố rất bức bối hiện nay, cần được cơ quan chức năng rà soát và chỉnh sửa quy định, đặc biệt cần chỉ rõ "vỉa hè là của ai", hay nói cách khác cần làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan.
Dù là để phục vụ công tác quản lý hay để áp dụng chế tài, đều phải có địa chỉ rõ ràng, tránh "cha chung không ai khóc".
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!