Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

Lo lắng cho vỉa hè dưới trời mưa nắng

Lo lắng cho vỉa hè dưới trời mưa nắng - 1

Những viên đá lát vỉa hè bị vỡ nát trên một đoạn phố ở Hà Nội, tháng 9/2022 (Ảnh: Tố Linh)

Vỉa hè là không gian công cộng, tài sản sở hữu chung của xã hội và mỗi người đều thấy phần mình trong đó, bởi vậy ít có công trình hạ tầng nào chịu nhiều "giằng xé" như vỉa hè.

Trước hết, người dân sử dụng những căn nhà phố, quay mặt ra vỉa hè thường sử dụng vỉa hè như là gara để xe máy, ô tô; những hộ kinh doanh có thể kê bàn ghế phục vụ thực khách, thậm chí vỉa hè còn sử dụng làm nơi đậu ô tô. Các nhu cầu sử dụng này đòi hỏi vỉa hè phải cứng, chắc, phẳng.

Nhưng vỉa hè cũng dành cho người đi bộ nên đòi hỏi phải thi công phẳng phiu, không quá trơn để không ai bị vấp hay trượt ngã.

Vỉa hè còn là nơi các đơn vị điện, nước, mạng viễn thông… vài ba tháng hoặc nửa năm lại đào lên, lấp xuống không chỉ khi thi công mới mà còn phục vụ nhu cầu sửa chữa các hư hỏng đột xuất, bảo dưỡng hệ thống. Vì vậy, nhìn ở góc độ này thì vỉa hè cần được thiết kế để dễ tháo lắp, dễ thi công giúp các đơn vị nêu trên có thể sửa chữa, bảo dưỡng các công trình ngầm nhanh chóng, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và giảm thiểu chi phí.

Vỉa hè cũng là nơi trồng cây xanh, khi ấy hệ thống rễ cây có thể phát triển đan xen, có thể bám vào các khe nứt của bê tông hay những vết ghép phá hỏng kết cấu hạ tầng. Và như vậy thì chính vỉa hè cũng cần sửa chữa, cải tạo kịp thời nếu không công trình sẽ suy giảm tuổi thọ.

Lo lắng cho vỉa hè dưới trời mưa nắng - 2

Vỉa hè ghép bằng gạch tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM) vẫn bền sau nhiều năm sử dụng (Ảnh: Ngà Trịnh)

Ngoài ra, trong các đô thị hiện đại vốn phủ kín mặt đất bằng bê tông thì vỉa hè là một trong những nơi có thể giúp nước mưa thẩm thấu vào lòng đất, vừa giúp làm giàu thêm nguồn nước ngầm vốn đang bị khai thác cạn kiệt, vừa giảm áp lực lên hệ thống thoát nước mưa, hạn chế đáng kể ngập úng cục bộ trong các khu phố.

Từ thực tế và nhu cầu sử dụng đa dạng như vậy, đòi hỏi vỉa hè phải được lát bằng vật liệu chịu được độ cứng của lực tập trung tại một điểm (các chân chống xe máy của người dân; bánh xe máy, ô tô chạy qua, chạy lại hoặc thậm chí đậu xe trên vỉa hè…); vừa phẳng phiu thuận tiện cho người đi bộ, đồng thời cũng phải dễ thi công với chi phí thấp.

Trên thế giới, những nước có đô thị phát triển lâu đời thường chọn cách thức thi công vỉa hè bằng các viên gạch xi măng đúc, nền vỉa hè làm phẳng và lu chặt bằng cát, cho công trình đáp ứng hầu hết các yêu cầu sử dụng trên.

Để tăng tính thẩm mỹ, những viên gạch này có thể gia công theo các hình thức, kết cấu khác nhau như hình con sâu, hình vuông, hình lục lăng, quả trám…, đồng thời cũng có thể gia công nhiều màu khác nhau làm cho vỉa hè đẹp hơn.

Lo lắng cho vỉa hè dưới trời mưa nắng - 3

Để tăng tính thẩm mỹ, những viên gạch lát vỉa hè có thể gia công theo các hình thức, kết cấu khác nhau (Ảnh minh họa: Ngà Trịnh)

Theo nhiều chuyên gia xây dựng, nếu được sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và thi công cẩn thận thì gạch xi măng đúc là vật liệu lát vỉa hè rất tốt và đẹp. Nó có khả năng chịu lực bền, chống trượt và hút nước. Điều này đã được các nhà quy hoạch và xây dựng đô thị áp dụng rất thành công tại các tuyến phố trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM). Kết cấu này ngoài việc khả năng chịu lực tốt, còn rất tiện lợi trong việc tháo lắp để sửa chữa hay bảo dưỡng các công trình ngầm, cũng như giúp cho việc thẩm thấu nước mưa dễ dàng hơn.

Với đá tự nhiên dùng để lát vỉa hè, hiện hai loại phổ biến là đá vôi (Marble) được gia công vuông vức, mài phẳng và đá hoa cương (Granite) được gia công làm nhám bề mặt. Cả hai loại đá này đều có độ bền rất cao, nếu để trên núi thì có thể bền cả ngàn năm chứ không chỉ 70 năm. Tuy vậy, khi lát vỉa hè các loại đá tự nhiên này lại trơn trượt (nhất là trong mùa mưa hay trời nồm, đá ra "mồ hôi") khiến mọi người dễ té ngã, và đá tự nhiên còn không thấm nước, không giúp cho nước mưa thoát vào lòng đất.

Quan trọng hơn là giá thành các loại đá tự nhiên thường rất cao và tính theo thể tích khối đá sử dụng. Do đặc tính có độ giòn cao nên để đáp ứng các yêu cầu sử dụng ở vỉa hè thì cần gia công các khối đá có bề dày từ 50mm đến 70mm mới chịu được lực của xe máy, xe ô tô và khi ấy giá thành vật liệu càng cao hơn.

Để chọn giải pháp giảm giá thành, người ta có thể làm đá mỏng hơn, nhưng khi ấy cần làm nền móng thật chắc chắn, thậm chí phải đổ bê tông nền vỉa hè trước khi dán đá, điều này đòi hỏi kỹ thuật thi công và chi phí lại tiếp tục gia tăng. Vấn đề là thi công theo cách này thì về sau sẽ làm khó các đơn vị cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng công trình ngầm, đồng thời cản trở sự thẩm thấu nước mưa.

Do chi phí đắt đỏ nên đá tự nhiên thường chỉ được các nước sử dụng để lát ở nơi công cộng dành cho người đi bộ, quảng trường, khu phố có nhiều di sản, di tích kiến trúc, những nơi sang trọng ít có công trình ngầm cần đào lên hạ xuống, và quan trọng hơn là nó phải được làm nhám bề mặt để chống trơn trượt.

Có thể thấy rằng để có vỉa hè đẹp và bền thì hai yếu tố quan trọng là vật liệu và thi công, ngoài ra có thể kể thêm việc quản lý vỉa hè sao cho sử dụng đúng mục đích - đây là trách nhiệm của bất cứ chính quyền đô thị nào, không thể thoái thác theo kiểu do xe máy lao lên vỉa hè nhiều nên vỉa hè nhanh xuống cấp.

Kinh nghiệm thế giới và ngay trong nước không thiếu như đã nêu trên, vấn đề là chúng ta có chịu học hỏi và áp dụng hay không, hay là cứ làm như vừa qua khiến nhiều nơi vỉa hè xuống cấp rất nhanh, gây dư luận bức xúc. Khi công trình nhanh xuống cấp mà cơ quan quản lý lại đưa ra những giải thích thiếu khoa học thì lại càng khiến người dân mất niềm tin.

Lo lắng cho vỉa hè dưới trời mưa nắng - 4

Vỉa hè tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM (Ảnh: Ngà Trịnh)

Mới đây một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khi trao đổi với báo chí về hiện tượng đá lát vỉa hè bị vỡ, ông nói rằng đó chủ yếu là những tuyến đường được lát vỉa hè  giai đoạn trước tháng 3/2019. Đá lát vỉa hè trước giai đoạn này được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, "tự nó vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý".

Giải thích này càng khiến chúng ta lo lắng, vì ngoài các tác động như phương tiện giao thông, thi công hạ tầng ngầm… thì vật liệu thi công vỉa hè còn bị vỡ bởi "trời mưa". 

Rõ ràng là các cơ quan quản lý cần xem xét, lựa chọn loại vật liệu phù hợp cho vỉa hè ở nơi nhiều mưa nắng như đất nước chúng ta. Nếu chưa tìm ra được vật liệu mới tốt hơn, hãy học tập kinh nghiệm của các nước đi trước về phát triển đô thị.

Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!