Tâm điểm
Bích Diệp

Lên mạng mua gói tăm, cúc áo… nhập ngoại

Trước Tết Nguyên đán, khi về quê, tôi khá bất ngờ thấy mẹ tôi, 60 tuổi, mỗi khi thiếu vật dụng gì đều đặt hàng trực tuyến (online), từ phân bón, cây giống cho đến quần áo mặc ở nhà.

Nếu là vài năm về trước thì điều này thật khó tưởng tượng bởi tâm lý e ngại khi giao dịch trực tuyến cũng như khả năng sử dụng điện thoại thông minh của người lớn tuổi còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên hiện nay, việc thanh toán qua mã QR trở nên rất phổ biến, khắp các thôn cùng ngõ hẻm ở vùng sâu vùng xa đều có thể bắt gặp màu áo của nhân viên những đơn vị giao hàng lớn.

Độ phủ sóng gần như triệt để của Internet cùng sự bùng nổ của các nền tảng bán hàng trực tuyến đã đẩy quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước tính đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo Statista).

TMĐT phát triển mạnh mẽ và bứt tốc kể từ sau giai đoạn Covid. Nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT bán lẻ cả nước mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2019 đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD) và tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2022, con số này tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến năm 2022 đã đạt trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.

Hầu hết doanh nghiệp muốn tồn tại đều phải thích ứng và phát triển kênh bán hàng online, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng. Vào các trang TMĐT có thể thấy trên đó đăng bán từ gói tăm, cúc áo, cài tóc chỉ vài nghìn đồng cho đến những thiết bị điện tử tivi, tủ lạnh, máy tính, xe máy… hàng hóa giá trị cao cả hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Tuy vậy, thị trường TMĐT Việt Nam không phải chỉ phục vụ các doanh nghiệp Việt bán hàng cho người tiêu dùng Việt. Rất nhiều mặt hàng có xuất xứ nước ngoài được phân phối bởi các shop trong nước. Thậm chí thời gian gần đây, các sàn TMĐT cho phép người mua có thể lựa chọn sản phẩm từ các shop ở nước ngoài (Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…) vận chuyển về Việt Nam với thời gian rất ngắn. Theo một khảo sát của iPrice đến hết năm 2021 thì trong top 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn TMĐT, sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17%, trong khi đó có đến 83% sản phẩm được quan tâm nhất là hàng ngoại nhập.

Lên mạng mua gói tăm, cúc áo… nhập ngoại - 1

Các ứng dụng mua sắm trực tuyến phổ biến ở Việt Nam (Ảnh: TA).

Nếu nhìn vấn đề từ góc độ "người Việt Nam khuyến khích dùng hàng Việt Nam" thì có thể thấy mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, các sàn TMĐT phổ biến hiện nay chủ yếu là sàn do các tập đoàn nước ngoài đầu tư, ví dụ như Shopee, Lazada, TikTok Shop… Các nền tảng Việt, như Tiki hay Sendo đang bị lép vế trước các sàn TMĐT nước ngoài.

Thứ hai, năng lực logistics của các doanh nghiệp Việt dù đã có những bước phát triển đáng ghi nhận gần đây, song vẫn còn kém nếu so với doanh nghiệp ngoại.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), dù các doanh nghiệp logistics Việt Nam đông đảo về số lượng (89%) nhưng chỉ chiếm 30% thị phần. Những điểm yếu cố hữu của ngành này, theo các chuyên gia, vẫn là quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong quản lý và thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng.

Gần đây trên mạng xã hội có nhiều ý kiến bàn luận về việc Trung Quốc sẽ xây các tổng kho lớn đặt sát biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế với các kho hàng hiện nay (Quảng Châu, Bằng Tường, Hà Khẩu, Đông Hưng, Tà Lùng), hoạt động "đánh hàng" từ Trung Quốc về Việt Nam cũng đã vô cùng sôi động.

Từ vài năm trước, người viết đã từng rất ngạc nhiên khi thử nghiệm đặt hàng trực tiếp trên ứng dụng của một nhà bán lẻ điện tử ở Trung Quốc với thời gian nhận hàng chỉ khoảng 3-4 ngày và vẫn miễn phí vận chuyển. Hàng Trung Quốc, vốn giá đã cạnh tranh, nay còn dễ dàng đi thẳng từ hãng đến tay người tiêu dùng Việt mà không cần phải qua nhiều khâu trung gian, không cần ra chợ truyền thống.

Giới kinh doanh cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc đang được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ khi thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới. Mỗi vận đơn của các doanh nghiệp nước này xuất đi đều được hỗ trợ chi phí, bù đắp cho chính sách miễn cước.

Với các tổng kho gần biên giới Việt Nam, đơn hàng xuất kho về Việt Nam chỉ trong vòng 8 giờ. Trường hợp thanh toán khi nhận hàng (COD) mà hàng bị khách trả lại, đơn hàng bị hủy giữa chừng thì người bán thu hàng về song vẫn lưu tại kho ở Việt Nam và được đưa lên sàn bán trong các chương trình khuyến mãi, đại hạ giá (big sales) sẵn sàng giao ngay.

Những chiêu thức kinh doanh như vậy càng khiến hàng hóa Trung Quốc hiện diện nhiều hơn trong hoạt động tiêu dùng của người Việt.

Tháng 11 năm ngoái, trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung lần thứ 23, ông Hòa Đào - Cục trưởng Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - cho biết, Trung Quốc mong muốn cùng Việt Nam thảo luận đối sách, thúc đẩy xây dựng tuyến đường logistics xuyên biên giới Trung - Việt. Ngành công nghiệp logistics xuyên biên giới là sự hỗ trợ quan trọng cho thương mại quốc tế.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, khi hoạt động logistics xuyên biên giới được đẩy mạnh, chắc chắn sự giao lưu hàng hóa đôi bên sẽ ngày càng sôi động và mức độ tiếp cận của các đơn vị kinh doanh bán lẻ hàng hóa Trung Quốc với người tiêu dùng Việt sẽ ngày càng gần hơn, khoảng cách được rút ngắn lại.

Lên mạng mua gói tăm, cúc áo… nhập ngoại - 2

Xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tại Lạng Sơn (Ảnh: Hải Nam).

Thực tế Trung Quốc không chỉ xây các tổng kho gần biên giới, doanh nghiệp của họ đã xây cả những kho lớn ở Việt Nam như Cainiao Network - một công ty logistics thuộc Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) - đã cho xây trung tâm kho vận của họ ở tỉnh Long An với diện tích rộng cả trăm nghìn m2, nằm ngay nút giao Quốc Lộ 1A với Cao tốc Trung Lương.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chủ yếu là linh kiện, nguyên vật liệu sản xuất. Tuy vậy, các nhà sản xuất trong nước đã, đang và sẽ phải đứng trước bài toán cạnh tranh khốc liệt với chính các nhà sản xuất Trung Quốc ngay trên sân nhà bởi kênh tiếp cận thông tin đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng quá dễ dàng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng, Trung Quốc là nơi sản sinh ra vô vàn "chiến thần" livestream mà cộng đồng mạng vẫn gọi là "pháp sư Trung Hoa". Có những người chỉ trong một ngày livestream đã bán được doanh số hàng nghìn tỷ đồng, nhiều hơn sản phẩm của cả một trung tâm mua sắm bán ra trong một năm. Hiện tại chúng ta mới chỉ thấy các website và ứng dụng bán hàng của Trung Quốc hỗ trợ tiếng Việt, trong tương lai, nếu họ nhắm đến thị trường Việt Nam thông qua các "chiến thần" sử dụng tiếng Việt để bán cho người Việt, đây sẽ là mối cạnh tranh rất lớn cả với những shop bán hàng trong nước.

Ngay từ thời điểm hiện tại, sự cạnh tranh của hàng Việt với hàng Trung Quốc đã phải chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và mẫu mã, bởi sự thật là nếu cạnh tranh bằng giá sẽ khó mà có cửa thắng. Cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, doanh nghiệp Trung Quốc đang dần loại bỏ các chi phí trung gian để không có giá rẻ nhất, mà chỉ có rẻ hơn.

Tất nhiên là trong giao thương hai chiều luôn có cả mặt thuận lợi lẫn thách thức. Ngoài việc giúp hàng Trung Quốc sang Việt Nam nhanh chóng hơn thì ngược lại, hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc cũng vậy. Chẳng hạn, Trung Quốc cũng xây cả kho lạnh và cơ sở chế biến sầu riêng gần biên giới để thuận tiện cho việc nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam.

Trong thời đại TMĐT xuyên biên giới, logistics xuyên biên giới… đòi hỏi các doanh nghiệp và người kinh doanh phải vận động không ngừng. Cạnh tranh là không thể tránh. Và cũng giống như các doanh nghiệp nước bạn, doanh nghiệp Việt cũng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nhằm giảm tối đa chi phí (bao gồm cả chi phí chính thức lẫn không chính thức). Theo đó, cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ về vốn, về thuế, chi phí thuê đất… dành cho doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao nhận trong nước. Có như vậy, hàng Việt mới có thể giữ được lợi thế trên sân nhà trước khi muốn chinh phục được thị trường tỷ dân ở Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt cần học hỏi các doanh nghiệp Trung Quốc trong phát triển thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần Nhà nước đồng hành, ủng hộ để xây dựng được những kho ngoại quan, kho hàng ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm, nhằm giúp hàng Việt đi xa hơn nữa.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!