Vấn đề kinh tế trong tuần:
Lộ sáng những con số “giật mình” về tổng kho hàng lậu ở Lào Cai
(Dân trí) - Cường độ giao dịch hơn 1.000 đơn mỗi ngày, tổng giao dịch luỹ kế qua tài khoản hơn 649 tỷ đồng, lương nhân viên livestream trên 80 triệu đồng/tháng… Tổng kho hàng lậu ở Lào Cai thực sự gây sốc!
Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ bán hàng lậu trên mạng thu gần 650 tỷ đồng
Thông tin mới nhất về vụ tổng kho lậu ở 145 đường Hoàng Diệu, Lào Cai đó là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Công an và Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp xác minh, điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm.
Tổng kho hàng lậu khủng nêu trên có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm. Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Trong kho còn có 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát.
Qua điều tra của Tổng cục QLTT, trong danh sách liệt kê chi phí của nhóm đối tượng có 1 loại chi phí được kê “luật lá” là 20 triệu đồng/tháng.
Một lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, qua rà soát chứng cứ tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện một con số giật mình: Từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú (chủ kho hàng) và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng.
Qua khai nhận ban đầu của các nhân viên tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa được tuồn lậu từ Quảng Châu, Trung Quốc. Ngày nào tối thiểu nhóm này cũng chốt được trên dưới 1.000 đơn hàng. Bình quân hàng tháng gần 100.000 đơn vị sản phẩm, phục vụ cho 30.000 đến 40.000 đơn hàng.
Một số nhân viên diễn livestream được trả tới trên 80 triệu đồng/tháng. Trong khi nhân công vùng cao thuê mướn cũng rất rẻ, tạo lợi thế trong kinh doanh. Những lao động phổ thông, chốt đơn trong Tổng kho, làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ được trả bình quân từ 5-7 triệu đồng. Cán bộ thủ quỹ, kế toán được trả từ 7-10 triệu đồng. Người quản lý chung được trả khoảng 20 triệu đồng.
Bán hàng lậu online thu gần 650 tỷ đồng: “Bắt lỗi” chuyển phát nhanh!
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương khái quát sự việc như sau: “Vừa qua lực lượng Quản lý thị trường đã cùng phối hợp với cục Cảnh sát công nghệ cao, Bộ Công an triệt phá thành công kho hàng giả, hàng lậu quy mô lớn và chuyên nghiệp do một đối tượng rất trẻ 28 tuổi cầm đầu ở Lào Cai. Doanh thu của kho này mỗi tháng hơn 10 tỷ đồng, tổng doanh thu từ 10/2018 đến nay doanh thu hơn 649 tỷ đồng”.
Ông Linh cho biết, các công ty chuyển phát nhanh cũng tham gia trực tiếp vào quá trình vận chuyển hàng hóa, thu tiền hộ cho các đối tượng. Chính vì vậy, thời gian tới công tác chống hàng giả, hàng gian lận thương mại cần sự vào cuộc của nhiều ngành, lĩnh vực như công an, thuế, ngân hàng và thông tin truyền thông và cả hải quan.
Đặc biệt, đại diện Bộ Công Thương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc đàm phán với các nền tảng Facebook, Zalo nhằm kiểm soát người kinh doanh trên hạ tầng mạng xã hội, ngăn chặn lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh hàng giả.
Dân buôn hàng Trung Quốc đồng loạt bỏ việc vì gặp khó
Đây là vấn đề cũng rất được công luận quan tâm gần đây. Buôn hàng Trung Quốc được gần 4 năm, chị Q.T. (Lạng Sơn) mỗi tháng đều thu về trên 30 triệu đồng. Nhưng gần đây, chị T đã phải chuyển công việc sang làm nhân viên bán hàng vì không theo được nghề.
Lý do theo chị T là bởi, hiện tại khu vực biên giới đang cấm, không được thông quan. Hàng vác qua đồi hay qua đò cũng chỉ được 2 - 3 tạ. Song, 2 tuần nay, hàng hoá đi qua đường này thậm chí còn bị bắt hết.
Theo một dân buôn, nếu không phải hàng giả thì có thể qua biên. Thậm chí, nếu nhập nguyên 1 container thì giá còn rẻ hơn đi tiểu ngạch.
“Nhưng rất ít người hoặc ít loại hàng hoá cần nhập nhiều đến vậy. Khối lượng hàng hoá qua biên của các mối buôn chỉ khoảng 500kg trở xuống nên ít người làm chính ngạch. Nếu có đi chính ngạch, giá sẽ tăng thêm 20 - 30%”, người này cho biết thêm.
Các công ty vận chuyển, công ty chuyên đánh hàng Trung Quốc hay cả dân cửu vạn vùng biên cũng đang thất nghiệp. Nhiều nhân viên bán hàng của các công ty này đồng loạt xin nghỉ vì không có thu nhập. Bởi cơ chế của nhân viên bán hàng thấp, chỉ được tính phần trăm theo giá trị đơn hàng, nên không có hàng về thì lương không đủ ăn.
Chủ kho nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD nghi chuyển giá hơn 2.600 tỷ đồng
Liên quan đến Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu gây xôn xao dư luận thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) – Bộ Công an điều tra hành vi chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp này.
Đây là doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến kho nhôm 4,3 tỷ USD mà hải quan Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang điều tra các dấu hiệu làm giả xuất xứ Việt Nam xuất đi Mỹ rúng động dư luận suốt từ các năm 2017 đến nay.
Kiểm toán Nhà nước cho biết doanh thu cho thuê kho bãi với Công ty Nhôm Toàn Cầu từ năm 2015 đến năm 2019 là 3.404 tỷ đồng. Thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý, Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang Công ty PTL tổng số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỷ đồng.
Khách Trung Quốc tại Anh chi nửa triệu USD thuê máy bay Việt Nam về nước
Hôm 18/7, Vietnam Airlines đã thực hiện chuyến bay charter (thuê chuyến) đầu tiên từ Anh về Nam Kinh - Trung Quốc. Đây là chuyến bay chở khách đầu tiên của hãng này tới Trung Quốc sau 168 ngày dừng khai thác.
Trên chuyến bay là 275 người Trung Quốc trở về quê hương với hành trình London - Hà Nội - Nam Kinh (Trung Quốc).
“Chuyến bay chở 275 khách, giá vé hơn 2.000 USD/người/lượt. Tổng cộng một chuyến bay charter Vietnam Airlines thu về nửa triệu USD” - đại diện Vietnam Airlines nói. Việc khai thác bay chở khách đi/đến Trung Quốc sau một thời gian dài trong bối cảnh dịch Covid-19 mang lại doanh thu lớn cho hãng trong thời điểm khó khăn.
Từ nay đến hết tháng 8, Vietnam Airlines dự kiến tiếp tục khai thác các chuyến bay chở khách từ London đến Nam Kinh, quá cảnh tại Hà Nội. Các chuyến bay sẽ đáp ứng những tiêu chuẩn phòng dịch chặt chẽ nhất, với toàn bộ phi hành đoàn, hành khách trang bị bảo hộ y tế, dịch vụ trên không được đơn giản hóa để hạn chế vật tiếp xúc nhiều lần, tổ bay được cách ly sau chuyến bay...
Hầm Đèo Cả: Nguy cơ tăng thu phí tới 41 năm vì “vỡ” phương án tài chính
Theo hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả , bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân có tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng (tương đương 23,53%).
Sau khi rà soát, cập nhật tổng vốn đầu tư theo giá trị quyết toán, giá trị kiểm toán; cập nhật doanh thu thu phí thực tế, Bộ GTVT đã xây dựng 2 kịch bản xử lý phần vốn góp của Nhà nước trị giá 1.180 tỷ đồng”:
Theo đó, trường hợp bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước để bảo đảm mức tham gia của Nhà nước 5.068 tỷ đồng theo hợp đồng đã ký, thời gian hoàn vốn dự án từ 27 năm 5 tháng sẽ tăng lên 30 năm 3 tháng do doanh thu thu phí thực tế giảm và việc bổ sung phần vốn Nhà nước chậm so với dự kiến (trước đây tạm xác định là sẽ bổ sung trong năm 2019). Trường hợp không được bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước, thời gian hoàn vốn dự án sẽ tăng từ 27 năm 5 tháng lên 32 năm 2 tháng.
“Nếu không bổ sung hỗ trợ vốn nhà nước với khoảng 2.280 tỷ đồng theo kết luận của cơ quan Kiểm toán thì thời gian hoàn vốn của dự án hầm Đèo Cả tăng đến khoảng 41 năm, phá vỡ phương án tài chính cũng như hợp đồng tín dụng đã ký kết…” - Bộ GTVT nêu rõ.
Bộ NN&PTNT xin trả 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công do “không tiêu hết”
Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công , nêu 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Có 3 cơ quan trung ương có tỷ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0%, chưa tiêu được đồng vốn đầu tư công nào là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp hiện nay là do phân bổ vốn chậm, dù hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch cho năm 2020.
Đang chú ý, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của Bộ NN&PTNT được Thủ tướng giao là 3.600 tỷ đồng thực hiện 25 dự án ODA, ngay sau có quyết định giao vốn của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã phân bổ vốn để thực hiện giải ngân.
Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31/1/2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỷ đồng. Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỷ đồng.