1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bán hàng Trung Quốc: Dễ tiếp cận nhưng cần tỉnh táo

Trúc Ly

(Dân trí) - Ngày càng nhiều người lựa chọn kinh doanh hàng Trung Quốc vì giá rẻ, dễ vận chuyển. Hàng hóa xuất xứ từ quốc gia này nhiều chủng loại, đòi hỏi người tiêu dùng phải thông thái khi lựa chọn sản phẩm.

Hầu như cái gì cũng có

Hoàng Anh (Hà Nội) có một nhóm kín gần 20.000 thành viên. Nhóm này được cô lập vào năm 2019, trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Ngày trước, Hoàng Anh là người chuyên kinh doanh, gom giảm giá các mặt hàng Zara, H&M... và một vài thương hiệu đồ gia dụng châu Âu.

Tuy nhiên, hiện tại, cô chỉ tập trung kinh doanh hàng Trung Quốc, cụ thể là các mặt hàng có trên sàn thương mại điện tử Taobao, 1688 - những nền tảng thuộc hệ sinh thái Alibaba. 

Nói về lý do chuyển qua kinh doanh hàng Trung Quốc, Hoàng Anh trả lời ngắn gọn: "Cái gì dễ tiếp cận thì mình làm". Cô nói hàng Trung Quốc đa dạng mẫu mã, "cái gì cũng có" với mức giá dễ chịu, nhiều người có thể chi trả. Ngoài ra, việc tìm kiếm các mặt hàng theo yêu cầu của khách trên sàn Taobao khá dễ dàng. Chỉ với vài thao tác đơn giản, Hoàng Anh có thể tìm được các sản phẩm đang hot tại nước bạn.

Bán hàng Trung Quốc: Dễ tiếp cận nhưng cần tỉnh táo - 1

Kinh doanh hàng Trung Quốc dần trở thành xu hướng vì giá rẻ, tốc độ vận chuyển nhanh (Ảnh: Hải Logistics).

Chưa hết, vận chuyển Trung - Việt được coi là một trong những tuyến vận chuyển tốc độ nhanh với giá rẻ nhất. Nếu gửi hàng lẻ, giá vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam khoảng 25.000-28.000 đồng/kg với thời gian dao động khoảng 7-10 ngày (không tính sự cố).

Nếu gửi số lượng lớn theo kiện, container, giá gửi chỉ khoảng 10.000-12.000 đồng/kg. Trong khi đó, vận chuyển hàng từ châu Âu về Việt Nam có giá tương đối cao, từ 220.000 đến 280.000 đồng/kg và thời gian dao động 10-20 ngày.

Khi kinh doanh hàng Trung Quốc, Hoàng Anh có thể dễ dàng liên hệ với chủ cửa hàng để đưa ra mức giá tốt so với giá công khai trên sàn thương mại điện tử. Thông thường, khi mua số lượng lớn, các chủ cửa hàng Trung Quốc thường đồng ý giảm giá từ 8% đến 10% tổng giá trị đơn hàng. Con số này khá hấp dẫn với những người bán hàng online ở Việt Nam.

Theo Hoàng Anh, Trung Quốc là nơi có gần như mọi thứ với đa dạng các mức giá, chủng loại. Nếu là người muốn kinh doanh và không có nhiều vốn, hãy lựa chọn hàng Trung Quốc. Chưa kể, nhập hàng Trung Quốc ngày càng đơn giản khi có đầy đủ dịch vụ từ phiên dịch viên, vận chuyển, đổi ngoại tệ...

Đồng quan điểm với Hoàng Anh, Thùy Dung cũng lựa chọn kinh doanh hàng Trung Quốc thay vì nhận đặt hàng châu Âu, châu Mỹ như trước. Cô cho biết đa phần khách hàng đều không thích chờ đợi quá lâu mới có hàng. Ngoài ra, hàng Trung Quốc đa dạng mẫu mã nên có thể đáp ứng sở thích của nhiều kiểu khách hàng.

Hàng Trung Quốc kích thích kiểu tiêu dùng không thông minh 

Tuy nhiên, nói về chất lượng, một vài mặt hàng Trung Quốc có chất lượng kém hơn hẳn so với hàng châu Âu. Việc nhiều người bán chuyển sang kinh doanh hàng Trung Quốc, tập trung vào giá rẻ, phần nào kích thích người tiêu dùng có xu hướng "dễ dãi" hơn với việc mua sắm.

Theo Thùy Dung, vì giá rẻ, nhiều người mua cả những món đồ không thật sự cần thiết. Đây chính là một kiểu của tiêu dùng không thông minh khi vì giá rẻ bất chấp mua đồ kém chất lượng.

Bán hàng Trung Quốc: Dễ tiếp cận nhưng cần tỉnh táo - 2

Hàng Trung Quốc giá rẻ phần nào khiến người tiêu dùng trở nên dễ dãi với việc mua sắm Ảnh: Inkulah).

Cô đưa ra ví dụ với ốp điện thoại giá rẻ 5.000-10.000 đồng/chiếc. Nhiều người đặt liền tay 10 chiếc ốp điện thoại và có những chiếc có khi mãi mãi không được sử dụng tới. Việc này không những gây lãng phí về mặt tiền bạc mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường với lượng rác thải nhựa từ ốp điện thoại thải ra. 

Hay một ví dụ điển hình khác với quần áo, giày dép. Khi thấy một chiếc áo chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng, khách hàng của Thùy Dung không cần suy nghĩ mà sẵn sàng xuống tay mua đủ các màu. Sau đó, khi hàng về tới, người này đã hết thích sản phẩm trên và dần quên rằng mình đã mua sản phẩm đó. Như vậy, dù mua với giá rẻ nhưng không sử dụng, sản phẩm rẻ cũng hóa đắt.

Bên cạnh đó, với những người bán hàng không có tâm, khách hàng rất dễ mua phải những món đồ giá rẻ nhưng nhanh hỏng, không sử dụng được. 

Thùy Dung cho rằng dù là mua hàng Trung Quốc hay hàng có xuất xứ từ nước nào, điều quan trọng nhất là người mua cần xác định rõ mục đích sử dụng, ngân sách của bản thân có thể chi cho món đồ đó, không để tình trạng mua vì giá rẻ, mua không sử dụng tới. Ngoài ra, khách nên tính toán hợp lý, nếu không cần gấp thì hãy mua hàng vào những ngày giảm giá để tiết kiệm chi phí. 

Cô cũng đưa lời khuyên cho những đồng nghiệp cùng bán hàng online giống như mình rằng hãy kinh doanh có tâm, tư vấn thật bởi nếu khách hàng mua một lần không chất lượng, người bán cũng mất khách. Do vậy, để kinh doanh lâu dài, hãy lựa chọn hàng hóa có chất lượng ổn định, không vì ham rẻ mà bán hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, Dung khẳng định rằng hàng Trung Quốc hiện tại đã gần như xóa bỏ được định kiến trong lòng người tiêu dùng rằng hàng Trung Quốc là hàng không tốt. Hiện nay, một vài sản phẩm nội địa Trung Quốc có giá bán cao hơn hẳn so với châu Âu, cùng với đó là chất lượng nổi trội. Những mặt hàng như vậy được coi là tia sáng cho những người muốn buôn hàng Trung Quốc nghiêm túc, lâu dài. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm