Tâm điểm
Quan Thế Dân

Lao động người cao tuổi

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Năm 2011, người cao tuổi Việt Nam chiếm 10% tổng số dân, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Theo dự báo, đến năm 2038, tức là chỉ sau khoảng 27 năm, tỷ lệ này sẽ đạt 20% và khi đó, nước ta được gọi là có dân số già. Trong khi đó, để tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi như trên, ở Mỹ phải mất 69 năm, Úc 73 năm, Thụy Điển 85 năm, Pháp mất 115.

Một vấn đề đặt ra ở góc độ lao động là, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh trong khi xuất phát điểm nền kinh tế thấp sẽ khiến chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho một xã hội dân số già, cả về phía cơ quan quản lý và mỗi cá nhân. Trong thực tế tôi thấy xã hội ta ít bàn vấn đề này trong khi theo tôi là rất cần thiết.

Nhiều người bị khủng hoảng tuổi về hưu. Đang tự nhiên, sau một đêm ngủ dậy, thấy mình như bị đứng bên lề xã hội, chẳng ai cần, khủng hoảng vô cùng. Nhiều người đến tuổi hưu thường tự động viên nhau là nghỉ hưu phải vui chứ, mình được nghỉ, được tự do, tha hồ muốn làm gì thì làm, muốn đi chơi đâu thì đi.

Nhưng các buổi liên hoan chia tay ầm ĩ, các buổi đi du lịch sau đó không khỏa lấp được một sự thật là về hưu thì buồn, thì hụt hẫng. Loại trừ một số ít quan chức khi về hưu thì hết quyền hành, bổng lộc nên buồn, còn đại đa số người về hưu buồn vì những thay đổi tâm lý, kinh tế và sức khỏe.

Lao động người cao tuổi - 1

Một người già đi khám ở Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội, tháng 12/2022 (Ảnh: Hữu Nghị )

Trước tiên là hụt hẫng về tâm lý. Tuổi hưu đến cũng giống như hạn sử dụng đời người đã hết. Ai mà chẳng buồn khi thấy đồng hồ thời gian cuộc đời đã điểm. Những thay đổi tâm lý này ảnh hưởng ngay tự thân với người lao động, cũng như ảnh hưởng đến cái nhìn của người khác. Người hưu trí buồn vì kinh nghiệm lao động bao năm bỗng chốc bị xếp lại, không ai cần tới. Tự nhiên thấy mình là người thừa, cơ quan tổ chức bao năm mình cống hiến, góp phần xây dựng, nay vắng mình thì cơ quan vẫn hoạt động đều. Đồng nghiệp trẻ, cấp dưới ngày nào còn hỏi mình, còn cần mình, nay bỗng ngó lơ. Ở trong gia đình thì hết đi ra rồi lại đi vào.

Thay đổi lớn tiếp theo khi về hưu là thu nhập. Thu nhập chắc chắn bị giảm sút. Với thang lương hưu trí hiện nay thì mức hưởng cao nhất khi nghỉ hưu là 70% lương khi còn đương chức. Với nhiều người thì lương hưu chỉ còn khoảng 50 - 60%. Ngoài lương thì các thu nhập phụ khác như tiền thưởng, tiền phúc lợi... sẽ không còn. Đối với một số người mà khi đương chức thu nhập ngoài lương là thu nhập chính thì sự tụt giảm về thu nhập khi nghỉ hưu còn rõ hơn nữa. Thu nhập giảm gây khó khăn trong việc duy trì cuộc sống, nhất là khi ốm đau.

Về sức khỏe thì đa số người về hưu sẽ khỏe hơn (so với thời điểm trước khi nghỉ), nhất là những người làm những công việc chân tay nặng nhọc, nay có thời gian nghỉ ngơi. Nhìn chung sức khỏe của người về hưu ở một vài năm đầu không thay đổi so với khi mới nghỉ hưu. Những năm sau khi tuổi tác cao dần lên thì các bệnh mãn tính ngày càng nặng lên, thêm nhiều biến chứng. Cũng có nhiều bệnh về hưu mới mắc, chủ yếu liên quan đến mất ngủ, rối loạn tâm thần kinh.

Như vậy ta thấy người nghỉ hưu gặp khó khăn về tâm lý và thu nhập, trong khi sức khỏe còn tương đối bảo đảm. Giải pháp là không nghỉ hưu một cách thụ động như trước, mà vẫn duy trì làm việc ở mức độ nhất định. Điều đó giúp cho người nghỉ hưu vẫn có được thu nhập ở mức không giảm nhiều so với trước, đồng thời cải thiện về tâm lý, tránh tâm lý mặc cảm, là người thừa. Về cường độ công việc có thể giảm bớt cho phù hợp với tuổi tác.

Với chủ sử dụng lao động, việc người đã nghỉ hưu vẫn tham gia lao động cũng mang lại những lợi ích không nhỏ. Trước hết nó góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số. Tiếp theo những đối tượng này là những người lao động đã có tay nghề thành thạo, không phải mất thời gian đào tạo như lao động mới tuyển. Mặt khác lực lượng lao động nghỉ hưu còn có những ưu thế riêng, đó là sự tích lũy của kinh nghiệm làm việc, mà nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đó là trí tuệ kết tinh, không có ở lao động trẻ, giúp cho nắm bắt và xử lý công việc ở tầm mức tổng hợp đa ngành cao.

Việc duy trì việc làm cho người ở tuổi hưu là một việc đang được nhiều nước thực hiện. Tại Mỹ, lực lượng lao động năm 2024 ước tính là 164 triệu người, trong đó bao gồm 13 triệu lao động từ 65 tuổi trở lên. Mặc dù chiếm số lượng không lớn trong thị trường lao động, nhưng tỷ lệ nhóm người cao tuổi vẫn còn làm việc lại gia tăng nhanh chóng. Trong giai đoạn 2014-2024, tốc độ gia tăng lực lượng lao động của nhóm tuổi từ 65-74 dự kiến là 55%, còn đối với nhóm tuổi từ 75 trở lên là khoảng 86%. Đây là những tỷ lệ rất cao so với mức tăng 5% của toàn bộ lực lượng lao động. Thậm chí, xét trong giai đoạn 2020-2030, với nhóm tuổi từ 75 trở lên ở Mỹ, số lượng người vẫn còn đi làm sẽ tăng tới 96,5%.

Tại châu Á, Sách Trắng năm 2021 do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố cho thấy, 71% những người từ 60-64 tuổi vẫn đang tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ này đối với nhóm 65-69 tuổi là 49,6% và 32,5% đối với những người từ 70-74 tuổi. So sánh với 10 năm trước, tỷ lệ người già tham gia thị trường lao động ở Nhật Bản đã tăng đáng kể.

Trong khi đó, tại Singapore, năm 2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người trên 65 tuổi là gần 33%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm tuổi này đã tăng lên trong 1 thập kỷ qua, do Singapore phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và người dân có tuổi thọ cao hơn. Nhiều người già ở Singapore muốn được làm việc lâu hơn hoặc tái tham gia lực lượng lao động sau khi nghỉ hưu để họ có thể tự lo cho cuộc sống.

Trong thực tế Việt Nam, việc người cao tuổi tiếp tục lao động không còn là điều xa lạ. Chúng ta vẫn thấy ở các miền quê các cụ ông cụ bà vẫn tiếp tục làm các công việc đồng áng, vẫn chăn nuôi, chăm sóc vườn tược không lúc nào ngơi tay. Với người nông dân, không có khái niệm tuổi hưu. Mà họ sống thuận theo tự nhiên, còn sức khỏe là còn làm việc, chỉ có là chọn việc cho phù hợp thôi. Chính vì vậy chúng ta thấy số lượng người cao tuổi sống thọ ở nông thôn lại chiếm đa số. Khái niệm tuổi hưu chỉ gặp ở tầng lớp công nhân và viên chức và việc khủng hoảng tuổi hưu cũng chỉ mới gặp gần đây.

Tuy nhiên việc làm cho người đã về hưu cũng cần có những chú ý để hạn chế các bất lợi cho bản thân người về hưu cũng như cho xã hội. Trước hết là ngành nghề phù hợp. Người cao tuổi thì sức mạnh cơ bắp đã giảm nên những công việc đòi hỏi dùng sức nhiều sẽ không phù hợp để làm thêm. Để phát huy ưu thế về kinh nghiệm kỹ năng tổng hợp, các nghề như giáo viên, bác sĩ, nghiên cứu viên, chuyên viên tư vấn sẽ thích hợp nhất với người cao tuổi.

Thứ hai là vị trí việc làm. Luật pháp đã quy định người đã nghỉ hưu nếu tiếp tục công tác thì sẽ không giữ chức vụ lãnh đạo. Điều này là cần thiết để tạo sự đổi mới cho đơn vị, tránh sự trì trệ. Tuy nhiên việc này chỉ là bắt buộc trong các đơn vị công lập, còn nhìn chung là tùy vào năng lực của từng cá nhân. Có nhiều trường hợp trong doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo cao tuổi nhưng rất năng động, cấp tiến hơn cả người trẻ.

Bản thân tôi cũng là người đã nghỉ hưu, nhưng tôi không hề cảm thấy sự hụt hẫng khi đến tuổi. Đơn giản vì tôi chưa ngừng làm việc một ngày nào. Hết làm công lập thì làm tư nhân, chỗ nào tôi cũng hăng say làm việc như nhau, chưa có lúc nào dừng để nhận ra là mình đã ở tuổi hưu. Thậm chí về bệnh viện tư nhân tôi càng có nhiều đóng góp hơn, do không bị những trì trệ trong hệ thống công lập cản trở. Trong 3 năm qua, tôi đã giúp xây dựng 2 khoa lâm sàng hoạt động hiệu quả. Nhìn sang bạn bè tôi cũng vậy, nhiều anh chưa nghỉ hưu đã có sẵn mấy đơn vị tư nhân mời. Từ những kinh nghiệm cá nhân này, càng giúp tôi nhận thức rằng, lao động của người cao tuổi là một nguồn lực không nên bỏ phí.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!