Tâm điểm
Lưu Đình Long

Làm thêm mùa hè

Hè năm 2000, tôi và Điểu, một người bạn hàng xóm rời quê Quảng Nam ra Đà Nẵng tìm việc làm thêm. Khi đó, chúng tôi mới 15 tuổi.

Sở dĩ chúng tôi bàn với nhau đi làm thêm, trong khi chưa biết gì về Đà Nẵng là bởi gia đình quá khó khăn. Điểu mất mẹ sớm, còn tôi không có ba bên cạnh. Tôi bàn với Điểu, để có tiền học lớp 10, tụi mình phải đi Đà Nẵng làm thêm mấy tháng hè. May là lúc đó, chị đầu của Điểu đã nghỉ học và đi làm ở Đà Nẵng được vài năm. Điểu nói: "Vậy hai đứa mình cứ đi ra đại, nhờ chị Đường xin chỗ làm", tôi gật đầu.

Thưa với má và ngoại mình, tôi không thành thật: "Chị của Điểu nói có việc làm cho hai tụi con rồi, việc cũng nhẹ nhàng. Má, ngoại cho con ra Đà Nẵng làm mấy tháng hè nghe". Dù thương con, nhưng với sự quyết tâm của tôi, cũng như trước khó khăn của gia đình khi đó, má tôi đành để tôi đi.

Làm thêm mùa hè - 1

Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục (Ảnh minh họa: Hoàng Lam)

Ở Đà Nẵng, chị Đường xin cho chúng tôi làm thuê ở quán cơm gà trên đường Nguyễn Chí Thanh, lương 200.000 đồng một tháng.

Bà chủ nhận tôi và Điểu vào đã lớn tuổi, khoảng gần 70. Bà có giọng Huế đặc trưng, đã sống lâu năm ở Đà Nẵng. Gặp chúng tôi, bà cất giọng: "Tụi bây còn nhỏ vậy làm có nổi không, thức khuya dậy sớm đó nghe". Chúng tôi không biết nói gì, chỉ hứa sẽ siêng năng. Và chúng tôi làm việc ngay hôm đó theo lệnh bà chủ, "thay đồ tươm tất xuống phục vụ bàn".

Đôi chân chúng tôi mỏi nhừ khi đứng suốt ngày, rồi có khách vào thì lại hỏi dùng gì, ghi thực đơn, đem xuống nhà bếp. Nhìn đống ly chén cần dọn rửa lúc 9h30 tối, chúng tôi thấy quá đuối nhưng dặn lòng phải cố gắng. Cả tôi và Điểu cùng mấy anh chị phục vụ khác chia ra, người rửa ly chén, người chà toilet, quét dọn trong phòng ăn, trước sân quán cơm, đi đổ rác. Đến gần nửa đêm, mọi việc mới xong.

Ngày đầu tiên tôi nhớ nhà, nhớ má, ngoại mình kinh khủng. Tôi đặt lưng xuống giường và nhớ lời ngoại mình hay nói: "Ăn cơm người ta không dễ".

Sáng hôm sau, 5 giờ chúng tôi đã bị "dựng" dậy, lại quần quật từ giặt khăn bàn, lau nhà, sơ chế thực phẩm, rồi phục vụ khách, dọn rửa…. Bà chủ thường dọa chúng tôi "tụi bây rửa ly không sạch là bị trừ lương, đứa nào bưng bể cái chén là mất 10.000 đồng…". Tôi làm trong tâm thế lo sợ vì quá mệt và việc chưa quen, lỡ có gì thì lương còn đâu để đem về; vừa làm vừa chịu áp lực, tôi thấy ngày trôi qua quá dài với mình.

Hè về, tôi nhớ lại kỷ niệm hơn 20 năm trước khi nghe đây đó một số vị phụ huynh bàn sẽ cho con họ đi làm thêm trong mùa hè để "rèn luyện".

Gọi điện về quê hỏi chuyện, tôi được biết một số bạn nhỏ trong xóm cũng dự định rời quê đi làm thêm ở thành phố trong dịp hè giống tôi ngày ấy.

Dường như mọi người chỉ quan tâm đến việc có cơ hội cho con em mình tập làm thêm, hay kiếm thêm chút ít trong dịp hè, mà quên rằng Bộ Luật lao động có quy định riêng với lao động chưa thành niên.

Cụ thể, lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Trường hợp lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở những nơi sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng…

Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Tôi dẫn vài quy định của Luật nêu trên, không nhằm phản đối chuyện các bạn nhỏ làm thêm trong dịp hè, vấn đề chỉ là công việc phù hợp và đúng quy định của Luật. Đây là vấn đề cần ý thức tuân thủ cả từ phía gia đình và cơ sở sử dụng lao động.

Theo tài liệu của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động trẻ em là công việc khiến trẻ em mất đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân cách, và có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ, bao gồm cả việc cản trở khả năng đến trường. Cũng qua khảo sát của tổ chức ILO tại Việt Nam, có tới 61% hộ gia đình không biết các loại công việc bị nghiêm cấm đối với trẻ dưới 15 tuổi; 15% nghĩ rằng việc sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm bất kỳ công việc nào cũng là hợp pháp; 37% trẻ từ 11 đến dưới 18 tuổi quan niệm cha mẹ có quyền bắt buộc các em kiếm sống cho gia đình… Từ đó cho thấy, có khá nhiều khoảng trống trong nhận thức xã hội về lao động trẻ vị thành niên hiện nay.

Một quan chức của ILO nhận định: "Lao động trẻ em cần được loại bỏ bởi nó lấy đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân phẩm của những đứa trẻ, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em". Vị này cũng nói, bên cạnh những quy định pháp luật về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, việc cho ra đời cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về lao động trẻ em đã thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lao động trẻ em trái phép.

Thiết nghĩ, cách chúng ta đối xử với trẻ cũng chính là kết quả chúng ta nhận về trong tương lai. Khi trẻ bị lạm dụng, bị đối xử bạo lực thì sau này sẽ có xu hướng bạo lực, xã hội vì thế sẽ trở nên bất an hơn.

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!