Chỉ "đau lòng, phẫn nộ" là chưa đủ
Một trong những việc quan trọng hàng ngày của tôi trong suốt 5 năm là đưa đón con trai đầu lòng đi học. Cho tới khi cháu học lớp 6, vợ chồng tôi quyết định cho con đi xe tuyến. Thật lòng, thời gian đầu hai vợ chồng cứ thấp thỏm mỗi khi con bước lên xe, chiều về thấy con mở cửa nhà bước vào mới yên tâm.
Có lẽ người làm cha, làm mẹ nào cũng muốn đưa đón con đến trường mỗi ngày. Nhưng với nhiều phụ huynh thì điều kiện công việc không cho phép, nên dịch vụ xe buýt, xe tuyến của nhà trường, xe ôm công nghệ... là lựa chọn bắt buộc.
Cách đây mấy năm ở Hà Nội, vụ việc một học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe buýt đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Cơ quan quản lý, các nhà trường đã siết lại quy trình đưa đón - giám sát học sinh. Các gia đình cũng cẩn thận hơn.
Nhưng rồi sự việc đau lòng tương tự lặp lại ở Thái Bình, khi một em nhỏ cũng tử vong vì bị bỏ quên trên xe.
Nếu chỉ "đau lòng, phẫn nộ" thì sẽ không đủ để tất cả các chuyến xe đều an toàn với con em chúng ta. Chúng ta phải xây dựng luật pháp, xây dựng quy trình, xây dựng kỹ năng, xây dựng thói quen và không cho phép bất cứ chuyến xe, bất cứ nhà trường nào được bỏ qua quy trình an toàn này.
Trong quy trình đó cần đảm bảo ít nhất hai việc là các tài xế phải kiểm tra xe, xem còn em nào bị bỏ lại không, trước khi tắt máy đóng cửa; và hàng ngày giáo viên phụ trách lớp phải thông báo cho phụ huynh việc có mặt, hay vắng mặt của học sinh. Ngày nay, việc này có thể được thực hiện rất dễ dàng và nhanh chóng, chỉ vài phút, thông qua ứng dụng công nghệ.
Với các bậc phụ huynh, nếu con mình buộc phải đi xe tuyến, hãy dành ra một, hai phút mỗi ngày để kiểm tra con đã đến lớp hay chưa, đã rời khỏi trường học để về nhà hay chưa.
Trường cấp 2 của cháu lớn nhà tôi có riêng ứng dụng xe buýt. Lúc con lên hay xuống xe thì ứng dụng đều thông báo. Ở trường mầm non cháu bé thứ 2 mới 4 tuổi còn trực quan hơn. Khi con đến, các cô giáo truy cập ứng dụng, chụp ảnh con đã vào lớp và khi có người đón, lại một lần nữa chụp ảnh con ra khỏi lớp và hiện thông báo trên smartphone.
Tôi biết nhiều trường ít áp dụng công nghệ hơn thì các cô giáo thường sẽ gửi ảnh trực tiếp cho phụ huynh khi con đến lớp bằng ứng dụng nhắn tin, cũng rất đơn giản.
Xe buýt đưa đón học sinh cần bắt buộc trang bị thiết bị cảnh báo, thay vì tận dụng các loại xe hết niên hạn, thiếu an toàn để đưa đón học sinh như nhiều trường đang làm.
Ở Hàn Quốc, cơ quan chức năng yêu cầu các trường mầm non, nhà trẻ phải lắp đặt hệ thống "sleeping child check" (kiểm tra trẻ ngủ quên) trên xe buýt đưa đón. Tài xế được yêu cầu nhấn một nút lắp đặt ở cuối xe buýt để xác nhận liệu còn trẻ em nào trên xe hay không trong vòng 3 phút, kể từ khi tắt máy và rút chìa khóa xe.
Với các bạn nhỏ từ 6 tuổi trở lên, nhà trường cần kết hợp với phụ huynh huấn luyện kỹ năng thoát hiểm - sinh tồn. Trẻ từ 6 tuổi đã có thể tìm cách bấm còi xe từ bên trong, mở cửa sổ, dùng búa đập vỡ kính, bật đèn khẩn cấp… Nếu học sinh được đào tạo, thực hành trực quan như một khóa học kỹ năng bởi đội cứu hộ chuyên nghiệp, thì rất có thể, đã không có những chuyện đau lòng xảy ra.
Làm cha mẹ, một trong những quyết định khó khăn là giao phó: Giao phó việc học hành cho thầy cô giáo, giao phó rèn luyện kỷ luật cho nhà trường, giao phó việc học thêm cho gia sư, giao phó việc học tập kỹ năng sống cho các trung tâm giáo dục… Và một trong những giao phó khác, rất phổ biến thời nay là giao phó việc đưa đón cho xe buýt trường học, hoặc với nhiều nhà là xe ôm đầu ngõ.
Sự việc ở Thái Bình nhắc nhở tất cả chúng ta rằng, có những việc không được dễ dãi, qua loa, đại khái.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Quyết là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Điện tử Gia Đình Mới. Anh quan tâm đến lĩnh vực công nghệ thông tin và thường có những bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân về đời sống và công nghệ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!