Tâm điểm
Hoàng Hồng

Vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô và tín hiệu S.O.S đầu giờ học

Con tôi học lớp 10 một trường công lập tại Hà Nội. Lớp có 50 học sinh. Hầu như tuần nào tôi cũng thấy giáo viên chủ nhiệm nhắn trên nhóm lớp: "Hiện đang vắng mặt con A không phép. Bố mẹ kiểm tra giúp cô."

Một năm học trôi qua, tôi không đếm nổi có bao nhiêu lần cô nhắn như vậy. Đại đa số lý do được đưa ra là ngủ quên. Thi thoảng có em hỏng xe, có em ốm mà bố mẹ chưa kịp xin phép. Tuy nhiên, cô giáo không thay đổi việc nhắn tin trên nhóm lớp mỗi khi học sinh vắng mặt đầu giờ.

Trước tôi cho rằng do nhà trường giữ kỷ luật nghiêm. Học sinh trong trường bị đếm từng lỗi để xếp loại hạnh kiểm. Nhưng sau sự việc trẻ mầm non 5 tuổi bị bỏ quên cả ngày trên xe đưa đón dẫn đến tử vong, tôi đã nghĩ khác về thói quen điểm danh của cô giáo con tôi.

Giáo viên chủ nhiệm từ cấp THCS trở lên không phải ngày nào cũng có tiết dạy đầu giờ ở lớp mình phụ trách. Giáo viên bộ môn không làm nhiệm vụ điểm danh. Việc này được giao cho lớp trưởng. Đầu giờ học, sáng hoặc chiều, lớp trưởng điểm danh và nhắn tin cho cô chủ nhiệm nếu có bạn vắng mặt không phép. Sau đó, giáo viên nhắn lên nhóm lớp để phụ huynh kiểm tra. 

Tin nhắn thường được gửi đi khi giờ học đã bắt đầu, tức là lúc giáo viên có thể đang có tiết dạy ở lớp khác. Nhưng không vì bận mà cô bỏ qua việc này. Bởi vì rất có thể, tại một thời điểm thiếu may mắn nào đó, một học sinh có thể vắng mặt vì gặp sự cố trên đường đi, thậm chí là sự cố ngay tại nhà mình. 

Cô chủ nhiệm đã xem bất kỳ sự vắng mặt nào của học trò cũng là một tín hiệu S.0.S, dù cả chục lần trước đó đều là ngủ quên.

Dù lớp có 50 học sinh, trường công, và bọn trẻ đã 16 tuổi, không còn ở tuổi trẻ em.

Vậy tại sao ở trong vụ việc ở Thái Bình, một lớp mầm non 5 tuổi, sĩ số tối đa 35 học sinh, trường tư thục, 2 giáo viên đứng lớp, việc một học sinh vắng mặt không phép đầu giờ lại được xem là bình thường?

Vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô và tín hiệu S.O.S đầu giờ học - 1

Chiếc ô tô đưa đón học sinh hàng ngày tại Trường mầm non Hồng Nhung 2 (Ảnh: Đức Văn).

Kể từ sau vụ trẻ tiểu học bị bỏ quên đến tử vong trong xe đưa đón ở một trường quốc tế năm 2019, ít nhất 3 vụ việc bỏ quên trẻ trên xe tiếp tục xảy ra tại Hà Nội và Bắc Ninh. Quy trình xe đưa đón trẻ đã có, tại sao trẻ vẫn bị bỏ quên? Câu hỏi nhức nhối ấy được hỏi đi hỏi lại những giờ qua. 

Đó là câu chuyện của chuẩn trong giáo dục.

Quy trình chuẩn nhưng những người tham gia vào việc thực hiện quy trình không chuẩn. 

Lái xe không đi xuống hàng ghế cuối cùng để kiểm tra. Người đưa đón không điểm danh trẻ lên và xuống xe. Giáo viên phụ trách không điểm danh học sinh trong lớp đầu giờ, không liên hệ với gia đình để tìm hiểu lý do khi học sinh vắng mặt không phép.

Mỗi khâu thiếu chuẩn, tắc trách, cẩu thả, không làm đủ trách nhiệm phận sự công việc được giao sẽ gây ra hậu quả nặng nề. Mà tính mạng con người không phải thứ để nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định về chuẩn nhà giáo. Theo đó, chuẩn nhà giáo bao gồm 5 tiêu chuẩn: phẩm chất, đạo đức nhà giáo; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nhiệm vụ theo chức danh và sức khỏe.

Đồng thời, một người dạy học chỉ được gọi là nhà giáo khi có chứng chỉ hành nghề, tức có đủ thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định và vượt qua được kỳ thi sát hạch.

Các nội dung này trong dự thảo không phải giấy phép con trong giáo dục, càng không phải để siết chặt quản lý nhà giáo. Đó là tiêu chuẩn để mỗi người dạy học hướng đến chuẩn. Bởi bất kỳ sự thiếu chuẩn nào trong giáo dục cũng để lại hệ lụy về con người, trong đó có hệ lụy về tính mạng.

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng xã hội nên ủng hộ và tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay cả những quy định có hình thức khắt khe. 

Từ những việc rất nhỏ như đánh giá học sinh như thế nào, vì sao chỉ một chữ "H" mà không được học sinh giỏi, cách thức tổ chức và hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh ra sao, quỹ phụ huynh chỉ thu những khoản gì… đến những việc lớn hơn như chuẩn nhà giáo và chứng chỉ hành nghề, tất cả đều nhằm mục đích tạo ra một hệ thống giáo dục chuẩn mực, khoa học, nhân văn và bảo vệ con người, khởi đầu từ độ tuổi nhà trẻ.

Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!