Yêu con mình chớ bỏ mặc con người
Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 này là "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em". Mỗi người hãy có ít nhất một hành động thiết thực cho trẻ em. Bạn sẽ đóng góp hành động thiết thực gì cho trẻ em trong tháng này?
Người Việt yêu con. Rất nhiều người dành cho con mình tình yêu đặc biệt. Chắc ít nơi nào trên thế giới, những đứa trẻ 17, 18 tuổi đi thi vẫn có cha mẹ tháp tùng, đưa đón, đợi trông, chăm sóc như ở Việt Nam. Trên mạng xã hội, danh hiệu "người cha quốc dân" hay "người mẹ quốc dân" nhiều không kể xiết.
Ai cũng có thể trở thành các chuyên gia con cái từ những chia sẻ cách nuôi dạy con của mình. Hồi tôi làm cố vấn truyền thông cho một tập đoàn giáo dục lớn, các bạn truyền thông đưa tôi danh sách gần 300 "Hot Mom" có lượt tương tác, theo dõi trên mạng xã hội thuộc "Tổ ngàn like". Thị trường xuất bản sách dạy con, sách cho con có thể nói là dẫn đầu doanh thu toàn ngành xuất bản. Sự quan tâm đến con cái của người Việt thực sự lớn. Tôi vẫn nghĩ đó là một điều tuyệt vời của người Việt ta.
Nhưng. Nhưng người Việt yêu con mình xin đừng bỏ mặc con người. Bởi tôi cũng đã thấy những đau lòng của "Ai cho mày đánh con tao". Những vụ phụ huynh ra tay đánh kẻ bắt nạt con mình nhân danh bảo vệ con mà bất chấp luật pháp, đặc biệt là Luật Trẻ em. Bởi tôi cũng đã thấy cả những vô cảm của những người cha, người mẹ khi thốt lên câu: "May quá, không phải con mình" trước những vụ trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại. Bởi tôi cũng đã thấy cả những dửng dưng, thờ ơ của nhiều cha mẹ khi buông ra câu: "Con cái không có cha mẹ dạy thì để xã hội dạy".
Tệ hại hơn, nhiều cha mẹ khi chứng kiến một đứa trẻ phạm lỗi bị hành hung bởi người lớn khác lại hả hê: Cái ngữ trẻ con như vậy đáng bị đánh lắm, bênh vực cái nỗi gì? Ngay trong hằng hà sa số những bình luận trên mạng, thậm chí trên cả báo chí chính thống, nhiều người đang làm cha, làm mẹ cũng lạnh lùng, phẫn nộ đòi đẩy những đứa trẻ đánh bạn vào tù, thậm chí đòi xử tử cho rộng đất.
Tôi có thâm niên làm báo cho trẻ em từ những năm 1994 khi chính mình cũng vừa hết tuổi trẻ con bắt đầu tập làm người lớn nên có lẽ trẻ em vẫn là cái gốc rễ trong mọi góc nhìn, quan điểm của tôi. Lại thêm việc đồng hành cùng Cục Trẻ Em, Hội bảo vệ quyền trẻ em, nhiều tổ chức chăm sóc và bảo vệ trẻ em giúp tôi nhìn thấy rộng hơn, sâu hơn về công tác này. Tôi hiểu những khó khăn trong công tác bảo vệ trẻ em ở ta khi mà nhiều người lớn "con mình mình yêu, con người kệ đời" khiến nhiều vụ bạo hành, bạo lực, xâm hại không được lên tiếng kịp thời đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, lên báo đài rồi mọi người mới phẫn nộ.
Tháng hành động quốc gia vì trẻ em 2024 đã bắt đầu với thông điệp: "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em". Là mỗi người trong chúng ta hãy có ít nhất một hành động thiết thực cho trẻ em, vì trẻ em. Hãy bắt đầu bằng đứa trẻ chúng ta gặp mỗi ngày ngoài con mình. Liệu chúng ta có thể dành tặng chúng ít nhất một cư xử tốt đẹp hay việc không im lặng trước mỗi đứa trẻ đang là nạn nhân của bạo hành, bạo lực, bỏ bê?
Yêu con, bảo vệ con mình bằng việc quan tâm đến cả những đứa trẻ xung quanh con mình, môi trường sống của chúng. Sẵn sàng report (báo cáo) những clip độc hại, hội nhóm, nội dung độc hại cho dẫu con bạn không có mặt trong đó. Bảo vệ cả những đứa trẻ không phải là con bạn để loại bỏ những mối nguy hiểm với mọi đứa trẻ.
Tổng đài 111 không phải chỉ dành cho trẻ con gọi đến mà nó phải thành công cụ bảo vệ mọi đứa trẻ chúng ta gặp. Không phải là "học theo phương Tây" đâu mà chính là làm điều đúng đắn: Nhấc điện thoại báo cáo với các cơ quan chức năng khi thấy những người cha, người mẹ đối xử tệ hại, bạo lực với con họ. Đừng "con ai nấy dạy", đừng "không phải chuyện của mình".
Hành động thiết thực dành cho trẻ em cũng là cách để ta "nâng cấp" tình yêu con của mình. Một người cha, người mẹ luôn bày tỏ quan điểm, thái độ bảo vệ trẻ em sẽ biến việc bảo vệ trẻ em thực sự trở thành trách nhiệm chung của xã hội. Chúng ta nào phải ai cũng có thể 24/7 bảo vệ con mình, hãy biến việc đó thành công việc chung của cả xã hội tử tế. Tôi bảo vệ con bạn khi bạn không có mặt và bạn bảo vệ con tôi khi tôi không có mặt. Đó mới thực sự là điều giảm bớt mối lo của cha mẹ vậy.
Tháng hành động vì trẻ em bắt đầu từ 1/6 hàng năm và kết thúc vào 30/6 cùng năm. Đó luôn là khoảng "thời gian vàng" để chúng ta nói với nhau nhiều hơn về trách nhiệm của người lớn. Đó không phải là tuyên truyền, đó là một cam kết. Để không chỉ con của chúng ta được bảo vệ tốt hơn, được chăm sóc nhiều hơn mà còn là được sống trong môi trường an toàn hơn, trong lành hơn. Cả những bài báo đau lòng mà chúng ta phải đọc mỗi ngày như "bé 3 tuổi nghi bị ép dùng ma túy" đến "cậu bé 5 tuổi tử vong vì bị quên trên xe", hay nhiều câu chuyện khác, đừng chỉ đem đến sự phẫn nộ xã hội mà cần thêm cả những giải pháp để nó không xảy ra với con mình, con người.
Tháng hành động quốc gia vì trẻ em chính là khoảng thời gian để những giải pháp, đề xuất, kinh nghiệm, kỹ năng… được chia sẻ và đón nhận nhiều hơn. Một xã hội tập trung, tăng cường mọi nguồn lực để chăm sóc trẻ em tốt hơn sẽ đem đến những thay đổi tích cực cho chính chúng ta.
Như một chia sẻ của anh Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, nói với tôi hôm nào: "Không phải trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai đâu Tú ạ! Mà là thế giới hôm nay, trẻ em ngày mai mới đúng". Là chúng ta thay đổi thế giới của chúng ta hôm nay không chỉ cho trẻ em của hôm nay mà còn cho cả trẻ em của ngày mai nữa. Mỗi đứa trẻ hạnh phúc hôm nay sẽ trở thành những cha mẹ hạnh phúc của ngày mai vậy.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!