Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

"Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam"

Trong bài phát biểu tại Đại học Columbia nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 và làm việc tại New York (Hoa Kỳ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu nhiều nội dung quan trọng, trong đó đề cập đến thông điệp Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.

Gần đây, các cụm từ "Khởi điểm mới", "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" xuất hiện nhiều hơn trong diễn ngôn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Những cụm từ nêu trên đã thu hút sự chú ý, khơi gợi nhiều cảm hứng cũng như dấy lên những kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sự thay đổi tích cực hơn nữa trên đất nước Việt Nam. Bởi lẽ, những diễn ngôn chính trị như vậy không chỉ cho thấy những nét mới mẻ về nhận thức và quan điểm, mà còn khẳng định quyết tâm và tâm thế sẵn sàng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về những mục tiêu mới trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia. Ảnh: TTXVN

Ở bất cứ cấp độ nào, tổ chức, cộng đồng địa phương, quốc gia, hay toàn cầu thì "khởi điểm mới" cũng thường gắn với một dấu mốc thời gian, được xác định dựa vào những sự kiện, hoặc những thay đổi then chốt về nhận thức và hành động. Những dấu mốc đó chứng kiến những thay đổi có tính chất bước ngoặt, tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển sau đó. Nhìn lại lịch sử nước ta thì có thể thấy nhiều dấu mốc như vậy, có ý nghĩa và tác động lâu dài.

Năm 938, với chiến thắng trên sông Bạch Đằng và việc Ngô Quyền xưng là Ngô Vương một năm sau đó đã mở ra kỷ nguyên mới gắn với nền độc lập và tự chủ cho nước nhà. Năm 1010, quyết định dời đô của vua Lý Thái Tổ đã lập nên kinh đô Thăng Long, khởi đầu cho quá trình tích lũy giá trị và truyền thống của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945 đã trở thành tiền đề cho sự thiết lập mô hình chính thể dân chủ cộng hòa, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam; đưa tên nước Việt Nam hiện đại xuất hiện trên bản đồ thế giới.

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đã kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhưng cũng đầy vẻ vang đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.

Năm 1986, quyết định Đổi mới đã đánh dấu quá trình cả dân tộc quyết tâm thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước thoát khỏi thế bị bao vây và bị cô lập trên trường quốc tế. Vì thế, gần bốn thập kỷ vừa qua có thể coi là một kỷ nguyên trong lịch sử dân tộc, đặc trưng bởi những nỗ lực đổi mới và hội nhập quốc tế.

Sự vận động của lịch sử gợi ra rằng, sau những cột mốc có tính bước ngoặt là một giai đoạn phát triển, gắn với những nỗ lực cho các mục tiêu mới, và thường được gọi là thời kỳ hoặc kỷ nguyên. Do đó, kỷ nguyên mới là khoảng thời gian sắp tới, cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu mới.

Một thực tế được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế thừa nhận là Việt Nam đã đạt được những thành tựu có tính đột phá sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. So với năm 1986, quy mô nền kinh tế nước ta vào năm 2023 đã tăng 96 lần, đưa Việt Nam lọt top 40 nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam đến nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế. Nước ta cũng đã có quan hệ với 224 thị trường tại các châu lục, đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do, giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt khoảng 683 tỷ USD.

Rõ ràng là, bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Việt Nam đã vươn lên tầm cao mới, với vị thế mới. Chính thế và lực của đất nước hiện nay cho phép và cũng đòi hỏi chúng ta phải đề ra những dự định mới cho tương lai sắp tới. Bởi lẽ, nếu không có những khát vọng mới, thể hiện ra thành những mục tiêu mới và quyết tâm mới thì chúng ta sẽ có thể mãi loay hoay với những gì đã đạt được.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu chiến lược: đến năm 2030, đưa Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển. Có thể nói, tầm nhìn lãnh đạo đến năm 2045 đã xác định đặc trưng then chốt nhất cho kỷ nguyên mới của Việt Nam, đó là kỷ nguyên cả dân tộc nỗ lực tư duy và hành động vì mục tiêu quốc gia phát triển.

Những mục tiêu mới cũng đồng nghĩa với những thách thức mới. Cụ thể như chúng ta phải nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 12.500 USD/năm, chỉ số phát triển con người phải vượt 0.8, và nước ta có quan hệ hợp tác hữu hảo với các nước, trở thành thành viên tích cực, chủ động của các tổ chức quốc tế, có nhiều đóng góp và ảnh hưởng với việc giải quyết các vấn đề trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Vì thế, chúng ta có thể đồng thuận rằng, tính từ thời điểm hiện nay đến năm 2045 thì hơn hai thập kỷ sắp tới sẽ là một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những mục tiêu ở tầm cao mới đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, và kiên định của cả dân tộc. Vì thế, hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045 sẽ là một thách thức rất lớn nhưng nếu thực hiện được thì đất nước, dân tộc Việt Nam sẽ bước lên một tầm cao mới.

Hẳn là mọi người dân Việt Nam đều sẽ đồng thuận với Đảng, cùng tự tin và quyết tâm hướng đến mục tiêu quốc gia phát triển trong tương lai. Cũng có nghĩa, trong vai trò lãnh đạo đất nước, Đảng sẽ phải có trách nhiệm quy tụ và dẫn dắt mọi lực lượng xã hội để thực hiện cho bằng được cam kết chính trị đã tuyên bố với nhân dân.

Cảm hứng và lòng tin vào tầm nhìn lãnh đạo 2045 là cần thiết nhưng chúng ta cũng cần hết sức duy lý và thực tế trong hành động. Theo đó, để đất nước có thể bứt phá phát triển thì trước hết cần tiếp tục quyết liệt tạo ra những thay đổi cụ thể với ba ưu tiên đột phá chiến lược đã được Đảng đề ra từ đại hội XI, bao gồm thể chế, con người, và cơ sở hạ tầng.

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu gần đây về công tác chuẩn bị đại hội XIV: Công tác nhân sự là "then chốt" của "then chốt". Quan điểm này là sự nhất quán của Đảng ta về vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, và nhìn ra thế giới thì cũng đã được chứng thực bởi vai trò của đội ngũ lãnh đạo chính trị và công chức chính quyền với thành công thần kỳ của nhiều nước trong khu vực châu Á.

Một điểm dễ thấy là những bước phát triển đột phá tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…, đều gắn với vai trò nổi bật của các nhà lãnh đạo luôn cháy bỏng khát vọng chấn hưng dân tộc, nâng tầm vị thế đất nước, cùng đội ngũ công chức, viên chức chính quyền không chỉ giỏi về năng lực chuyên môn, mà còn thấm đẫm ý thức làm việc mẫn cán và phụng sự nhân dân.

Cũng có nghĩa, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược ở nước ta đang và sẽ đứng trước trọng trách vinh quang nhưng cũng rất nặng nề là truyền cảm hứng, tạo động lực, vun đắp lòng tin, và dẫn dắt tiến trình phát triển bứt phá của đất nước, hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới để đưa dân tộc Việt Nam vươn mình, thay đổi vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!