Tâm điểm
Phạm Quang Vinh

Kỷ luật và phát triển

Ngày nay, Hàn Quốc nổi lên như một trong số những quốc gia "quyền lực" trên thế giới. Với dân số bằng một nửa Việt Nam, đất nước này có nền kinh tế thịnh vượng và tổng thu nhập quốc gia 1.730 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thế giới về GDP. Không chỉ dẫn đầu về các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, Hàn Quốc gần đây còn được biết đến như là một nhà sản xuất thiết bị quốc phòng và vũ khí.

Năm 1965, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ là 109 USD, thấp hơn gần 9 lần so với Nhật Bản (929 USD). 30 năm sau đó, năm 1991, Hàn Quốc (cùng với Đài Loan, Singapore) đã được thế giới gọi tên như các nền công nghiệp mới (NICs), thu nhập bình quân đầu người là 7.637 USD, so với Nhật Bản cùng thời điểm, là 25.371 USD. Đến năm 2021, thì khoảng cách giữa hai quốc gia này về GDP trên đầu người chỉ còn rất ít, 34.998 USD của Hàn Quốc so với 39.313 USD của Nhật Bản.

Sự trỗi dậy thần kỳ của Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1961 - gắn liền với thời gian làm Chủ tịch hội đồng tối cao tái thiết quốc gia và cầm quyền của tướng Park Chung-hee, từ tháng 7/1961 đến năm 1979 - kéo dài đến năm 1987.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về di sản của tướng Park, nhưng nói đến lịch sử phát triển của Hàn Quốc thì không thể nhắc đến những phát biểu và hành động của nhà lãnh đạo này. Ông Park từng tuyên bố trước 2 vạn sinh viên Seoul hồi 1961: "Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mị dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra".

Tướng Park đã sử dụng, thậm chí lạm dụng tình trạng chiến tranh của đất nước để áp đặt nhiều biện pháp khắc khổ và kỷ luật. Người Hàn Quốc, từ tổng thống đến dân thường đều phải làm việc nặng nhọc và sống kham khổ, mỗi tuần phải nhịn ăn một bữa, không được hút thuốc lá ngoại, thời gian làm việc kéo dài đến 12-14 giờ mỗi ngày, mức lương rất thấp. Và trên tất cả, chính quyền ông Park, và sau đó, Choi Kyu-hah và Chun Doo-hwan đã áp đặt và duy trì kỷ luật xã hội, kỷ luật công vụ ở mức khắc nghiệt, cho đến khi có những cải cách dân chủ và cởi mở hơn từ năm 1987.

Kỷ luật và phát triển - 1

Bài toán phát triển của đất nước gắn với tính kỷ luật và hiệu quả trong công việc của người lao động (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Những nguyên tắc và thói quen kỷ luật, tinh thần lao động chăm chỉ của người Hàn Quốc là một trong những di sản quan trọng và đã góp phần mang lại sự phát triển thần kỳ cho đất nước này. Với rất nhiều nhà nghiên cứu, sự trỗi dậy của Hàn Quốc luôn gắn với một nguồn lực quan trọng, là con người, và một xã hội kỷ luật, chăm chỉ chính là thành tố quan trọng nhất để tạo nên sự thịnh vượng.

Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất trở nên thịnh vượng và "hóa rồng" nhờ việc duy trì kỷ luật, bao gồm kỷ luật xã hội và kỷ luật hành chính công vụ. Con đường chung của các nền kinh tế công nghiệp mới ở châu Á (NICs) bao gồm Đài Loan và Singapore cũng có lý do tương tự. Với dân số chỉ 23 triệu người, Đài Loan ngày nay là một nền kinh tế có quy mô 761 tỷ USD/năm, đứng thứ 22 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người hàng năm hơn 32.000 USD.

Các công ty Đài Loan không chỉ sản xuất ra phần lớn giày dép của Nike, điện thoại và máy tính của Apple, mà còn nắm giữ những bí quyết và sản xuất những con chip quan trọng bậc nhất cho các thiết bị dân sự và quân sự trên thế giới, giữ vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung. Những thành quả kinh tế của Đài Loan cũng được tạo dựng từ tính kỷ luật trong nhiều năm. Một xã hội kỷ luật cao và lao động chăm chỉ, một lần nữa lại là một trong những yếu tố tạo nên sự thịnh vượng và đưa Đài Loan góp mặt vào hàng ngũ những nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Nếu có gì đó cần và phải học hỏi từ những thành công của các nền kinh tế đi trước, tôi nghĩ, đối với chúng ta, đó là việc xây dựng tính kỷ luật trong công việc, không chỉ trong hệ thống hành chính công vụ, mà là trong toàn xã hội.

Một trong số những ví dụ về kỷ luật hành chính công vụ, là thông tin của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập trong cuộc làm việc của Thủ tướng với TPHCM hôm 16/4 vừa rồi. Bộ trưởng Dũng cho biết: "Năm 2022, thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến, Bộ có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố".

Điều chúng ta chưa được biết, là tại sao những văn bản "đá lên trên" ấy không được xử lý ở chính cấp có thẩm quyền, và tại sao những cú "đá hất" ấy lại có thể được chấp nhận, và vẫn đang tiếp tục xảy ra, ngày một nhiều hơn. Vì lý do "để bảo đảm an toàn"? Nhưng hậu quả của những cú banh chuyền văn bản ấy thì lại rất dễ nhận ra khi nhìn vào sự trì trệ của nền kinh tế, và khi các doanh nghiệp và người dân bị hành hạ bởi nạn quan liêu và hệ thống hành chính công vụ kỷ luật kém.

Cũng không thể không nói về tính kỷ luật trong lao động, sinh hoạt hàng ngày ở trong xã hội, mà thường được giải thích bằng thói quen đại khái, xuê xoa theo kiểu "ở ta nó thế". Có thể thấy điều này ở khắp nơi, vào mọi lúc, từ việc đi lại lộn xộn, đến thói quen không tuân thủ giờ giấc làm việc,…

Kỷ luật kém, hiệu quả lao động thấp là lực cản lớn nhất, và khi được "trộn" cùng với văn hóa hưởng thụ đang phát triển rất nhanh, chắc chắn sẽ là lực cản lớn nhất để chúng ta phát triển, và bài toán để phát triển, cũng chính là bài toán xây dựng tính kỷ luật và hiệu quả, từ ngoài xã hội đến bên trong nền hành chính công vụ.

Tác giả: Ông Phạm Quang Vinh là một doanh nhân và là cộng tác viên lâu năm của nhiều cơ quan báo chí. Ông quan tâm đến các vấn đề giáo dục, quản trị và xây dựng pháp luật.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!