Tâm điểm
Tô Ngọc Doanh

Khi người già "lẫn đáng yêu"

Với khuôn mặt rất khó tả, cô nhân viên hay đi làm muộn khẽ trình bày: "Mẹ chồng em lẫn quá rồi anh ạ". Tôi phì cười vì nhất thời không sao tìm ra được sự liên hệ giữa chuyện nhân viên đi làm muộn và chuyện bà mẹ chồng cô ấy bị lẫn.

Hóa ra, do bị lẫn, nên bà mẹ chồng cô lúc nào cũng lo nhà bị mất trộm, vì thế, để đề phòng, hễ thấy chìa khóa, túi xách, ví… là cụ cất rất kỹ.

Lâu dần, cẩn thận hơn, ngoài chìa khóa, cụ còn chủ động tìm các thứ mà cụ coi là tài sản quý đem cất thật kỹ! Khổ nỗi, vì lẫn lộn nên địa điểm cất đồ của cụ không tuân theo lẽ thường và thế là, thi thoảng cả nhà lại mướt mồ hôi đi tìm, khi thì cái ví cầm tay, lúc thì con chuột máy tính…

Sự vất vả của mọi người nhiều khi lại mang tới những niềm vui bất ngờ. Chẳng hạn, có lần, cả nhà phát hiện ra trong gầm giường có tới chục chiếc bật lửa được gói kỹ bằng giấy báo và đựng trong một túi nilon tối màu. Có khi cả nhà tìm được mấy chùm chìa khóa thất lạc từ lâu được để dưới đáy một hộp đựng búp bê cũ đã bị đứa cháu bỏ xó lâu ngày. Thậm chí, có lần mấy đứa con nhìn bố mẹ với vẻ khác thường khi phát hiện ra trong khe tủ giáp tường có một túi nilon chứa đầy bao cao su!

Khi người già lẫn đáng yêu - 1

Ứng xử với cha mẹ già không chỉ là trách nhiệm của người làm con, mà đó chính là sự lo xa khi tạo nên tấm gương trong cách ứng xử cho thế hệ sau (Ảnh minh họa: CV)

Việc thất lạc mấy thứ đồ trong nhà cũng không mấy ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, nhưng chuyện giấu chìa khóa nhà, đặc biệt là chìa khóa ô tô khiến nhiều khi con cháu cụ "khóc không ra nước mắt", bởi đánh thêm khá nhiều chìa khóa, cất cẩn thận vào túi xách rồi cho vào tủ, nhưng chỉ cần một lần sơ ý để cụ phát hiện là… biết liền! Quả thật, cả nhà không thể tìm ra giải pháp hoàn hảo để đối phó với… bậc bề trên lẫn!

Chuyện của cô nhân viên có bà mẹ chồng lẫn theo hướng "phòng gian bảo mật" đã khiến giờ nghỉ hôm đó cả phòng chúng tôi mở "hội thảo" về sự lẫn lộn của các cụ.

Hóa ra không chỉ riêng cụ mẹ chồng cô nhân viên nọ lẫn khó hiểu như vậy. Một đồng nghiệp kể chuyện lẫn của ông cụ nhà anh ta, nhưng lại theo chiều hướng siêu tiết kiệm!

Khi thế hệ các cụ còn trẻ, khó khăn kinh tế thời bao cấp khiến cả nước đều trong trạng thái "tiết kiệm lên ngôi, hào phóng tiệt chủng". Về già, những khó khăn vật chất đã lùi xa, nhưng thói quen tiết kiệm của mấy chục năm trước lại được cụ tái hiện với tần suất thường xuyên. Cụ tiết kiệm tới mức, đèn trong nhà chỉ bật vào ngày lễ tết và khi nhà có khách tới chơi, những ngày còn lại trong năm, cả căn phòng mấy chục mét vuông chỉ hiện ra lờ mờ dưới ánh sáng của một bóng đèn led 2W.

Trong căn phòng mờ ảo đó đã khiến cho mỗi bận con cháu đi vào là y như rằng, không đá trúng cái nọ thì cũng vấp phải thứ kia, nhưng con cháu vẫn vui vẻ hưởng ứng sáng kiến tiết kiệm điện của cụ và cùng với những âm thanh không mong đợi đó, những đổ vỡ đó là tiếng cười sảng khoái của lũ trẻ khi phát hiện ra "cái ghế mù nên va vào chân con" hoặc "cái xoong vô ý nằm giữa nhà nên xứng đáng bị đá đi"!

Không chỉ tiết kiệm điện, cụ còn tiết kiệm nước bằng sáng kiến dùng giẻ màn bao đầu vòi nước để "con giúp việc không phá nhà này bằng sự lãng phí"!

Ngoài hai hiện tượng "người thật, việc thật", mấy bạn trong phòng còn kể thêm những chuyện của người quen, bạn bè về sự lẫn lộn của các cụ. Có cụ lấy tiêu chí vệ sinh thực phẩm (riêng của cụ!) ra để quy định việc ăn uống trong nhà, nếu cả nhà không tuân theo thì tuyên bố "từ mai tao ăn riêng"!

Rồi biết bao chuyện về ăn nhạt, ăn mặn, dùng dầu thực vật thay vì dùng mỡ, rồi giờ ăn giờ nghỉ, chuyện các cháu làm ồn quấy phá thời gian các cụ nghỉ ngơi… khiến con cháu trong nhà nhiều khi không biết làm thế nào cho phải.

Vẫn biết rằng, chăm sóc các cụ để báo đáp công sinh thành, nhưng những áp lực từ cuộc sống, từ công việc khiến không phải ai, dù có tâm lý tới mấy, dù có yêu quý các cụ bao nhiêu và dù luôn thông suốt đạo lý của người làm con cũng khó có thể kiềm chế việc đôi khi cao giọng, thậm chí buông một lời nói xẵng trong giao tiếp hàng ngày với các cụ.     

"Làm thế nào" là câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời cho hầu hết mọi người?

Trước tiên, cần phải nói nhiều người tuy có điều kiện có thể mua nhà ở riêng nhưng vẫn chấp nhận sống cùng sự lẫn lộn của các cụ, bởi thà chịu đựng những hành vi bất thường của các cụ vẫn còn hơn là phải gánh nỗi bất an trong lòng khi các cụ không ở cùng con cháu.

Còn với đại đa số người đi làm, lý do của sự lúng túng đó xuất phát từ khó khăn về kinh tế, bởi với rất nhiều người, việc mua một căn nhà ra ở riêng không thể thực hiện trong một vài chục năm, thậm chí có những người đi làm cả đời cũng không thể mua nổi một căn nhà. Vì thế, tam đại đồng đường là chuyện phổ biến ở các thành phố, với những người khó khăn hơn, tứ đại đồng đường vẫn có thể xảy ra và lúc đó, nỗi khổ được nhân đôi khi ông bà lẫn lộn cộng với nhớ nhớ quên quên của bố mẹ! Và, việc sống chung là tất yếu sẽ buộc mọi người phải tìm ra giải pháp.

Chưa kể đến yếu tố tuổi tác, chỉ cần đặt mình vào vị trí của một người suốt ngày giam mình trong không gian khép kín, không có mối giao tiếp nào, trong khi điện thoại không biết dùng, tivi không biết bật, chắc chắn sẽ ngay lập tức biết mình phải ứng xử như thế nào. Giải pháp thuê người giúp việc sống chung để tránh cô đơn cho các cụ, thậm chí, cuối ngày có thể đưa các cụ dạo chơi, tập thể dục ổn thỏa nhất, tuy nhiên, tìm được người như vậy đã khó, nhưng trang trải chi phí đó, với mức thu nhập của đa phần viên chức thực sự là… không kham nổi!

Kinh nghiệm của nhiều người có "thâm niên" chịu đựng sự lẫn lộn của các cụ cho thấy, họ bình an vượt qua những thử thách hàng này nhờ nằm lòng 3 yếu tố: một là, lẫn thế, chứ có lẫn hơn thế nhiều lần cũng không vấn đề gì vì bố (mẹ) mình chứ ai, bởi ngày xưa, biết bao lần bố đã dắt tay mình vượt qua mưa gió; mẹ đã bao đêm thức trắng trông nom mình khi ốm đau.

Hai là, lẫn lộn hầu như đã trở thành quy luật tất yếu, bởi khi về già, ai có thể chắc chắn rằng mình sẽ minh mẫn tới ngày ra đi, biết đâu dưới áp lực của cuộc sống hiện đại, môi trường khí hậu ngày một xấu đi, chưa biết chừng, so với các cụ, mức độ lẫn lộn của thế hệ con cháu sau này còn trầm trọng hơn nhiều. Vì thế, ứng xử với các cụ không chỉ là trách nhiệm của người làm con, mà đó chính là sự lo xa khi tạo nên tấm gương trong cách ứng xử cho thế hệ sau.

Điều thứ ba là khó nhất nhưng lại hiệu quả nhất trong ứng xử, đó là, cố gắng bằng mọi cách nhìn dưới góc độ trào phúng trước những hành vi "khó lường" của các cụ, bởi những tiếng cười sảng khoái sẽ xua tan hết những ấm ức, khó chịu và thế là, sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi ở cơ quan, trong căn nhà nhỏ lại xuất hiện những hành vi lẫn… đáng yêu!

Sống cùng sự lẫn lộn của cha mẹ, cuộc trường chinh đầy mệt mỏi mà có lẽ ít người tránh được, chỉ có điều, cuộc trường chinh đó sẽ trở nên nhẹ nhàng hay sau khi vượt qua mà nó trở thành nỗi ám ảnh nặng nề phải mang theo cả đời sẽ tùy thuộc vào thái độ sống của mỗi người.

Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!