Bức thư của một người mẹ đáng kính trọng!
(Dân trí) - Một bức thư của cô Trần Thị Kim Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng vừa được đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng.
Đó là bức thư với những lời gan ruột của người mẹ có con thi rớt lớp 10 PTTH.
Bất cứ phụ huynh nào khi rơi vào hoàn cảnh tương tự cô Hạnh, chứ chưa nói gì là người làm trong ngành giáo dục, một cô giáo, một “sếp” trong nhà trường… cũng thật khó để đối diện với sự thật.
Chắc đa số sẽ chọn cách né tránh, sẽ im lặng và thậm chí là cố giấu diếm để thông tin không lọt ra bên ngoài.
Tôi biết, có thể trong số những độc giả đọc bài viết này, cũng sẽ có ai đó nghĩ: “Chuyện có gì hay ho đâu mà kể, có cần thiết phải vạch áo cho người xem lưng, tung hê để cả thiên hạ biết vậy không?”.
Cô Hạnh có lẽ cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều mới đăng tải bức thư đó.
Và tôi cho rằng, cô đã làm đúng. Ít nhất là bản thân cô đã vượt qua được nỗi buồn của một người mẹ phải chứng kiến con mình thất bại. Nhưng hơn thế, sự chia sẻ đó có lẽ sẽ có ích cho rất nhiều người khác, nhất là với các bậc phụ huynh.
Người cha, người mẹ nào cũng đều thương yêu con cái mình rất mực. Tôi không so sánh tình yêu của cô Hạnh với những người cha, người mẹ khác có cùng hoàn cảnh.
Nhưng tình yêu là một nhẽ, cách biểu đạt tình yêu của mỗi người lại khác nhau, mang đến những tác động khác nhau, hiệu quả khác nhau…
Chúng ta có thể sẽ rút ra được nhiều điều từ bức thư của người mẹ ấy, một người mẹ và cũng là một nhà quản lý giáo dục.
Đó là một lá thư chan chứa tình mẫu tử. Trong từng câu từng chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, cảm thông của người mẹ với con mình.
Trong lúc con thất bại, người mẹ vẫn vỗ về, động viên, nhưng hoàn toàn không phải “ru ngủ” con mình mà phân tích cho con hiểu rõ tình hình, bình tĩnh, “xốc” lại tinh thần cho con để giúp con vượt qua cú sốc.
Không đánh đập, trách mắng, chê bai hay so sánh con mình với “con nhà người ta”, cô Hạnh viết trong thư gửi con trai: “Mẹ và ba, tất nhiên là có buồn, tuy nhiên, cả hai đều có chung suy nghĩ là, cú ngã này là cần thiết và có ý nghĩa với con”.
“Nếu con cứ thẳng tiến vào 10, thì 3 năm THPT tiếp theo của con rất có khả năng sẽ tiếp tục ở trạng thái “lơ tơ mơ” như 4 năm THCS. Cú ngã này khiến con phải giật mình, tỉnh ngộ”...
Nếu như không ít phụ huynh coi đây là điều gì đó rất kinh khủng, một sự kết thúc với danh dự gia đình thì cô Hạnh lại gọi đây là một “sự cố”.
Người mẹ ấy rất bình tĩnh và chỉ cho con nhìn thấy rõ 3 lựa chọn cho tương lai trước mắt: Học Trung tâm Giáo dục thường xuyên, học nghề hoặc là ôn tập để thi lại năm sau.
Điều này có nghĩa là cậu bé không hề rơi vào đường cùng, ngõ cụt nào mà vẫn còn có những lối rẽ khác cho tương lai. Đi trên con đường nào không quan trọng, quan trọng đích đến.
“Cái đích đến cuối cùng của con người, không phải là đã học trường nào hay kết quả học tập ra sao mà là trở thành một con người có ích và biết cách sống hạnh phúc, bình an”.
Đó là những tâm tình người mẹ, nhưng mang đầy tính triết lý giáo dục, không “hô hào”, không “khẩu hiệu suông” nữa, mà rất dung dị, đi vào lòng người.
Tôi ước giá như phụ huynh nào, người thầy người cô nào cũng sẽ có được cách nhìn nhận tưởng như vô cùng giản đơn như thế.
Nếu ai cũng có thể dạy cho con cái biết tự chịu trách nhiệm về cuộc đời, nếu ai cũng tôn trọng và đồng hành cùng con trong mỗi biến cố, chấp nhận sự thất bại của con mình và cổ vũ cho con đứng dậy… thì hẳn sẽ không có những vụ gian lận điểm, gian lận thi cử “rúng động” như năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình…
Nếu ai cũng đặt mục tiêu dạy con làm người là trên hết, thì cũng sẽ bớt đi những kiếp người sa ngã, hoặc là cũng sẽ không còn những hệ luỵ “con ông cháu cha” “túm tóc kéo lên”, “bế đặt vào ghế”…
“Vì lợi ích trăm năm trồng người” - tôi tin, một đất nước hùng cường chắc chắn phải được xây dựng trên nền tảng những thế hệ thanh thiếu niên trung thực và mạnh mẽ, giàu ý chí vươn lên. Bên cạnh nhà trường thì môi trường giáo dục gia đình cũng vô cùng quan trọng!