Tâm điểm
Nguyễn Sĩ Dũng

Khắc phục lạm dụng trong điều chỉnh pháp luật

Mới đây, trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã coi "Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật… là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí".

Quả thực, pháp luật có thể là nguyên nhân gây ra lãng phí rất lớn. Thứ nhất, chất lượng pháp luật thấp gây ra lãng phí. Thứ hai, lạm dụng điều chỉnh gây ra lãng phí.

Vậy lạm dụng điều chỉnh là gì? Lạm dụng điều chỉnh là việc sử dụng các quy định pháp luật để can thiệp quá mức vào các hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức, vượt quá mục tiêu cần thiết, gây cản trở quyền tự do hoặc gây thiệt hại không đáng có cho các đối tượng bị điều chỉnh nói riêng và cả xã hội nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chất lượng xây dựng pháp luật, đồng thời yêu cầu hạn chế việc đưa các quy định tại nghị định, thông tư thành luật, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả của hệ thống pháp luật.

Hạn chế việc đưa các quy định tại nghị định, thông tư thành luật là một định hướng quan trọng để khắc phục tình trạng lạm dụng điều chỉnh trong công tác xây dựng pháp luật.

Pháp luật điều chỉnh hành vi. Pháp luật càng nhiều thì các hành vi bị điều chỉnh càng nhiều. Không biết vì lý do gì, nhưng một thời gian dài chúng ta đã quan niệm rằng muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải có thật nhiều pháp luật. Với quan niệm như vậy, chúng ta đã cố gắng kế hoạch hóa hoạt động xây dựng pháp luật và coi việc ban hành thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật là một thành tích. Hơn thế nữa, mỗi khi đối mặt với bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống, chúng ta đều nghĩ ngay rằng cần phải ban hành pháp luật để xử lý.

Hệ quả là sự lạm dụng điều chỉnh đã xảy ra. Đời sống xã hội cũng như nền quản trị công đã bị điều chỉnh bởi quá nhiều các quy phạm pháp luật.

Khắc phục lạm dụng trong điều chỉnh pháp luật - 1

(Tranh minh họa: Ngọc Diệp)

Cứ nghĩ mà xem, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức không dám quyết đáp, không dám thúc đẩy công việc có nguyên nhân chủ quan từ bệnh sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm. Nhưng cũng phải nhìn thấy thực tế là với một "rừng" các quy định chồng chéo và xung đột, làm đúng quy định này thì rất dễ sẽ vi phạm các quy định khác. Bởi vậy không tránh khỏi có những cán bộ, công chức nghĩ rằng không làm thì không sao, nhưng đã làm thì thế nào cũng xảy ra vi phạm.

Càng lạm dụng điều chỉnh thì chi phí tuân thủ- chi phí của dân, chi phí áp đặt sự tuân thủ và chi phí thi hành- chi phí của nhà nước, lại càng tăng cao.

Để khắc phục hậu quả của sự lạm dụng điều chỉnh, trong mấy nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã phải tìm cách cắt giảm các thủ tục hành chính và các loại giấy phép nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, thủ tục, giấy phép phát sinh bởi những đạo luật cũ chưa kịp cắt giảm, thì thủ tục, giấy phép phát sinh bởi các đạo luật mới đã lại tăng lên.

Từ những phân tích nêu trên, để giải quyết vấn đề lạm dụng điều chỉnh, theo tôi quan trọng nhất là chúng ta phải đổi mới tư duy lập pháp của mình.

Trước hết, chúng ta cần minh định về quyền lập pháp và chức năng lập pháp của Quốc hội một cách hợp lý và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế hơn nữa. Chính phủ là cơ quan thúc đẩy việc ban hành pháp luật. Quốc hội là cơ quan lập pháp, kiểm soát việc ban hành pháp luật.

Thứ hai, cân đối giữa tự do và điều chỉnh là quan trọng nhất để có hệ thống pháp luật phù hợp với các chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền. Tự do cần thiết cho sáng tạo và phát triển. Nhưng tuyệt đối hóa tự do có thể dẫn tới tình trạng vô chính phủ và sự bất ổn. Điều chỉnh giúp bảo đảm trật tự và sự ổn định, nhưng lạm dụng điều chỉnh có thể tạo ra sự tốn kém và bó buộc các tiềm năng phát triển.

Chính vì vậy, sự anh minh nằm ở khả năng cân đối giữa tự do và điều chỉnh. Đây là một phép cân đối động. Chúng ta cần phải xây dựng năng lực thể chế bao gồm các thiết chế và các quy trình để bảo đảm được sự cân đối này.

Để tránh việc lạm dụng điều chỉnh, quốc hội các nước trên thế giới thường tổ chức xem xét các dự luật một cách rất cẩn trọng qua ba lần thảo luận. Trong đó, lần thảo luận thứ nhất là về việc có thật sự cần thiết phải ban hành một đạo luật như vậy hay không. Về cơ bản, quốc hội các nước sẽ bác bỏ bất kỳ dự luật nào nếu thấy không cần thiết hoặc nếu thấy quyền tự do của người dân bị ảnh hưởng một cách bất hợp lý. Để tránh sự lạm dụng điều chỉnh, ở nhiều nước trên thế giới, việc xem xét, thông qua các dự luật còn phải được tiến hành qua hai vòng: một vòng ở hạ viện và một vòng ở thượng viện. Ngoài ra, việc ban hành pháp luật còn bị hạn chế bởi quyền tái thẩm định (judicial review) và phủ quyết của tư pháp.

Có lẽ, Quốc hội nước ta cũng nên nghiên cứu, xem xét tổ chức một phiên thảo luận để quyết định về sự cần thiết của một dự luật. Ở phiên thảo luận này, Quốc hội sẽ bác bỏ ngay dự luật nếu thấy đang có sự lạm dụng điều chỉnh. Chỉ khi dự luật được thông qua ở bước xem xét về sự cần thiết, Quốc hội mới xem xét tiếp các chính sách lập pháp được đề ra trong dự luật.

Thứ ba, chúng ta cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, các loại giấy phép và các quy định pháp lý làm phát sinh chi phí không cần thiết. Cách làm hợp lý nhất ở đây là khi nhận biết các nút thắt do pháp luật gây ra, chúng ta cần nhanh chóng sửa đổi văn bản để hủy bỏ ngay những quy phạm bất hợp lý.

Cuối cùng, khắc phục lạm dụng điều chỉnh là một trong những chìa khóa để phòng, chống lãng phí và giải phóng các tiềm năng của đất nước. Đây là định hướng chiến lược quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật hướng tới việc cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường pháp lý ổn định giúp người dân, doanh nghiệp tập trung sáng tạo và phát triển dài hạn; giúp cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Tác giả: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!