Những vấn đề lớn đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai
Lúc này một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và các địa phương là tập trung trí tuệ xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, vừa qua tôi đọc thấy báo chí phản ánh sự thất vọng của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nhiều lãnh đạo các tỉnh ở khu vực phía Bắc thiếu trách nhiệm trong góp ý dự thảo Luật này. Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất cần những ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau để luật hóa các chủ trương đổi mới đã được Nghị quyết của Đảng đề ra.
Tôi đã tham gia giúp việc lấy ý kiến xây dựng Luật Đất đai 1993, khi đó chúng ta rất thận trọng trong việc đưa quyền sử dụng đất vào cơ chế thị trường để phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên quan hệ sản xuất hộ gia đình. Ý kiến góp ý rất nhiều, có những ý kiến viết dài tới vài trăm trang, đóng lại thành tập dày.
Đến xây dựng Luật Đất đai 2003, định hướng đổi mới là đưa quyền sử dụng đất vào cơ chế thị trường đầy đủ đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân. Tôi được giao nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến nhiều nhóm khác nhau như khối chính quyền địa phương, khối doanh nghiệp, khối tổ chức xã hội và tổ chức nhiều đoàn xuống khảo sát ý kiến của người dân tại những "điểm nóng". Kết quả cũng thu được nhiều ý kiến hay.
Đến xây dựng Luật Đất đai 2013, tôi đã nghỉ hưu theo chế độ, về dạy học tại Đại học Quốc gia Hà Nội và cũng hợp tác với Ngân hàng Thế giới để góp ý nội dung Luật này, chủ yếu về đổi mới cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ý kiến của Ngân hàng Thế giới cũng dài tới trăm trang, có đủ cả đánh giá tình hình, phân tích lý luận, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách. Nhìn lại, Luật Đất đai 2013 ở chỗ này hay chỗ kia cũng chỉ tiếp thu khoảng 40% đề xuất.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng dễ dàng thống nhất với nhau về tầm quan trọng của quy định pháp luật về đất đai. Nếu lần này chúng ta có một đạo luật tốt, không những khơi thông được nguồn lực khổng lồ để đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, mà còn hạn chế tình trạng tiêu cực, khiếu kiện với rất nhiều "điểm nóng" trong những năm qua.
Với kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng Luật Đất đai như kể trên, theo tôi, đây là đạo luật liên quan đến nhiều luật khác và có những nội dung quy định "vênh" nhau. Nghĩa là nhiều quy định khó áp dụng, đúng được luật này thì trái luật khác. Để loại bỏ sự chồng chéo luật pháp như vậy, đã có lúc chúng ta phổ biến cách áp dụng luật pháp là "văn bản quy phạm pháp luật cấp bậc cao hơn thì có hiệu lực thi hành lớn hơn, văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau có hiệu lực thi hành lớn hơn, và văn bản quy phạm pháp luật đúng chuyên ngành có hiệu lực thi hành lớn hơn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan". Tuy nhiên, quy định này cũng chỉ được phổ biến miệng, khó đủ lý lẽ pháp luật thực sự. Hiện nay, lãnh đạo nhiều địa phương rất ngại phê duyệt dự án khi có "trắc trở" về "vênh váo" pháp luật, an toàn nhất là "gác bút" chờ sửa luật, nếu vậy thì cuộc sống và sự phát triển của địa phương lại bị lỡ nhịp.
Chúng ta nhớ lại, sau cơn "sốt đất" lần thứ 3 vào 2007 - 2008, kinh tế rơi vào lạm phát, giải pháp kiềm chế lạm phát làm cho kinh tế giảm phát và từ đó thị trường bất động sản bị "đóng băng". Đến 2014, thị trường phục hồi nhưng phân khúc nhà ở giá cao lại rơi vào nợ xấu. Rất nhiều vấn đề đất đai nói chung, thị trường bất động sản nói riêng cần có quy định phù hợp, tránh chồng chéo. Giai đoạn từ 2016 đến 2020, cấp có thẩm quyền đã 4 lần nêu vấn đề sửa Luật Đất đai nhưng đều chưa thực hiện được. Lần đầu là sửa để phát triển kinh tế nông nghiệp; lần hai sửa để tạo khung pháp lý cho bất động sản du lịch phát triển; lần ba sửa để tháo gỡ vướng mắc trong phê duyệt các dự án đô thị; và lần bốn sửa để quản lý chặt đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại những vị trí lợi thế về quốc phòng, an ninh. Với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, chúng ta có điều kiện để xem xét tổng thể, gồm cả các vấn đề vừa nêu.
Có lần, một chuyên gia Trung Quốc làm cho Ngân hàng Thế giới nhân tiện trao đổi về chuyên môn mà hỏi tôi "sao Việt Nam nhiều luật thế, nhiều hơn cả Trung Quốc, mà sao hay phải sửa như vậy?". Tôi cũng chỉ trả lời chung chung rằng "ngành nào cũng cần luật cho dễ quản lý!". Nói vậy, nhưng tôi nghĩ bụng câu chuyện pháp luật hồi mới Đổi mới còn đơn giản, nay càng ngày càng phức tạp. Trong thực tế, nhiều vị tư duy rằng có luật là có "bảo bối" khẳng định quyền lực của ngành mình và giảm bớt quyền lực của các ngành liên quan. Cứ thế luật nọ chồng luật kia mà xoay quanh quyền lực quản lý, tăng rồi lại giảm, rồi lại tăng. Việc sửa đổi, bổ sung luật này hay nghị định kia diễn ra thường xuyên. Ngay như Luật Đất đai 2013 cũng đã trải qua 3 đời Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Tất cả những phức tạp đó chỉ làm cho dân sinh nặng nề hơn.
Một lần khác, tôi cùng đoàn Ngân hàng Thế giới xuống xã Cam Lâm ở Cam Ranh, hỏi chuyện một Chủ tịch xã người Raglai về pháp luật đất đai. Anh ta nói rằng "chúng em ở xa, ít học, học mãi mới thuộc một nghị định để phổ biến cho dân, nhưng vừa phổ biến xong thì trên lại đã ban hành nghị định mới rồi, lại phải học từ đầu, mà sao văn bản vừa dài vừa khó hiểu"…
Lời chia sẻ thật tình của ông Chủ tịch xã đáng để cho những người làm công tác xây dựng pháp luật suy ngẫm. Muốn có một đạo luật chất lượng, chúng ta cần lắng nghe thực tiễn và nhất là các địa phương nơi gần nhất với thực tiễn cần có tiếng nói đóng góp, không thể thờ ơ "khoán trắng" cho cơ quan soạn thảo.
Về quy trình, trước đây từng có đề xuất với một đạo luật nào đó đưa ra sửa đổi, nên giao cho Quốc hội tổ chức xây dựng, bắt đầu từ triết lý phát triển, xây dựng chính sách, thiết kế khung pháp lý, .v.v.. Quốc hội có thể lựa chọn các chuyên gia "sắc sảo" tham gia và Chính phủ là một bên đóng góp ý kiến. Có như vậy, hệ thống pháp luật sẽ thống nhất và không chồng chéo nhau. Thiết nghĩ đây là một đề xuất nên được xem xét.
Trở lại câu chuyện góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tôi cho rằng giải pháp lớn nhất phải tìm kiếm ở đây là "đất đai sẽ đóng góp được gì để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia có thu nhập cao". Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã chỉ ra rất rõ rằng "thoát bẫy thu nhập trung bình" là điều khó khăn nhất trong phát triển, cần những giải pháp đồng bộ. Đất đai có nhiều đặc điểm kỳ lạ, mỗi thửa đất là một mảnh của hành tinh này. Biết đầu tư thì đất đai không chỉ là nơi con người sinh sống mà làm giàu được từ đất. Cứ mỗi nơi hạ tầng phát triển là giá đất tăng rất nhanh, nhưng làm sao thu được giá trị tăng thêm đó?. Đấy chỉ là một phương thức khai thác nguồn vốn tiềm ẩn trong đất, và còn nhiều phương thức khác thú vị hơn…
Nói thì dễ, nhưng điều kiện quản lý nào mới làm được lại là việc khó hơn. Quản lý phải dựa trên nguyên tắc quản trị với điều kiện minh bạch thông tin, có sự tham gia của dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan chức năng. Muốn quản trị tốt trong bối cảnh hiện nay lại phải thực hiện được chuyển đổi số. Mà Luật Đất đai sửa đổi rồi còn phải sửa những luật nào liên quan nữa?. Câu chuyện còn nhiều phức tạp.
Nêu ra những khó khăn không phải để làm nản lòng, mà để chúng ta hình dung trước khối lượng công việc và trách nhiệm lớn trong việc sửa đổi Luật Đất đai lần này.
Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Trong quá trình công tác cũng như những năm gần đây, ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!